Lên cơn động kinh do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật
Mới đây, Khoa Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, điều trị thành công cho trường hợp bệnh nhân trong trạng thái động kinh do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân nữ (47 tuổi, Thái Nguyên) bị chấn thương sọ não do tai nạn sinh hoạt trước khi vào viện 15 ngày, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm.
|
Nhân viên y tế chăm sóc tích cực cho bệnh nhân. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống. |
Tại Khoa Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ tiến hành điều trị hồi sức cơ bản tích cực cho bệnh nhân như an thần, giảm đau, thở máy, kiểm soát huyết áp, chống động kinh. Đồng thời, tầm soát các nguyên nhân gây ra trạng thái động kinh như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính sọ não, chọc dịch ống sống thắt lưng xét nghiệm dịch não tủy. Bệnh nhân được xác định nguyên nhân gây ra trạng thái động kinh là do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Sau điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, ý thức tỉnh, không còn cơn co giật. Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được ra viện và chuyển bệnh viện tuyến dưới điều trị tiếp.
Được biết, tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện trạng thái động kinh do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật không cao.
Triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV
- Trường hợp nhiễm độc nhẹ: Có thể gặp một hoặc nhiều biểu hiện trong các triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, chảy nước miếng, chảy nước mắt.
- Ngộ độc ở mức độ trung bình: Buồn nôn, nôn, mờ mắt, đánh trống ngực, tức ngực, đau thắt dạ dày, run rẩy, vã mồ hôi, co đồng tử, mạch chậm, …
- Ngộ độc nặng: Co giật, thở yếu, mê sảng, rối loạn nhịp tim,… tử vong.
Cách sơ cứu người bị ngộ độc thuốc BVTV
Theo thông tin trên Bệnh viện Nhi Thái Bình, khi gặp người bị ngộ độc hóa chất BVTV cần xử lý như sau:
- Ngộ độc đường hô hấp: Đưa ngay bệnh nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc, đặt nằm nơi thoáng gió. Nếu bệnh nhân suy hô hấp, ngừng thở thì phải tiến hành thổi ngạt. Cần phải hết sức thận trọng để tránh cho người cấp cứu bị nhiễm độc, nên thay người thổi ngạt sau vài phút.
- Ngộ độc đường da: Cởi bỏ quần áo nhiễm độc chất, rửa vùng da tiếp xúc độc chất với xà phòng và nước sạch. Gội đầu nếu tóc nhiễm hóa chất độc.
- Ngộ độc đường tiêu hóa: Gây nôn nếu phát hiện sớm và bệnh nhân còn tỉnh, không có nguy cơ sặc vào phổi: Cho bệnh nhân uống 1 hơi nhiều nước, sau đó dùng tăm bông hoặc tay ngoáy họng gây nôn.
Những bệnh nhân nhiễm độc nặng thường tự nôn. Nếu không tỉnh thì không gây nôn vì nguy cơ sặc vào phổi.
- Nếu có ngừng tuần hoàn, bệnh nhân hôn mê, ngừng tim – không bắt được mạch, ngừng thở, tiến hành hồi sinh tim phổi: ép tim và thổi ngạt. Duy trì thổi ngạt 2 lần cho đến khi tim người bệnh đập lại, tự thở được, kể cả trên xe vận chuyển cấp cứu.
Nếu bệnh nhân hôn mê, để bệnh nhân nằm tư thế an toàn: Nằm nghiêng, ngửa cổ tối đa, đầu thấp trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện.
Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt, sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu có thể. Chú ý mang theo các tang vật: Thức ăn nước uống nghi nhiễm độc, vỏ chai lọ hoặc chất trừ sâu bệnh nhân ngộ độc đã uống hoặc có trong gia đình...để giúp cho việc chẩn đoán nhanh chóng chính xác độc chất.
Cách phòng tránh ngộ độc hóa chất BVTV
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để hạn chế tối đa ngộ độc mạn tính các loại hóa chất bảo vệ thực vật, mọi người nên lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật.
Khi sử dụng các thuốc nói trên cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn lao động như đi găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc….
Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết “thời gian cách ly” là thời gian hóa chất bảo vệ thực vật còn không đáng kể trên rau quả. Rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Không rửa dụng cụ phun, đựng hóa chất bảo vệ thực vật hoặc chôn, ném các loại chai lọ, hộp bảo quản các loại hóa chất này một cách tùy tiện dễ gây nhiễm độc môi trường.
Người tiêu dùng khi sử dụng rau quả nghi là có khả năng đã bị phun thuốc hóa chất bảo vệ thực vật cần rửa sạch, ngâm nước nhiều lần, loại rau quả có vỏ vẫn phải rửa thật sạch rồi mới cắt bỏ vỏ.
Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, mọi người nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm
P.V (Tổng hợp)