1. Nói nhỏ nhẹ
Không gian yên lặng tại nơi công cộng là điều thường thấy ở Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản cũng được khuyến khích nói càng nhỏ càng tốt. Một đứa trẻ gây ồn ào hay nghịch ngợm trong khoang tàu có thể khiến người xung quanh phải cau mày.
Điều này cũng áp dụng với bậc cha mẹ. Những phụ huynh để con cái chạy lung tung, gây tiếng ồn thường bị cho là vô trách nhiệm. Một số nơi công cộng ở Nhật còn áp dụng quy định giới hạn độ tuổi để đảm bảo môi trường ăn uống yên tĩnh cho khách.
Các em bé Nhật Bản đã được học nguyên tắc phải giữ phép lịch sự, tôn trọng người khác khi ở nơi đông người. Ảnh minh họa
2. Ít đề cập con mình với người khác
Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ thường chia sẻ những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ Nhật lại khác. Họ chỉ chia sẻ vấn đề con cái với người thân trong gia đình.
Ngoài ra, họ có xu hướng không nói nhiều về các hoạt động của con mình cho người khác biết. Việc kể cho người khác nghe con mình đang học trường này, chơi cho đội bóng kia… có thể bị xem là đang khoe khoang, chỉ cần người ta nhìn thấy đồng phục trẻ mặc là sẽ tự hiểu.
3. Nói cảm ơn, xin lỗi
Ở nhiều quốc gia, chúng ta được dạy lễ phép với người lớn tuổi ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên ở Nhật Bản, họ không chỉ lễ phép với người lớn tuổi, sếp, đồng nghiệp mà còn chính với trẻ em. Các bậc cha mẹ không ngần ngại nói những lời như: Làm ơn, cảm ơn hay xin lỗi với con của mình.
Cách cha mẹ Nhật nói chuyện với con thường rất nhẹ nhàng và lịch sự. Bởi họ tin vào việc cha mẹ chính là tấm gương để con học tập. Chính vì thế cha mẹ lịch sự thì trẻ sẽ học hỏi và làm theo.
Ngoài ra khi người lớn đối diện với trẻ em, họ đều nói chuyện với chúng một cách bình đẳng và tôn trọng. Cách giao tiếp này không chỉ diễn ra trong gia đình mà ngay cả ở nhà trẻ, mẫu giáo, các thầy cô cũng lễ phép với trẻ.
Đặc biệt các bà mẹ Nhật Bản thường xuyên nói lời xin lỗi với con. Như khi vào trung tâm thương mại bé muốn mua một món đồ chơi mới, cha mẹ nào cũng nói với con rằng: "Con đã có rất nhiều đồ chơi rồi! Mẹ không thể mua thêm nữa".
Tuy nhiên, trong trường hợp này các bà mẹ Nhật sẽ sử dụng cách giao tiếp linh hoạt và nói con: "Mẹ xin lỗi, mẹ không thể mua cho con món đồ này. Con có thể chơi những gì đang có ở nhà được không?". Khi trẻ nghe thấy tiếng "xin lỗi" của mẹ, chúng có thể hiểu được những khó khăn của mẹ mà không khóc nữa.
Cách cha mẹ Nhật nói chuyện với con thường rất nhẹ nhàng và lịch sự. Ảnh minh họa
4. Tháo giày, dép khi cần thiết
Ở Nhật, mọi người rất coi trọng sự sạch sẽ, chỉ cần nhìn đường phố và không gian nhà cửa ở bên đó là đủ hiểu. Khi di chuyển bằng tàu, xe lửa, nhiều đứa trẻ hiếu động, muốn đứng lên ghế để ngắm cảnh vật xung quanh. Khi đó, cha mẹ Nhật sẽ yêu cầu con tháo giày, dép trước khi đứng lên, tránh làm bẩn chỗ ngồi.
Tương tự tại các nhà hàng hoặc nơi công cộng khác, trẻ được hướng dẫn bỏ giày dép bên ngoài trước khi di chuyển vào khu vực bên trong. Nếu để trẻ làm bẩn sàn nhà, ghế ngồi, cha mẹ có thể bị đánh giá là thô lỗ, bất lịch sự.
Tại các khu vui chơi, thư viện... trẻ sẽ luôn được yêu cầu phải bỏ giày/ dép ở ngoài và đi dép có sẵn theo quy định tại nơi đó. Lâu dần, con sẽ học được cách giữ gìn vệ sinh công cộng và tôn trọng các quy tắc ở những nơi bé tới.
5. Dọn dẹp sau bữa ăn
Trẻ em thường khiến bàn ăn thêm lộn xộn sau khi dùng xong bữa. Khi ở nhà hàng, phụ huynh ở Nhật Bản sẽ dọn dẹp bàn ăn và sàn nhà một cách nhanh gọn. Nếu bàn ăn quá bừa bộn, cha mẹ nên thông báo cho nhân viên phục vụ để họ chuẩn bị trước khi đón những vị khách tiếp theo.
