Bà Trần Thị T. , 75 tuổi (ngụ tại quận 1, TP.HCM) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám trong tình trạng đại tiện khó, đau tức vùng bụng tăng dần do nang thoát vị ngày càng to.
Khối u kích thước lớn thoát vị ra sát da
Qua hình ảnh chụp CT, bác sĩ Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa phát hiện một khối u có kích thước 107 x 66 x 70 mm, chứa đầy dịch, thoát vị qua cơ thành bụng trước ra sát da vùng hông trái, dính vào đoạn hỗng tràng và bờ cong lớn dạ dày. Bác sĩ đánh giá tình trạng này bắt buộc cần can thiệp phẫu thuật, nên người bệnh được chỉ định nhập viện ngay.
|
Hình ảnh khối u thoát vị ra sát da vùng hông bên trái của người bệnh trước mổ. Ảnh: BVCC.
|
BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho biết đây là một ca bệnh phức tạp. Người bệnh đã phẫu thuật nhiều lần, cắt đại tràng chậu hông điều trị ung thư năm 2008 và tiếp tục cắt đoạn đại tràng xuống vì khối u tái phát năm 2019.
Sau phẫu thuật, ổ bụng vùng hông trái bị tụ dịch, do điều trị bằng thuốc không thành công. Vậy nên khối tụ dịch ngày càng phát triển đến mức thoát vị ra ngoài thành bụng, gây ra đau tức bụng với mức độ nặng. Mặt khác, người bệnh dùng kháng sinh liên tục kéo dài suốt từ năm 2019 đến nay, dẫn đến tình trạng đa kháng thuốc, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, gây khó khăn cho việc lựa chọn phác đồ kháng sinh phù hợp.
10 ngày điều trị tích cực giải cứu bệnh nhân
Sau khi nhập viện, TS.BS Đỗ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa cùng ekip đã tiến hành phẫu thuật cắt nang cho bệnh nhân và dẫn lưu ổ mủ.
Người bệnh được phẫu thuật bằng dao cắt siêu âm Harmonic thế hệ mới nhất giúp thao tác chính xác, cầm máu tốt và giảm tối đa nguy cơ tổn thương tạng lân cận. Sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, khối u thoát vị đã được bóc tách thành công, dịch được dẫn lưu tốt và không gây ảnh hưởng đến các tạng khác.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng cũng chia sẻ thêm, do nang này chứa mủ nhiễm trùng, gây phản ứng viêm rất nặng trong ổ bụng. Hơn nữa, bệnh nhân đã mổ 2 lần nên các tạng trong ổ bụng dính rất nhiều, ekip phẫu thuật phải có kinh nghiệm để xử lý hạn chế nguy cơ tổn thương ruột hay dạ dày.
Ngoài ra, việc chăm sóc sau mổ cũng được các bác sĩ và nhân viên hồi sức thực hiện đặc biệt để không xảy ra biến chứng. Sau 10 ngày theo dõi và điều trị, người bệnh đã ổn định và được xuất viện về nhà.
|
Bà Trần Thị T. tái khám tại Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
|
Khối u dạng nang thoát vị ngoài thành bụng hiếm gặp, là thách thức cho bác sĩ phẫu thuật do có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Bác sĩ Hùng khuyến cáo, đối với các trường hợp từng phẫu thuật điều trị các loại ung thư cần đến bệnh viện tái khám đúng hẹn, nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề có thể phát sinh như tụ dịch ổ bụng, dính ruột gây tắc ruột, u tái phát…
Các trường hợp không thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư cũng cần tập thói quen khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa. Sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại nhất hiện nay như hệ thống nội soi dạ dày, đại trực tràng thế hệ mới có khả năng phóng đại hình ảnh lên 140 lần, máy chụp CT 768 lát cắt, hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K ICG Rubina sẽ giúp phát hiện và điều trị các tổn thương nếu có, dù là nhỏ nhất.
Theo Giang Uyển Nguyên/Zingnews.vn