Trước khi ăn mận nên ngâm trong nước muối loãng từ 15-20 phút để đảm bảo đã rửa sạch những chất bẩn, và thuốc hóa học còn bám trên mận.
Ngoài ra, để hạn chế tính nóng của mận, bạn nên ăn mận tươi và không chấm quá nhiều muối. Mặt khác, nước mận ép cũng là một công thức giải khát, thanh nhiệt rất tốt cho những bạn thích ăn mận mà cơ địa hay nóng, dễ nổi mụn.
Ăn vào buổi sáng
Thời gian tốt nhất để bạn ăn trái cây nói chung và mận nói riêng là vào buổi sáng sau khi uống một ly nước và sau đó thì nên ăn sáng. Ăn trái cây ngay sau bữa ăn không phải là một món tráng miệng tốt đâu nhé, vì lúc này trái cây không được tiêu hóa đúng cách. Các chất dinh dưỡng có thể không được hấp thụ tốt nhất và thậm chí lại có hại cho sức khỏe của bạn.
Điều đáng lưu ý khi ăn mận
Mận có tính acid cao nên có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, nhất là men răng trẻ em còn yếu, dễ bị ảnh hưởng. Ăn mận khi đói có thể gây ra những triệu chứng cồn cào, khó chịu.
Mận có chứa nhiều chất oxalate, do đó gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang. Đặc biệt, những người bị bệnh thận hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này nên hạn chế hoặc không ăn mận.
Mặc dù nhiều chất dinh dưỡng, mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khi ăn nhiều. Do tác dụng giảm lượng đường trong máu của mận, người vừa trải qua phẫu thuật không nên tiêu thụ mận. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh dừng ăn mận 2 tuần trước khi phẫu thuật.