Theo đó, ngày 15/4 vừa qua, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận ca bệnh trẻ nam 20 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở, suy hô hấp.
Qua khai thác từ gia đình cho biết, gia đình bệnh nhân có bố mẹ đi làm ăn xa, gửi 2 con lại cho ông bà nội nuôi và chăm giữ. Hàng ngày ông bà ở nhà trông cháu và làm việc nhà.
Sáng ngày 15/4 trong lúc trông cháu bà tranh thủ làm việc khác, trẻ tự chơi một mình và đi lại nơi bàn thờ Thần tài ở góc nhà. Khi thấy có chai nước trên bàn cháu liền lấy lên và uống. Thấy cháu ho và khóc lớn bà chạy lên phát hiện cháu uống phải chai dầu hỏa vội kêu hàng xóm đưa cháu ra trạm y tế gần nhất, sau khi sơ cứu cháu được chuyển viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Rất may, trẻ được phát hiện sớm và đưa lên bệnh viện kịp thời, đến thời điểm hiện tại trẻ đã ổn định.
Rất may, trẻ được phát hiện sớm và đưa lên bệnh viện kịp thời, đến thời điểm hiện tại trẻ đã ổn định và tiếp tục được cho theo dõi, điều trị theo phác đồ.
Đây cũng là bài học cho các gia đình có con nhỏ. Không dự trữ xăng, dầu ở nơi dễ thấy, dễ lấy, để trong các chai nhựa, những đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để bảo đảm an toàn cho trẻ, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Khi phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hoặc phát hiện trẻ vừa uống, ăn các loại dầu, xăng, ... phụ huynh cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả đau lòng.
Cách phòng tránh ngộ độc hóa chất
Đối với gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc.
Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn.
Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối với trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ khi vui chơi và sinh hoạt.
Đối với những trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ những loại hóa chất độc hại, cách phân biệt các loại đồ ăn có hình dáng tương tự cũng như quan tâm đến các tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của con.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.
Thúy Nga