|
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Giá trị dinh dưỡng của giá đỗ
Có nhiều loại giá đỗ khác nhau. Chúng được làm từ đậu xanh, đậu tương hoặc đậu đen nảy mầm. Loại phổ biến nhất là giá đỗ làm từ đậu xanh.
Giá đỗ là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. So với bản thân nó khi là những hạt đậu, giá đỗ rất giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C. Cụ thể, vitamin B2 tăng 2 - 4 lần, caroten tăng 2 lần, vitamin C tăng 40 lần, vitamin B12 tăng 10 lần, nhóm B tăng 30 lần.
Ngoài ra, giá đỗ còn chứa nhiều khoáng chất, amino axit, protein, phytochemicals cần thiết cho sức khỏe con người.
100 gram giá đỗ có thể cung cấp 44 calo, 5,5g protid, 5,3 glucid, 38g Ca, 91mg P, 1,4mg Fe, 0,2mg vitamin B1, 0,13mg vitamin B2, 0,75mg vitamin PP, 0,09mg vitamin B6, 10mg vitamin C.
Những người không nên ăn giá đỗ
Người thể trạng hàn
Giá đỗ là món ăn bổ và lành tính nhưng không phù hợp với người có thể trạng hàn. Người hay gặp triệu chứng chân tay lạnh, yếu, đau nhức, đi ngoài phân lỏng... ăn loại thực phẩm này có thể làm cho các triệu chứng càng thêm nghiêm trọng.
Người đang uống thuốc
Giá đỗ có khả năng giải độc nên ăn giá đỗ trong thời gian đang uống thuốc thì tác dụng của thuốc có thể bị giảm. Đó là lý do tại các các lương y thường nhắc người bệnh hạn chế ăn giá đỗ trong quá trình điều trị.
Người bị bệnh dạ dày
Người đang bị bệnh dạ dày ăn giá đỗ có thể khiến bệnh trở nặng, gây đau bụng, đi ngoài, mất nước, làm tiêu hóa kém đi.
Người đang đói bụng
Giá đỗ tính hàn, ăn nhiều sẽ gây lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa. Nên tránh ăn giá đỗ khi đói vì nó không tốt cho dạ dày. Chỉ nên ăn loại thực phẩm này cùng với các thức ăn khác trong bữa ăn.
Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên ăn giá đỗ sống
Nhóm đối tượng này không nên ăn giá đỗ sống. Giá đỗ thường được ủ ở mức nhiệt 35 độ C. Đây là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển. Ăn giá đỗ sống sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng. Nếu muốn dùng giá đỗ, tốt nhất nên chần qua nước sôi hoặc ăn giá đỗ xào, nấu.
Lưu ý khi ăn giá đỗ
Nên ăn giá đỗ chín
Giá đỗ có thể dùng để ăn sống hoặc nấu chín đều được. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, giá đỗ sống có thể chứa nhiều vi sinh vật có hại cho sức khỏe. Nếu muốn ăn sống thì phải rửa kỹ, ngâm giá đỗ trong nước muối để loại bỏ các chất bẩn. Có thể trụng giá trong nước sôi trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
Không nên ăn giá đỗ với gan lợn
Sử dụng giá đỗ và gan lợn cùng lúc sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của cả hai loại thực phẩm. 100 gram gan lợn có thể chứa 2,5mg đồng trong khi đó giá đỗ lại là thực phẩm giàu vitamin C. Đồng và vitamin C gặp nhau sẽ tạo ra phản ứng oxy hóa. Kết quả là giảm dinh dưỡng của cả hai thực phẩm.
Không ăn quá nhiều giá đỗ
Giá đỗ tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá 550 gram/ngày.
Theo Anh Đào (TH)/Pháp luật & Xã hội