6. Khuyến khích trẻ học cách kìm chế cảm xúc
Một trong những yếu tố quan trọng trong văn hóa nuôi dạy con cái của người Nhật là sự kìm chế.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã khuyến khích con mình duy trì không khí hòa thuận trong nhà, hòa đồng với mọi người xung quanh. Điều đó có nghĩa là kìm chế sự tức giận ở mức tối đa.
Ở bất kỳ nơi nào ở Nhật Bản như nhà hàng, viện bảo tàng, khu mua sắm, dù có đông trẻ con nhưng lại không ồn ào. Trẻ con học cách kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi tới lượt mình và không làm ảnh hưởng tới người khác.
Một trong những yếu tố quan trọng trong văn hóa nuôi dạy con cái của người Nhật là sự kìm chế. Ảnh minh họa
7. Thói quen chào hỏi
Chào hỏi là một phần trong cuộc sống của người Nhật. Lời chào hỏi thường được lồng ghép vào cuộc sống hàng ngày trước khi trẻ học nói. Do vậy trong trẻ nảy sinh nhu cầu tiếp nhận và thói quen chào hỏi chủ động.
Trong xã hội Nhật Bản, những người không chào hỏi được coi là thô lỗ. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá và ấn tượng ban đầu về bạn tại công ty mới. Nói một cách đơn giản, trong một công ty Nhật Bản, một thành viên không chào hỏi có thể bị đánh giá thấp hơn thành viên kém năng lực. Điều này cho thấy người Nhật coi trọng việc chào hỏi như thế nào.
8. Ưu tiên lợi ích nhóm
Người Nhật rất coi trọng cuộc sống tập thể. Ngay từ nhỏ cha mẹ Nhật Bản đã dạy con không gây phiền phức vì lợi tư phải ưu tiên lợi ích nhóm trong mọi điều kiện. Và kỷ luật tự giác, tự lập được rèn luyện từ nhỏ tình cờ được thể hiện trong cuộc sống tập thể.
Các hoạt động câu lạc bộ tại trường học chính là cơ hội tốt nhất để các cá nhân học cách hoà đồng và làm việc nhóm cùng nhau. Theo hệ thống giáo dục tiên tiến, những hoạt động của câu lạc bộ có thể ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Nên nhiều cha mẹ không muốn con dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động nhóm.
Tuy nhiên hầu hết các bậc phụ huynh Nhật Bản lại khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể nhưng không để ảnh hưởng đến việc học. Các em thường dành thời gian hoạt động câu lạc bộ ít hơn thời gian học tập ở trường. Ngoài các bài tập cần hoàn thiện sau giờ học trên lớp vào các ngày trong tuần, các em thường tham gia hoạt động nhóm vào ngày nghỉ.
Bất kỳ cá nhân nào xin nghỉ, đi muộn hoặc về sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của nhóm vì vậy mọi người sẽ cố gắng hết sức để hợp tác. Quan niệm ưu tiên lợi ích nhóm của người Nhật được trau dồi ngay từ khi trẻ bước chân vào ghế nhà trường.
Hầu hết các bậc phụ huynh Nhật Bản lại khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể. Ảnh minh họa
9. Trẻ em được nuôi dạy một cách bình đẳng
Trẻ em được dạy về sự bình đẳng khi còn nhỏ, không có gì lạ khi thấy những đứa trẻ hoàng gia học cùng trường với người bình thường, hoặc tham gia các hoạt động như những người khác.
Trẻ em Nhật Bản được dạy phải biết gạt bỏ đi lợi ích cá nhân vì cộng đồng. Bằng cách này, trẻ học được các giá trị quan trọng trong cộng đồng và sự bình đẳng trong những năm đầu đời.
10. Tự giác
Tính tự giác và tự chủ của trẻ em Nhật Bản hầu hết được hoàn thiện ngay từ những năm tháng học mẫu giáo. Từ 3 tuổi, trẻ em Nhật Bản đã học những gì có thể tự làm mà không cần dựa vào người khác. Khi đến trường, các em đều tự chuẩn bị cặp sách, nước uống, đóng gói hộp cơm và quản lý đồ đạc...
Cha mẹ và thầy cô chỉ âm thầm bảo vệ và nhắc nhở con. Dù mất bao nhiêu lâu họ cũng kiên nhẫn chờ đợi con làm mà không giúp đỡ. Tình yêu thương đùm bọc như vậy chính là chìa khóa để rèn luyện tính tự lập cho trẻ.
So với nhiều quốc gia, hầu hết các bậc cha mẹ đều ngại cho con mang vác đồ vật lớn nhỏ thay vào đó là sự giúp đỡ của người lớn. Thực tế cả hai đều có ý thương yêu và tốt cho con song cách thể hiện lại khác nhau.
Đứa trẻ nào đến một độ tuổi cũng phải rời xa cha mẹ và sống tự lập. Có lẽ các bà mẹ Nhật đã sớm nhận ra thực tế này nên đã rèn luyện cho trẻ tính tự lập ngay từ nhỏ. Những thói quen được hình thành từ mẫu giáo giúp trẻ dễ dàng thích nghi và hoà nhập hơn khi bước vào trường tiểu học.
Theo Tường Vy/Gia đình và Xã hội