Ăn nhiều đường khiến não bộ phát triển bất thường

Google News

Việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể khiến não hoạt động quá mức dẫn đến phát triển bất thường, đặc biệt ở trẻ em.

An nhieu duong khien nao bo phat trien bat thuong

Những loại đường đơn trong đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ảnh hưởng không tốt cho não bộ nếu được nạp quá nhiều. Ảnh: Pexels.

Mặc dù chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể con người, bộ não cần tới khoảng 20% năng lượng của cơ thể để thực hiện tất cả chức năng như học tập, ghi nhớ và nhận thức.

Nghiên cứu cho thấy con số này thậm chí còn cao hơn ở trẻ em - nhóm có bộ não và cơ thể đang phát triển nhanh chóng, theo The Conversation.

Theo giáo sư dinh dưỡng Lina Begdache tại Đại học Binghamton thuộc Đại học New York State (Mỹ), chức năng và sự phát triển của não phụ thuộc và các dẫn truyền thần kinh, thứ quyết định cấu trúc của sự phát triển não bộ.

Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của não, sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng có thể gây ra rất nhiều bệnh ảnh hưởng đến học tập, tâm trạng và hành vi.

Việc mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh có thể do chế độ ăn uống thiếu chất hoặc mất cân bằng, trong đó có chế độ ăn nhiều đường.

Bộ não được tạo thành từ tế bào thần kinh và các tế bào thần kinh đệm. Mặc dù hai loại tế bào não này có nhu cầu trao đổi chất khác nhau, nhưng glucose là nguồn năng lượng chính cho cả hai.

"Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều đường sẽ tốt cho phát triển của não bộ. Thực tế, nạp vào cơ thể quá nhiều đường có thể gây bất lợi cho sự phát triển bình thường của não, đặc biệt ở trẻ em", bà Lina cho hay.

Do glucose là nguồn năng lượng chính cho não, việc nạp quá nhiều đường có thể khiến não hoạt động quá mức.

Não bị kích thích quá mức có thể dẫn đến tình trạng hiếu động thái quá và tâm trạng thất thường. Tuy nhiên, những thay đổi hành vi này chỉ là hậu quả ngắn hạn.

Một số bằng chứng đã cho thấy rằng sự hiếu động não bộ này ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến thiếu hụt nhận thức ở tuổi trưởng thành.

Đường cũng có tác dụng gây nghiện do nó kích thích các tế bào thần kinh trong hệ thống khen thưởng của não bộ, được gọi là hệ viền. Khi được kích hoạt, hệ viền tạo ra những cảm xúc cao độ như hưng phấn khiến con người tiêu thụ càng nhiều đường hơn.

Ngoài ra, trong hệ thống viền có một cấu trúc nhỏ gọi là hạch hạnh nhân chuyên xử lý cảm xúc. Hạch hạnh nhân hoạt động quá mức có thể kích thích những cảm xúc thái quá như sợ hãi và lo lắng.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều đường có thể thay đổi hành vi và cân bằng cảm xúc kém. Mặc dù đường có thể cải thiện tâm trạng trong giây lát, nhưng việc tiêu thụ thứ gia vị ngọt ngào này lâu dài lại tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Ngoài ra, một số nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cũng cho thấy tiêu thụ nhiều đường lúc nhỏ có thể cản trở việc học tập và ghi nhớ khi lớn lên.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Theo Zing