|
Uống quá nhiều caffeine gây lo lắng, mất ngủ, khiến sự căng thẳng của phụ nữ tăng lên trong thời kỳ kinh nguyệt. Ảnh: Pexels.
|
Theo Healthshots, caffeine là giải pháp hoàn hảo cho những người cần bổ sung năng lượng để vượt qua một ngày dài làm việc. Thực tế, một số người luôn cần có một tách cà phê hoặc trà trên bàn làm việc.
Do sự nhạy cảm về thể chất của cơ thể phụ nữ có thể góp phần gây ra các triệu chứng mệt mỏi và sự khó chịu ở ngực, một số tổ chức y tế và bác sĩ sản khoa khuyến cáo phụ nữ nên tránh uống cà phê hoặc giảm lượng tiêu thụ cà phê.
Caffeine và kinh nguyệt
Caffeine không chỉ có trong cà phê mà có thể tìm thấy trong một số loại chocolate và nước tăng lực. Vì vậy, nó có thể đi vào cơ thể bạn thông qua các loại thực phẩm hoặc đồ uống khác nhau.
Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Hari Lakshmi nói: "Nếu bạn là người thích caffeine, việc tiêu thụ quá nhiều chất này khá có hại, đặc biệt đối với phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt".
Đây là cách nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn:
Giấc ngủ
Cà phê chứa caffeine có thể cản trở giấc ngủ. Uống cà phê trong thời gian có kinh nguyệt làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ hoặc các rối loạn giấc ngủ khác có thể xảy ra trong thời gian này.
Tâm trạng
Chuyên gia cho biết hạn chế đồ uống chứa caffeine trong thời kỳ kinh nguyệt vì chúng có thể gây lo lắng, bồn chồn, căng thẳng và áp lực lên tuyến thượng thận.
Mất nước
Uống nhiều cà phê làm tăng đi tiểu trong kỳ kinh nguyệt. Điều này dẫn đến mất chất lỏng sinh lý quan trọng. Thay vì đồ uống chứa caffeine, hãy uống nhiều nước để giữ cho cơ thể đủ nước và giảm nguy cơ mắc các triệu chứng kinh nguyệt tồi tệ.
Thiếu sắt
Một trong những lý do quan trọng nhất để phản đối uống nhiều cà phê trong thời kỳ kinh nguyệt là ảnh hưởng tiêu cực đến sự hấp thụ sắt của cơ thể. Cà phê và bất kỳ thức uống chứa caffeine nào ngăn cản sự hấp thụ sắt. Phụ nữ bị mất sắt khỏi cơ thể qua máu trong thời kỳ kinh nguyệt. Trong khi đó, thiếu sắt gây ra vấn đề như chóng mặt, choáng váng.
Tăng chuột rút
Cà phê có thể làm tăng chuột rút do tác dụng kích thích của nó đối với các cơ trơn trong tử cung.
|
Một số nghiên cứu đã chỉ ra cắt giảm hoặc bỏ uống cà phê trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt giúp giảm bớt một số triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Ảnh: Shutterstock.
|
Tiêu thụ bao nhiêu caffeine trong kỳ kinh nguyệt?
Cà phê ức chế một loại hormone có thể làm co động mạch máu và cản trở lưu lượng máu. Nó góp phần gây đầy hơi và đau dạ dày. Vì vậy, tiêu thụ đồ uống chứa caffeine làm trầm trọng thêm chứng chuột rút hoặc đau bụng kinh.
Cách chúng ta chuyển hóa caffeine phụ thuộc vào các yếu tố như di truyền, khả năng chịu đựng, tuổi tác, cân nặng và chức năng gan. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, mọi người có thể tiêu thụ 400 mg caffeine mỗi ngày một cách an toàn, tương đương với khoảng 4 tách cà phê.
Chuyên gia cho rằng cà phê chứa caffeine có thể làm tăng nội tiết tố nữ, làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ trong kỳ kinh nguyệt.
Theo một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Khoa học Y khoa Đại học Taibah, uống cà phê trong kỳ kinh nguyệt cũng liên quan đến thời gian kinh nguyệt dài hơn, nặng hơn và các bất thường khác. Nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng caffeine theo thói quen cần được xem là một yếu tố nguy cơ đối với các bất thường về kinh nguyệt.
Không chỉ caffeine, một số yếu tố khác có thể dẫn đến mất kinh là giảm cân nhanh chóng, căng thẳng cực độ và uống nhiều rượu.
Điều cần làm để đảm bảo kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh
Ngừng sử dụng caffeine là cách để có thời kỳ khỏe mạnh. Bạn cũng có thể trải qua thời kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh bằng cách thực hiện những điều sau đây.
Tập yoga.
Ăn chế độ cân bằng, lành mạnh.
Tham gia nhiều hoạt động thể chất hơn.
Giảm tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.
Tránh hút thuốc và các chất kích thích.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
Theo Hoàng Anh/Zingnews