Người già ăn uống chẳng được là bao nhưng việc chăm sóc bữa ăn cho bố mẹ già không phải là dễ làm đối với con cháu. Bởi với người già, khi thói quen ăn mặn cả đời khó bỏ thì việc bát canh "nhạt mắm nhạt muối" lại là chuyện không dễ chịu gì.
Kiêng khem quá mức... bát mắm phải riêng
Với ông Nguyễn Văn Toản (84 tuổi ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), bữa ăn nào cũng phải tự đứng dậy rót một bát nước mắm nguyên chất để dùng riêng, vừa chấm, vừa rưới thêm vào bát cơm, bát canh của mình, bởi con ông lúc nào cũng nấu nhạt. Ông bảo: "Con cái nó vẫn bảo ăn mặn thì không tốt, nào là huyết áp cao, bệnh tim mạch, rồi thì tiền liệt tuyến. Biết thế đấy, nhưng ăn nhạt thì tôi không ăn được. Con nó cũng chiều, vẫn múc riêng cho tôi bát canh có thêm chút gia vị, nhưng mà chả ăn thua gì, rồi còn cả thức ăn nữa, nhạt nhẽo lắm, nên tôi cứ làm bát mắm riêng, chấm không hết thì cuối bát rưới nốt vào cơm".
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Viện 5 Sơn Tây cho rằng, thói quen ăn mặn đã có từ lâu, vì vậy mà nhiều cụ lý lẽ rằng "ông bà, cha mẹ mình trước vẫn ăn mặn, có ai ốm đau, bệnh tật gì đâu". Thậm chí có cụ còn dẫn chứng là ngày xưa ăn miếng thịt rang bám trắng muối, hay khúc cá kho phải mặn chát mới đúng vị. Thói quen ấy có thể là do thời xưa khó khăn, thực phẩm khan hiếm nên phải chế biến mặn để ăn dè, hoặc để bảo quản được lâu.
Khoa học hiện đại đã chứng minh nhiều tác hại của việc dung nạp thừa muối vào cơ thể, chẳng hạn như làm tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, tăng nguy cơ ung thư dạ dày và loãng xương. Ăn mặn còn làm tăng tái hấp thu natri ở ống thận, tăng tỷ lệ tổn thương chức năng của thận, dễ gây sỏi thận. Chính vì thế, sử dụng muối vừa phải trong bữa ăn hằng ngày rất quan trọng. Cụ thể, một người lớn chỉ nên dùng tối đa 5g muối mỗi ngày.
|
Người cao tuổi không nên kiêng khem quá mức dẫn đến suy dinh dưỡng. |
Thói quen ăn uống khó bỏ
Chị Nguyễn Thu Nga (tổ 22 Yên Hòa, Hà Nội) không khỏi buồn lòng mỗi khi về bắt gặp bữa cơm của bố mẹ chị. "Hai ông bà cả ngày có 1 khúc cá nhỏ, trưa rán ăn không hết lại để đến chiều rim mắm, hoặc bữa thì vài ba lát thịt nạc thăn luộc, có bữa lại chỉ vỏn vẹn 5 con tôm rim với vài cọng rau luộc. Nói thế nào hai ông bà cũng không chịu thay đổi, vì nhất nhất cho rằng già rồi, ăn không tiêu, thậm chí hạn chế ăn tôm cá, đồ tanh, chất béo... đến mức tối đa". Chị Nga vô cùng lo lắng, không hiểu việc ăn uống "kham khổ" như bố mẹ chị nếu kéo dài có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay không.
BS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thức ăn hằng ngày đối với người cao tuổi chỉ cần đủ để cung cấp năng lượng, giúp hoạt động của cơ thể và duy trì sự sống. Tuy nhiên, cũng không nên kiêng khem quá mức dẫn đến suy dinh dưỡng. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người trên 60 tuổi chỉ cần 1.900kcal/ngày ở nam và 1.800kcal/ngày ở nữ. Thức ăn nên thích hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của cơ thể, nhưng vẫn nên đảm bảo đủ các nhóm chất gồm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Người cao tuổi nên hạn chế các loại đường hấp thu nhanh có trong mía, bánh kẹo, nước ngọt hay nước tăng lực, mà nên dùng thức ăn chứa tinh bột như cơm, nui, bún, mỳ, khoai. Đối với nhóm chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa), người cao tuổi thường có khả năng tiêu hóa và hấp thu đạm kém, khả năng tổng hợp protein của cơ thể giảm, nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm.
Tốt nhất nên hạn chế thịt, nhất là thịt mỡ, thay bằng cá, đậu nành, đậu đũa, đậu cô ve và các loại thực phẩm có chứa đạm dễ tiêu. Để bổ sung chất béo, người cao tuổi nên dùng loại axit béo không no, có nhiều trong đậu nành, dầu hạt cải, cá béo, tảo, rong biển... Ngoài ra, cũng cần chú ý bổ sung đủ nước và các vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi và kali.
(còn nữa)
Nhiều người cao tuổi cũng cho rằng, trong mùa đông tích cực ăn mỡ sẽ giúp cơ thể chống lại cái lạnh tốt hơn. Tuy nhiên, BS Loren Greenway, Trung tâm Y tế Wilderness, Bang Utah (Mỹ) khẳng định: "Calo bổ sung do ăn uống chỉ giúp tích trữ các mô mỡ trắng trong cơ thể, quá mức sẽ gây béo phì, trong khi loại mỡ giúp giữ ấm cơ thể lại là mỡ nâu, giúp tiêu hao calo và giải phóng năng lượng. Tuy nhiên, mỡ nâu chỉ có ở trẻ em và do di truyền".
Đức Anh