1. Bảo vệ trẻ quá mức
Những đứa trẻ được bao bọc quá mức thế này thường không có kinh nghiệm sống khi lớn lên. Ảnh minh họa
Sợ con ngã; sợ tiếp xúc với chó, mèo con sẽ bị ho; trời chưa trở gió đã che quấn cho con ấm áp... Rất nhiều bậc cha mẹ đang bao bọc con thế này.
Xa hơn, họ lo trước cho con trường lớp, xử lý giúp con mọi rắc rối với các mối quan hệ xung quanh. Những đứa trẻ được bao bọc quá mức thế này thường không có kinh nghiệm sống khi lớn lên. Kết quả chúng dễ thất bại và một khi gặp thất bại thì không có năng lực tự đứng lên. Đó mới là bất hạnh.
2. Cầu toàn
Đứa trẻ gặp khó khăn khi trưởng thành có thể là do sợ thất bại đến mức tránh né mọi rủi ro hoặc tránh việc phải đưa ra quyết định. Nhiều cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái, muốn con phải thật hoàn hảo. Áp lực này khiến trẻ tê liệt, ngăn cản trẻ thực hiện những bước cần thiết để độc lập. Không chỉ cha mẹ mà xã hội cũng có thể tạo cho trẻ áp lực này.
Nỗi sợ thất bại khiến trẻ không thể học được hai kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống đó là Bình tĩnh và Giải quyết vấn đề. Đây là hai kỹ năng sống rất quan trọng bởi khi bạn có thể điều chỉnh cảm xúc của mình và bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề, bạn có thể từ bỏ nhu cầu cầu toàn, không mắc sai lầm.
3. Nuông chiều, không khuyến khích con tự lập
Khi được nuông chiều, đứa trẻ gặp khó khăn trong phát triển lòng tự trọng. Ảnh minh họa
Những bố mẹ quá bao bọc, kiểm soát con về mặt tâm lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của trẻ, khiến con thiếu tự tin và hay dựa dẫm. Một đứa trẻ được nuông chiều, chăm sóc kỹ quá, khi trưởng thành và hòa nhập xã hội sẽ có xu hướng trở thành một người ích kỷ, coi mình là trung tâm, thậm chí là một người lười biếng.
Khi được nuông chiều, đứa trẻ gặp khó khăn trong phát triển lòng tự trọng (tự đánh giá bản thân) và trong mối quan hệ với những người khác. Trẻ cần được khuyến khích tự lập, nhất là ở độ tuổi thiếu niên để nâng cao khả năng giải quyết xung đột, xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
Ngoài ra, sự tự lập có thể giúp trẻ tăng khả năng kháng lại được những áp lực, rủ rê từ bạn bè cùng lứa và từ đó tránh được những cám dỗ trong cuộc sống sau này.
4. Thường xuyên ra lệnh
Nếu cha mẹ nghĩ con cái còn nhỏ, chưa biết làm gì nên phải hướng dẫn, ra lệnh cho chúng làm theo ý mình, kết quả cuối cùng trẻ chỉ biết ỷ lại hoặc nổi loạn ở độ tuổi vị thành niên.
Những câu nói như "con nên", "con phải" sẽ khiến cho trẻ mất đi động lực để thử làm mọi thứ, bào mòn đi tính sáng tạo và sự tò mò về thế giới xung quanh.
5. Cho con quá nhiều tiền
Hãy để bé được thực hành thói quen tiết kiệm thay vì chi tiêu hoang phí. Ảnh minh họa
Cha mẹ không nên cho con nhiều tiền vượt quá mức cần thiết. Một số bậc cha mẹ cảm thấy có lỗi vì không thể dành nhiều thời gian cho con do quá bận, bởi vậy họ cố gắng làm con vui bằng cách cho con thêm tiền tiêu vặt.
Tuy nhiên, hành động này có thể khiến trẻ vượt quyền và tỏ ra lấn lướt. Mẹ chỉ cần cho con đủ số tiền mỗi ngày con thực sự cần, có thể cho thêm 1 chút để khích lệ con nhưng không phải thường xuyên. Hãy để bé được thực hành thói quen tiết kiệm thay vì chi tiêu hoang phí.
