Cô gái "bốc cháy" do nổ bóng bay, cách xử lý bỏng thế nào?

Google News

Bóng bay bơm khí hydro rất dễ phát nổ khi chơi đùa với bóng. Đây là loại khí được sử dụng làm bom nhiệt hạch, sức công phá mạnh gấp 1000 lần bom nguyên tử...

Nhiều người bỏng nặng, mất chi thể vì bóng bay
Mới đây, tài khoản mạng xã hội có tên G.P. đã đăng tải đoạn clip cùng các hình ảnh liên quan vụ tai nạn nổ bóng bay gây bỏng nặng của chính bản thân cô, để cảnh báo cộng đồng.
Theo miêu tả của người đăng các hình ảnh ghi lại từ clip, trong buổi tiệc sinh nhật, G.P. ôm bánh kem vui vẻ chuẩn bị thổi nến, trong khi tay còn lại cầm quả bóng bay. Trong khoảnh khắc quả bóng chạm vào ngọn nến, vụ nổ bất ngờ xảy ra, làm lửa phựt lên, khiến nhiều vị trí trên cơ thể nạn nhân bị cháy.
Hậu quả, chị G.P. phải đi điều trị trong tình trạng toàn bộ khuôn mặt và một phần cánh tay bị bỏng nặng, băng bó kín. Gần một tuần sau tai nạn, bệnh nhân đã bình tĩnh hơn, nhưng vẫn phải can thiệp y tế.
Co gai
 Vụ tai nạn là lời cảnh báo về sử dụng bóng bay - Ảnh minh họa Internet
Trước đó, vào ngày mùng 2 tết Ất Tỵ, Khoa Hồi sức Ngoại khoa và Ghép tạng, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận trường hợp người bệnh nam 63 tuổi bị nổ bình khí Hydro khi đang bơm bóng bay. Nạn nhân bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não, chấn thương nhiều phần chi thể mức độ nặng, hôn mê...
Người bệnh đã được phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ những phần chi thể hoại tử, dập nát, cố định phần xương gãy còn lại. Sau phẫu thuật, người bệnh được tiếp tục được chăm sóc hồi sức tích cực, toàn diện bằng các kỹ thuật tiên tiến nhất.
Theo BS. Lê Nam Khánh, Khoa Hồi sức Ngoại khoa và Ghép tạng, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, người bệnh mặc dù đã được xử trí các tổn thương, tuy nhiên do tổn thương nặng, nhiều vị trí, do đó tiên lượng nguy cơ tử vong cao, người bệnh phải điều trị tích cực trong thời gian dài, can thiệp nhiều thủ thuật.
Co gai
Chăm sóc bệnh nhân bị nạn khi bơm bóng bay tại bệnh viện TƯQĐ 108 - Ảnh BVCC 
Cũng liên quan đến tai nạn nổ bóng bay, ngày 5/9/2023, tại Trường Tiểu học Yên Phú (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra sự cố nổ bóng bay trong lúc khai giảng khiến 7 em học sinh bị bỏng.
BS. Lê Nam Khánh nhấn mạnh, vào nhiều dịp lễ Tết trong năm, sinh nhật, cưới hỏi....bóng bay được sử dụng rộng rãi để trang trí, làm đồ chơi của các em nhỏ. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn ít người để ý chính là việc người bán sử dụng khí Hydro để bơm bóng bay.
Khi bóng bay chứa khí Hydro tiếp xúc với nguồn nhiệt như bật lửa, tàn thuốc hoặc tia lửa điện, nó có thể phát nổ ngay lập tức, gây bỏng, tổn thương da và mắt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên do giá thành rẻ hơn so với khí Helium, một số người bán vẫn tiếp tục sử dụng hydro để bơm bóng bay mà không lường hết những nguy cơ tiềm ẩn.
Loại khí có sức công phá mạnh gấp 1000 lần bom nguyên tử
BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trên thế giới, đã có nhiều vụ tai nạn nổ bóng bay rất nặng, nên khi trang trí bóng bay trong lễ khai giảng, trong các bữa tiệc, hay ở nơi công cộng... phải hiểu rõ trường hợp nào bóng bay sẽ cháy nổ. Vấn đề nằm ở khí Hydro hay Heli trong bóng bay.
BS Phúc giải thích, chúng ta ai cũng biết, bóng bay có thể bay lên, khi bơm khí vào trong bóng bay nhẹ hơn không khí bên ngoài, người bán bóng bay thường bơm khí Hydro hoặc khí Heli.
Hydro là chất khí nhẹ hơn không khí 16 lần, không màu, không mùi, trong suốt, dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất bình thường.
Heli là khí trơ nhẹ hơn không khí 8 lần, không màu, không mùi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường.
Chính vì khả năng cháy nổ kinh khủng nên Hydro còn được sử dụng làm bom nhiệt hạch, sức công phá mạnh gấp 1000 lần bom nguyên tử.
Vì vậy, những quốc gia phát triển đã cấm bơm khí Hydro vào bóng bay, mà chỉ được phép bơm khí Heli vì khí này không gây cháy nổ.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm Hydro vào bóng bay, trong khi giá Hydro chỉ bằng ¼ giá Heli, nên có thể một số người bán bóng bay vẫn bơm Hydro vào quả bóng.
