Thịt là một trong những thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Tuy nhiên, việc bảo quản thịt sai cách có thể gây ra những tác hại khôn lường. Do đó, để tránh gây hại sức khỏe, bạn hãy chú ý thay đổi ngay những thói quen sai lầm sau:
Trữ thịt trong tủ lạnh quá lâu
Khi bảo quản thịt, chúng ta nên để trong ngăn đá của tủ lạnh sẽ giữ được lâu hơn, nhưng không nên quá 1 tuần.
Còn nếu để trong ngăn lạnh thì chỉ nên 2 ngày. Với thịt đã qua chế biến thì có thể để được 3 – 5 ngày.
Thịt không bảo quản trong ngăn đá mà để ở ngăn lạnh quá lâu cũng sẽ phát sinh các vi khuẩn gây hại, ăn mòn dinh dưỡng trong thịt và biến đổi hương vị của thịt.
Tích trữ quá nhiều thịt trong tủ lạnh
Thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh thì càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn và làm chậm quá trình thay đổi về mặt hóa học. Tuy nhiên, ngay cả khi được lưu trữ trong tủ lạnh nhiệt độ khoảng 0,5-5 độ C, thực phẩm vẫn có thể bị hỏng, đặc biệt là thịt bởi thực ra vi khuẩn vẫn âm thầm hoạt động từ từ và đều đặn bên trong. Vi khuẩn có thể ồ ạt hoạt động trở lại ngay khi nhiệt độ tăng lên. Ngoài ra, nước trong thực phẩm khi kết tinh sẽ phá vỡ lớp màng tế bào. Tác động này rõ hơn ở thịt so với rau và hoa quả - thịt bị cứng và khô hơn khi rã đông. Thêm vào đó, mùi vị của thịt bị biến đổi và chất béo trong thịt bị oxy hóa và có mùi ôi. Do đó tốt nhất nên sử dụng thịt tươi, tránh tích trữ quá nhiều thịt trong tủ lạnh.
Không rửa thịt tươi trước khi đông đá
Rất nhiều người sau khi mua thịt về thì nhét tất cả vào túi rồi cất luôn trong ngăn đá. Cách làm này không đảm bảo vệ sinh vì thịt ở chợ đã qua tay nhiều người, chưa kể bụi bẩn trong quá trình vận chuyển.
Do đó, sau khi mua thịt về bạn hãy rửa sạch, thấm khô rồi đựng trong túi đựng thực phẩm hoặc hộp bảo quản thực phẩm riêng và nên ghi ngày tháng lên rồi mới đông đá. Đây là cách hạn chế tối đa việc vi khuẩn sinh sôi trong thực phẩm.
Thịt để lẫn với hải sản
Hải sản là thực phẩm có mùi tanh, nếu được cất giữ chung với thịt lợn sẽ bám mùi sang thịt, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Bạn nên bảo quản thịt và hải sản ở trong những chiếc hộp riêng, như vậy có thể giữ những thực phẩm này được lâu hơn.
Cấp đông lại sau khi rã đông
Ở nhiệt độ phòng, thịt sau khi rã đông sẽ bị vi khuẩn bám lên bề mặt. Miếng thịt lúc này sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh trưởng và phát triển mạnh. Do đó, việc tiếp tục cất miếng thịt không dùng hết vào ngăn đá sẽ thúc đẩy vi khuẩn tăng sinh nhiều hơn, làm miếng thịt bị nhiễm khuẩn và gây bệnh.
Cách tốt nhất là bạn nên chia thịt thành từng miếng nhỏ đủ dùng cho một lần, tránh sử dụng không hết lại mang đi đông đá nhiều lần, rất có hại cho sức khỏe.
Bảo quản ở nhiệt độ không phù hợp
Để thịt được đảm bảo chất lượng, không bị biến chất trong thời gian lưu trữ, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp. Nếu để trong ngăn mát thì nhiệt độ bảo quản của thịt sống là khoảng 2 độ C, còn nếu bảo quản trong ngăn đá thì mức nhiệt khoảng -25 độ C sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng để bảo quản thịt đúng cách chúng ta lưu ý vấn đề sau: Dù cất thịt sống vào ngăn mát hay ngăn đá trong tủ lạnh đều phải bọc thịt thật kỹ để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Nếu cho thịt vào ngăn đá cần bọc kín thịt nhiều lớp để ngăn cho chúng không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị. Khi bọc thịt, cần chú ý bọc thật chặt để tránh không khí lọt vào bên trong, để thịt không có nhiều lớp đá bám vào.
Đối với thịt đã nấu chín nếu muốn dự trữ thì nên cho vào các hộp đựng nhỏ và đậy kín nắp.Không đặt những hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn.
Kể cả thịt chín hay sống dù để ngăn mát hay đá đều chỉ để trong thời gian nhất định không nên để lâu.
TheTheo Minh Hoa/Người đưa tin