Mít là loại trái cây ngon ngọt, có hương vị đặc trưng có thể sử dụng trực tiếp như một món ăn vặt, dùng để nấu chè, nấu xôi.
Mít cũng có nhiều công dụng trị bệnh. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), mít có vị ngọt, tính ấm, tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Mít và các bộ phận khác của mít có thể được tận dụng để làm thuốc giải rượu, trị mụn nhọt, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp...
Tuy nhiên, loại quả này có tính ấm, chứa nhiều đường nên không được ăn tùy tiện.
6 nhóm người không nên ăn mít
Người bị nóng trong
Những người cơ địa nóng không nên ăn mít vì hàm lượng đường cao trong loại quả này có thể khiến bạn càng thấy nóng bức, khó chịu.
Người bị mụn nhọt, rôm sảy
Mít có tính nóng, lượng đường cao sẽ làm tình trạng mụn nhọt, rôm sảy càng thêm nghiêm trọng. Vì vậy, những người đang bị mụn nhọt, rôm sảy tốt nhất nên tránh ăn mít.
Người bị tiểu đường
Mít có hàm lượng đường cao, không thích hợp với những người có đường huyết cao, mắc bệnh tiểu đường. Đường trong mít có thể được cơ thể hấp thụ nhanh khiến chỉ số đường huyết tăng vọt.
Người bị suy thận mạn
Mít giàu kali. Đây là chất mà người bị suy thận mạn nên tránh. Khi chức năng thận suy giảm, kali sẽ ứ đọng lại dẫn đến tình trạng tăng kali máu. Nếu lượng kali trong máu quá cao, người bệnh có thể bị ngừng tim mà không có dấu hiệu báo trước.
Người bị gan nhiễm mỡ
Mít có chứa hàm lượng đường lớn, không tốt cho gan. Những người bị gan nhiễm mỡ, viêm gan nên hạn chế ăn các loại trái cây có vị ngọt và khó tiêu như mít.
Người thừa cân, béo phì
Mít chứa nhiều đường không phù hợp với những người đang bị thừa cân, béo phì. Đường trong mít được hấp thụ nhanh, có khả năng chuyển hóa thành mỡ rất nhanh. Nếu ăn nhiều mít thì tình trạng tích mỡ ở vùng bụng càng nghiêm trọng hơn.
3 đại kỵ khi ăn mít
Ăn quá nhiều mít một lúc
Mít là loại trái cây nhiều đường nếu ăn nhiều cùng một lúc sẽ làm đường huyết tăng cao, gây nóng trong, không tốt cho gan, thận và có thể gây tăng cân mất kiểm soát.
Khi ăn, bạn nên nhai kỹ từng múi mít, nhất là với mít dai vì loại này cứng, khó tiêu, nếu không nhai kỹ thì rất khó tiêu hóa và có thể bị đau dạ dày.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết không nên ăn nhiều mít cùng lúc để tránh gây hại cho sức khỏe. Người lớn chỉ nên ăn khoảng 4-5 múi mít (80-100 gram).
Ăn mít vào buổi tối
Mít có lượng đường và lượng chất xơ cao, không thích hợp để ăn vào buổi tối.
Ăn mít vào buổi tối có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Múi mít giàu năng lượng, tính nóng, nhiều đường nếu ăn vào buổi tối, ít vận động thì rất dễ bị tích mỡ bụng, nóng trong và gây khó khí.
Tốt nhất là nên ăn mít sau khi ăn sáng hoặc ăn trưa 1-2 giờ.
Ăn mít khi đói
Mít chứa nhiều đường nên bạn cần tránh ăn khi đói. Ăn mít khi bụng rỗng có thể làm lượng đường trong máu tăng vọt. Từ đó, làm tuyến tụy bị tăng áp lực làm việc để tiết hormone ổn dịnh đường huyết, về lâu dài có thể gây ra bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, ăn mít lúc đói có thể gây ra tình trạng đau bụng, khó tiêu.
Theo Hồng Hạnh/Khoevadep