Với người nội trợ, việc đi chợ chọn loại rau củ quả nào luôn là vấn đề đau đầu. Ngoài việc phải chọn loại rau phù hợp khẩu vị thì nỗi lo về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật luôn được đặt lên hàng đầu.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, rất khó để đưa ra kết luận chính xác về loại rau nào tồn dư nhiều hóa chất, loại nào ít hóa chất.
Bởi điều này còn phụ thuộc vào quá trình gieo trồng, chăm sóc và bảo quản. Có loại rau hôm nay kiểm tra, xét nghiệm tồn dư nhiều nhưng hôm khác lại không tồn dư.
Qua tổng kết đánh giá, kết quả thực hiện kiểm định xét nghiệm thì một số loại rau củ quả có nguy cơ tồn dư nhiều hóa chất là những loại mọi người hay chọn mua nhiều như các loại rau cải, quả họ đậu đỗ, dưa chuột, cà chua…
Vậy câu hỏi đặt ra: Có loại rau củ quả nào ít hoặc không bị tồn dư hóa chất?
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, điều này cũng không thể khẳng định chắc chắn 100%. Tuy nhiên, dựa vào đặc tính sinh trưởng, phát triển và cả nhu cầu sử dụng, khi đi chợ mọi người có thể lựa chọn một số loại rau củ được cho là an toàn hơn, mà nguồn dinh dưỡng lại rất dồi dào.
Theo đó, các loại rau củ như rau hẹ, củ sen, củ niễng, khoai sọ,… là những loại không hoặc ít tồn dư hóa chất. “Các loại rau này phần vì dễ gieo trồng, dễ phát triển như rau hẹ hoặc chỉ có theo mùa như khoai sọ, củ niễng. Đặc biệt, củ sen, ngó sen chỉ có theo mùa và không thể dùng hóa chất để kích thích được”, PGS Thịnh chia sẻ.
Hẹ là loại rau không chỉ an toàn mà còn có tác dụng chữa bệnh và chứa nhiều dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
1. Rau hẹ
Hẹ là loại rau quen thuộc, được trồng rộng rãi ở rất nhiều nơi, cùng họ với hành nhưng rất ít được sử dụng để làm thực phẩm hoặc gia vị. Loại rau này cũng ít thấy bán ở ngoài chợ nên khả năng bị tồn dư hóa chất là rất thấp.
Về giá trị dược liệu và dinh dưỡng, Nhà khoa học - lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hẹ là loại rau mọc dại được sử dụng là món ăn và cũng là bài thuốc chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền, loại rau này có tính cay, ấm, hơi chua có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ, điều trị bệnh.
Cụ thể, hẹ có thể giúp thông khí, hạ khí đầy ở bụng, điều trị đau bụng do lạnh. Ngoài ra, có thể dùng cho phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, người bị thương ứ máu, chảy máu cam… Đặc biệt, hẹ còn là món ăn, bài thuốc hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới rất hiệu quả.
Củ sen là thực phẩm an toàn nhất, tuy nhiên ít người sử dụng.
2. Củ sen
Đây là loại thực phẩm nếu thấy ngoài chợ bán nên mua ngay, bởi củ sen chỉ có theo mùa và thường không có tồn dư hóa chất như các loại rau khác.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, củ sen thông thường ngoài chợ sẽ bán tươi, mua về có thể sử dụng ngay để chế biến thành các món ăn, bài thuốc. Hoặc có thể sơ chế, phơi hoặc sấy khô để dùng dần mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá trị dinh dưỡng.
Ông Sáng cho biết, trong y học cổ truyền, củ sen và hạt sen được dùng nhiều nhất. Củ sen có tác dụng tốt trong điều trị thiếu máu, tăng nhu động ruột, cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ giảm cân.
Ngoài ra, loại củ này còn rất giàu các loại vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C nên khi kết hợp chế biến thành món ăn rất tốt cho cơ thể.
Củ niễng có theo mùa và dường như quá trình chăm sóc không hề có loại hóa chất kích thích nào.
3. Củ niễng
Đây là loại rau củ có theo mùa, được trồng nhiều ở vùng đồng bằng Bắc bộ nhất là Nam Định và thường mọc chìm dưới nước hoặc chỗ có nhiều bùn. Chính vì đặc điểm đó mà chúng ít bị tác động của thuốc bảo vệ thực vật khi gieo trồng và chăm sóc.
Loại rau củ này thông thường sẽ được thương lái đặt ngay tại ruộng, ít bán ở các chợ. Do vậy, mọi người khi đi chợ nếu có củ niễng thì nên mua ngay về chế biến món ăn cho gia đình, vừa đảm bảo an toàn, vừa nhiều giá trị dinh dưỡng.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra rằng, củ niễng có nhiều protein, lipid, carbohydrate, canxi, sắt, photpho,… và các vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, K, carotene… Trong đông y, củ niễng có thể dùng để chữa sốt và kiết lỵ, chữa đau dạ dày, bị nhiệt và tốt cho những người bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.
“Dù có thể ăn sống được nhưng mọi người tốt nhất nên nấu chín trước khi ăn, vì củ này phát triển dưới nước hoặc bùn, dễ bị nhiễm các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể”, ông Sáng khuyến cáo.
Theo Lê Phương/Người Đưa Tin