Bí quyết giảm mùi người già hiệu quả

Google News

(Kiến Thức) - Người già thường phát ra một mùi đặc trưng và dễ nhận biết mà chúng ta quen gọi là “mùi người già”.  Có cách nào để khắc phục nó?

Mùi người già không chỉ đơn giản là do người già ngại tắm, ngại thay quần áo như nhiều người vẫn nghĩ mà khoa học còn chứng minh “mùi người già” còn do sự già cỗi, thoái hóa của các tế bào trong cơ thể… Làm cách nào để giảm “mùi người già”?
Không chỉ có lười tắm, ngại thay quần áo…
Bà Laurie L. Dove, Tạp chí chăm sóc người cao tuổi Agingcare (Mỹ) cho biết, “mùi” đặc trưng ở người già thường được mô tả giống mùi ẩm mốc, mùi cũ kỹ, thậm chí giống như cả mùi pho mát... Nguyên nhân gây ra mùi ở người già có nhiều bao gồm cả việc lười tắm, lười thay quần áo, vệ sinh thân thể qua loa... Việc sống trong môi trường kín bí cũng là nguyên nhân gây ra mùi người già. 
Người già thường sống trong môi trường khép kín, cửa sổ đóng im ỉm, rèm che kín, màn chăn không gấp... Chính không khí ngột ngạt, ẩm mốc đã “ám” vào người già gây ra mùi đặc trưng. Một nguyên nhân nữa là do sức khoẻ răng lợi kém đã tạo ra hơi thở “rau mùi” làm tăng hội chứng “mùi người già”...
Đặc biệt, trong một nghiên cứu liên quan, các nhà khoa học Nhật Bản đã lần theo “mùi người già” và phát hiện một hợp chất hóa học gọi là 2-nonenal. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 2-nonenal là hợp chất có mùi chỉ hiện diện rõ ở người cao tuổi. Các hợp chất này phát ra mùi "nhờn cháy khét như mồ hôi dầu" hoặc mùi “cỏ cây”. Chúng được thoát ra từ da của người già sau đó được giải phóng vào không khí. 
Các nhà nghiên cứu suy đoán sự gia tăng chất 2-nonenal trong cơ thể người cao tuổi có thể có liên quan đến omega-7 - axit béo không bão hòa. 2-nonenal có thể đã được sản xuất như là một sản phẩm phụ của omega-7 là hợp chất thoái hóa do những thay đổi trong chuyển hóa khi có tuổi hoặc do thay đổi số lượng và hàm lượng các hoá chất được giải phóng qua da.
Với các nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chứng minh “mùi ở người già” không chỉ đơn giản là việc lười tắm, lười thay quần áo... mà còn do những nguyên nhân khách quan đến từ quá trình lão hóa của người già. 
Bi quyet giam mui nguoi gia hiẹu quả
Con cháu cần phải hiểu rằng, việc người già lười tắm, lười thay quần áo là xuất phát từ lý do sức khoẻ.
Cần sự hỗ trợ
- "Chúng ta hãy đi vào phòng ông nội và xem xem, có mùi gì đó rất buồn cười", Tommy nói.
- "Lần trước em thấy có mùi giống như pho mát ...", Lil trả lời.
Những dòng hội thoại này trích từ "Rugrats", một loạt phim hoạt hình được phát sóng trên kênh Nickelodeon (Hoa Kỳ) vào những năm 1990. Dù đây chỉ có ý nghĩa vui đùa, nhưng nó cũng liên quan đến khái niệm phổ biến cho rằng người già phát ra một mùi đặc biệt và dễ nhận biết đó là “mùi người già”.

 

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cho rằng, để giảm thiểu mùi không mong muốn thì trước tiên cần tạo ra cho người già không gian sống hợp lý, thoáng khí, có đủ các công trình vệ sinh và thuận tiện khi đi vệ sinh, nhất là vào ban đêm.
Ngoài ra, do sức khoẻ hạn chế nên người già cần đến sự giúp đỡ tận tình của những người xung quanh, nhất là những công việc họ không làm được như vệ sinh, tắm giặt... Đặc biệt, cần tránh tâm lý cười nhạo hay xa lánh khi người già có mùi. Con cháu cần phải hiểu rằng, việc người già lười tắm, lười thay quần áo là xuất phát từ lý do sức khoẻ yếu, tâm lý ngại nhờ vả, không muốn phiền hà cho con cháu... để từ đó chú ý và quan tâm hơn đến người già. 
Thậm chí cần phải hiểu rằng, “mùi người già” là điều không thể tránh được bởi quá trình lão hóa vì thế cần thái độ “chấp nhận” một cách vui vẻ. Điều này giúp người già không cảm thấy mặc cảm bởi cảm giác bị xa lánh, cười nhạo hoặc bị bỏ rơi.
Đối với người già nên ăn uống cân bằng, khoa học đủ chất, uống nhiều nước, duy trì cuộc sống vận động lành mạnh, cố gắng giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tránh ở lâu trong môi trường kín bí. Tất cả những hoạt động này không chỉ giúp người già giảm “mùi” mà còn kéo dài tuổi thọ và làm cho cuộc sống tuổi già có thêm nhiều ý nghĩa.
Con cháu nên khuyến khích người già thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể để giúp người già hạn chế mùi phát sinh từ cơ thể. Tốt nhất nên tạo cảm giác an toàn trong phòng tắm, bằng cách trang bị ghế ngồi tắm, thanh vịn bên cạnh vòi sen hoặc bồn tắm để người già có thể bám, vịn vào khi đứng mặc quần áo. Nên có bình nước nóng, đèn sưởi ấm vào mùa đông để tránh nguy cơ bị lạnh. Hằng ngày, nhất là những ngày có nắng, nên khuyến khích người già vận động ngoài trời. Với những người quá già yếu thì nên vận động nhẹ nhàng như đi dạo, ngồi xe đẩy ra ngoài, dù có thể chỉ 20 - 30 phút mỗi ngày cũng rất hữu ích trong việc giảm mùi cơ thể, nâng cao sức khoẻ. 
BS Nguyễn Văn Hùng
Đức Anh