6. Làm mất cảm xúc của con
Bạn cứ hay bảo "đừng lo con", "nín đi con", thực ra thông điệp gửi đi này rất phản tác dụng. Bởi vì bạn đang dạy con che giấu cảm xúc của mình, dìm cảm xúc đó xuống, từ đó khiến con che giấu cảm xúc hoặc làm tê liệt cảm xúc bằng các cách không lành mạnh khi trưởng thành.
7. Độc đoán
Cách dạy con tệ nhất là gì? Đó là kiểu bố mẹ độc đoán, luôn yêu cầu con mà không hề giao tiếp cởi mở với trẻ. Họ thường đưa ra các yêu cầu với con như: "Con phải đạt điểm 10 vì mẹ đã bảo thế rồi". Đó là những lời áp đặt nghiêm khắc, vô lý khiến trẻ cảm thấy hoang mang vì chẳng hiểu vì sao lại cần như vậy.
Ngược lại, các bố mẹ hiểu biết sẽ giải thích việc đạt điểm tốt giúp trẻ có được những lợi thế gì trong quá trình học hành và tương lai sau này.
8. Yêu cầu con làm những việc vượt quá khả năng
Nếu ép con làm những việc vượt quá khả năng của mình, nó sẽ làm suy yếu sự tự tin và tin tưởng vào chính mình. Ảnh minh họa
Nếu một đứa trẻ có khả năng ở mức 5 nhưng cha mẹ lại ép chúng phải làm được mức 7, mức 10, thực sự trẻ sẽ không thể làm được. Nếu ép con làm những việc vượt quá khả năng của mình, nó sẽ làm suy yếu sự tự tin và tin tưởng vào chính mình.
Cảm giác tuyệt vời nhất là khi trẻ nói "mình đã làm được" sau khi thử làm điều gì đó khó khăn một chút và thành công.
9. Chỉ khen ngợi thành tích
Khi cha mẹ khen trẻ đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra hoặc điểm cao nhất trong trò chơi, bạn đang dạy con rằng thành tích quan trọng hơn mọi thứ khác.
Những đứa trẻ chỉ nghe lời khen về thành tích có thể dung dưỡng suy nghĩ phải thành công bằng mọi giá. Chúng có thể nói dối, gian lận để thành người chiến thắng.
Cha mẹ hãy khen con trong suốt quá trình, để cho con thấy bản thân đã chăm chỉ mới đạt được thành công hoặc sẵn sàng dũng cảm làm một điều gì đó mà ban đầu không dám vượt qua.
10. Hay la mắng, đánh đòn con
Mắng nhiếc con gây ảnh hưởng tiêu cực chẳng kém so với phạt con bằng đòn roi. Ảnh minh họa
Phạt con bằng cách mắng nhiếc thậm tệ như la hét, chửi rủa hay dùng lời sỉ nhục có thể gây hại cho sự phát triển và thành công của con bạn về lâu dài.
Mắng nhiếc con gây ảnh hưởng tiêu cực chẳng kém so với phạt con bằng đòn roi, dễ khiến trẻ bị trầm cảm, thiếu tự tin.
Trẻ em thường xuyên bị cha mẹ phạt bằng roi vọt cũng dễ bị tổn thương về tình cảm và tâm lí. Chúng dễ trở nên hung hăng, chống đối và hay phá bĩnh khi ở trường.
11. Tước đi đam mê của con
Khi trẻ ám ảnh bởi điều gì đó thú vị, chúng sẽ bị cuốn hút và say mê làm quên cả thời gian. Những lúc như thế này, trẻ sử dụng toàn bộ sức mạnh não bộ của mình, bao gồm cảm xúc, trí nhớ, trí tưởng tượng và sự khéo léo. Nói cách khác, bộ não của trẻ đang hoạt động mạnh nhất, tốt nhất cha mẹ không nên làm phiền hoặc cản trở con mình.
Nếu con bạn đam mê một điều gì đó, có thể là bọ cánh cứng, đồ chơi hay chơi búp bê, hãy để chúng làm điều đó một cách trọn vẹn nhất. Đừng lấy đi hoặc ép trẻ phải dừng lại giữa chừng vì lý do thích, không thích hoặc hoàn cảnh cá nhân của cha mẹ.