Từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với tài xế điều khiến phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức chính thức có hiệu lực.
Cũng theo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia cáo hiệu lực từ ngày 1/1/2020, người điều khiển phương tiện giao thông dù là ô tô, xe máy, xe đạp, tàu, thuyền, máy bay… nếu có uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển các phương tiện giao thông đều bị phạt.
Tuy nhiên, không chỉ rượu, bia mà một số loại hoa quả rất phổ biến cũng khiến hơi thở của người sử dụng có nồng độ cồn cao hơn mức bình thường.
Các loại trái cây có nồng độ cồn cao
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), một số loại trái cây rất phổ biến và được nhiều người ưa dùng như: vải, sầu riêng, nho, xoài, dứa… cũng chứa nồng độ cồn cao hơn các loại trái cây khác.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do các loại trái cây trên chứa hàm lượng đường rất cao. Khi để ở môi trường không khí dễ bị lên men, dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu vừa nhanh và nồng độ cũng cao hơn các loại trái cây khác.
Do đó, khi vừa ăn vải xong mà bị lực lượng chức năng thổi nồng độ cồn thì nồng độ cồn trong hơi thở bạn đã vượt mức số 0miligam/1 lít khí thở.
"Chưa kể, khi ăn vải, lượng cồn trong quả vải rất nhỏ, không đủ hấp thu vào trong máu sẽ chuyển hóa qua phổi, khiến hơi thở có mùi cồn. Dù ăn nhiều hay ăn ít thì sự thật là máy đo nồng độ cồn vẫn sẽ báo có nồng độ cồn trong khoang miệng sau khi ăn vải", chuyên gia này khẳng định.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, cồn hoa quả hay cồn rượu bia cùng là một loại cồn, kể cả là ít hay nhiều. Do vậy, khi tham gia giao thông, tốt nhất là các lái xe nên tránh ăn nhiều các sản phẩm này, hoặc sau khi ăn xong nên súc miệng kỹ, ngồi nghỉ 30 - 60 phút để lượng cồn bay hết trước khi lưu thông trên đường.
Về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết người dân không nên quá lo lắng trước vấn đề ăn trái cây xong cũng có thể bị thổi phạt. Bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn. Ngoài ra, quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay là rất chính xác.
“Chúng ta lưu ý rằng nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông để tránh việc bị xử phạt “oan sai” – bác sĩ khuyến cáo.
Theo Đông Phong/ Thời Đại