Anh triển khai vắc xin mới điều trị 15 loại ung thư

Google News

​Anh triển khai "siêu tiêm" trong 5 phút để điều trị 15 loại ung thư. Việc điều trị bằng loại thuốc tiêm mới này có thể mất khoảng 3-5 phút.

Theo báo Thế giới và Việt Nam, hàng ngàn bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ loại vắc xin ung thư mới cho hơn một chục loại bệnh. Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh là đơn vị đầu tiên ở châu Âu cung cấp loại thuốc tiêm mới.
Từ tháng 6 tới, Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) vùng England sẽ đưa vào sử dụng thuốc tiêm dưới da Nivolumab (Opdivo) để điều trị 15 loại ung thư, giúp Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng phương pháp này.
Nivolumab là thuốc điều trị ung thư dựa trên liệu pháp miễn dịch, hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại protein cản trở hệ miễn dịch, từ đó hỗ trợ cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Trước đây, thuốc được truyền qua tĩnh mạch trong 30-60 phút, nay chỉ cần tiêm dưới da trong 3-5 phút.
NHS cho biết phương pháp mới giúp tiết kiệm khoảng 1.000 giờ điều trị mỗi tháng và có thể áp dụng cho khoảng 1.200 bệnh nhân đang điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.
Anh trien khai vac xin moi dieu tri 15 loai ung thu
Ảnh minh họa/Internet 
Theo Giáo sư Peter Johnson, Giám đốc lâm sàng quốc gia về ung thư tại NHS England, thuốc có thể sử dụng để điều trị ung thư phổi, ruột, thận, bàng quang, thực quản, da, đầu và cổ. Việc rút ngắn thời gian điều trị giúp các bác sĩ lâm sàng tăng năng suất, hỗ trợ nhiều bệnh nhân hơn.
Dược sĩ lâm sàng James Richardson đánh giá đây là bước tiến quan trọng trong điều trị ung thư, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi tháng.
Trước đó, VTV đưa tin, Cơ quan Y tế Vương quốc Anh thông báo bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc xin chống ung thư cho hàng nghìn bệnh nhân của nước này.
Bệnh nhân đầu tiên ở xứ sở sương mù được thử nghiệm vắc xin chống ung thư là ông Elliot Pfebve, 55 tuổi, người mắc ung thư trực tràng. Ông đã được tiêm vắc xin tại bệnh viện Đại học Birmingham.
Vắc xin được nghiên cứu đánh giá về bệnh ung thư trong thử nghiệm ung thư đại trực tràng dựa trên một phân tử gọi là mRNA, công nghệ tương tự được sử dụng cho vaccine COVID-19.
Vắc xin ung thư mRNA khác với vắc xin thông thường. Trọng tâm của vắc xin không phải là phòng ngừa mà được sử dụng như loại thuốc cá nhân hóa, nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch của người mắc chống lại bệnh ung thư. Để có liều vắc xin, chuyên gia sẽ lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của người bệnh, sắp xếp trình tự DNA và RNA, so sánh mức độ khác nhau để xác định đột biến, lấy làm kháng nguyên cho vắc xin.
Sau khi tiêm vào cơ thể, vắc xin mRNA sẽ huấn luyện các tế bào tạo ra một phần protein ung thư (kháng nguyên) giống với kháng nguyên đã được xét nghiệm trước đó của bệnh nhân. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ phát triển kháng thể chống lại chúng.
Ông Iain Foulkes, Giám đốc điều hành nghiên cứu và đổi mới tại trung tâm nghiên cứu Cancer Research UK, cho biết: "Thật vô cùng thú vị khi các bệnh nhân ở Anh bắt đầu tiếp cận với vắc xin ung thư được cá nhân hóa cho bệnh ung thư ruột. Công nghệ này tiên phong trong việc sử dụng vắc xin dựa trên mRNA để làm nhạy cảm hệ thống miễn dịch của con người, từ đó phát hiện và nhắm mục tiêu vào bệnh ung thư ở giai đoạn sớm nhất".
Những thử nghiệm lâm sàng này rất quan trọng trong việc giúp nhiều người sống lâu hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát khỏi nỗi sợ hãi về bệnh ung thư. Nếu thành công, vắc xin sẽ là yếu tố thay đổi trong việc ngăn ngừa sự khởi phát hoặc quay trở lại của bệnh ung thư ruột.
Hiện loại vắc xin này do công ty BioNTech của Đức và Genentech của Mỹ cùng phát triển, đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được phê duyệt.
Trước mắt, Anh sẽ tập trung thử nghiệm đầu tiên vào ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận. Các dạng ung thư khác có thể được bổ sung trong thời gian tới.
Bình Nguyên