Khi phát nổ, quả bóng bay chứa Hydro có thể biến thành quả cầu lửa gây bỏng, chưa kể áp lực tạo ra từ tiếng nổ có sức công phá rất lớn, ngoài gây bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, thì mảnh bóng bay thậm chí có thể xuyên qua cổ họng, có thể làm mù mắt.
Bóng bay chứa Hydro rất dễ phát nổ khi gặp nhiệt độ cao, ví dụ như ngoài trời nắng nóng, bóng đèn nóng trong nhà nhiệt độ cao, hay người hút thuốc lá tàn thuốc bay.
Ngoài ra, việc đùa nghịch với bóng bay Hydro cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Người lớn hay dùng bóng bay để trêu đùa trẻ em, ví dụ dùng bóng đập lên đầu lên mặt đứa trẻ vì nghĩ không sao, chẳng ngờ bóng bay chứa Hydro với áp suất tăng đột ngột cũng gây cháy nổ. Trẻ em cũng thích chơi đùa bóng bay, nếu bên trong có khí Hydro, rất dễ gặp thảm họa.
Bên cạnh đó, khi bóng bay Hydro gặp phải các vật chứa Hydrocarbon thơm, cũng gây cháy nổ. Đáng lưu ý, vỏ của quả cam, quýt hay chanh chứa Hydrocarbon thơm. Bởi vậy, khi nước cam ép hay nước chanh ép bắn vào quả bóng bay, chúng sẽ phát nổ, tạo ra một phản lực và đám cháy cực kì nguy hiểm.
Bằng mắt thường, không có cách nào phân biệt được bóng bay chứa khí Hydro hay bóng bay chứa Heli, nên chỉ trông vào người bán có tâm, trước khi cơ quan chức năng ban hành lệnh cấm bán bóng bay bơm khí Hydro và kiểm tra cơ sở bán bóng bay.
Ngoài ra, cũng cần ban hành lệnh cấm bóng bay ở những nơi đông người, ví dụ như cấm mang bóng bay trên phương tiện giao thông công cộng, cấm dùng trong những bữa tiệc đông người. Trường hợp mua bóng bay để trang trí, bắt buộc phải hỏi người bán, đảm bảo bóng bay được bơm khí Heli.
Xơ cứu bỏng bóng bay đúng cách
Theo ThS.BSCKII Đinh Phương Đông, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), bỏng do cháy nổ khí Hydro về bản chất là bỏng lửa do nhiệt độ cao. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chấn thương các cơ quan khác, do sóng xung kích từ vụ nổ.
Vì nhiệt độ từ vụ cháy cao và quả cầu lửa lan tỏa rộng, nên dù thời gian tiếp xúc với lửa ngắn, vẫn có thể gây bỏng sâu với diện tích bỏng lớn cho nạn nhân. Đặc biệt, những trường hợp bén lửa gây cháy áo quần, có thể gây bỏng nặng nề hơn.
Nếu không may gặp nạn, việc biết sơ cứu bỏng đúng cách để giảm mức độ nặng và di chứng của bỏng về sau rất quan trọng.
Cụ thể, khi bị bỏng, cần sơ cấp cứu nạn nhân ngay bằng cách tưới rửa vết bỏng với nước mát từ vòi sen 15-20 phút, tuyệt đối không xối rửa bằng nước đá lạnh vì có thể tiếp tục gây bỏng lạnh. Sau đó, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng, để được thăm khám và điều trị.
Cách phòng ngừa cháy nổ bóng bay
Nhằm đảm bảo an toàn trong các dịp lễ, mọi người cần lưu ý phòng ngừa nguy cơ cháy nổ khi sử dụng khí nén bơm bóng bay theo những nguyên tắc cơ bản sau:
Có kiến thức bảo quản, kiểm tra, sử dụng an toàn: Bình khí nén phải được bảo quản nơi thông thoáng, tránh xa nguồn cháy nổ, bình phải có van kiểm tra áp suất an toàn. Điều quan trọng hơn hết, người thực hiện bơm bóng bay phải có kiến thức kinh nghiệm, tuyệt đối không thử bơm bóng khi chưa nắm rõ các mối nguy hiểm đến từ bình khí nén.
Không sử dụng bóng bay bơm khí hydro: Khi mua bóng bay, cần hỏi rõ về loại khí được bơm bên trong. Hãy chọn bóng bay bơm khí Helium, vì đây là loại khí trơ, không cháy nổ.
Tránh xa nguồn nhiệt, nguồn nhiệt: Không đưa bóng bay lại gần nến, bật lửa, bếp gas, tia lửa điện hay bất kỳ nguồn nhiệt nào khác. Tuyệt đối không thả bóng bay gần đường dây điện.
Hướng dẫn trẻ em cẩn thận: Trẻ nhỏ thường thích bóng bay nhưng không nhận thức được nguy cơ cháy nổ, vì vậy cần nhắc nhở các em không chơi đùa gần những vật dụng có nguy cơ cao.
Nâng cao nhận thức về nguy cơ nổ khí Hydro và lựa chọn phương án an toàn hơn sẽ giúp mỗi người trong chúng ta có được những khoảnh khắc bên gia đình và người thân được trọn vẹn, không phải lo lắng về sự cố đáng tiếc.

Thúy Nga/ VietnamDaily