Nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng khi có nhiều vụ trẻ bị bắt cóc xảy ra liên tiếp, mới nhất là vụ bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình. Nhiều người trăn trở bởi kẻ bắt cóc ngày càng liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Việc dạy cho trẻ biết cách nhận diện và ứng phó trước những tình huống nguy hiểm là điều thiết yếu. Vậy phụ huynh nên dạy những gì cho con em mình để trẻ có thể biết cách bảo vệ bản thân và đối phó kẻ xấu khi không có người lớn bên cạnh?
1. Phụ huynh không được thờ ơ việc dạy trẻ cách phòng tránh và xử lý khi bị bắt cóc
Bắt cóc trẻ em đang là nỗi lo khiến chúng ta không thể thờ ơ. Bố mẹ phải luôn đề cao ý thức giáo dục cho trẻ. Bởi việc giáo dục cho trẻ là cả một quá trình, nhận thức được lặp đi lặp lại để hình thành ở trẻ kỹ năng cần thiết.
Điều phụ huynh nên lưu tâm là những kiến thức này cần được củng cố thường xuyên để để lại dấu vết trên não trẻ và hình thành “lối mòn” (như một thói quen) giúp trẻ có thể phòng tránh bị bắt cóc và ứng phó trước những tình huống xấu.
Thực tế cho thấy việc phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Mỗi ông bố bà mẹ hãy bằng cách này hoặc cách khác, giáo dục con trẻ nhận thức được thế nào là người lạ, bắt cóc, những hậu quả nguy hiểm và cách xử lý tình huống.
2. Dạy cho trẻ biết “con luôn có thể trở thành đối tượng của kẻ bắt cóc”
Chúng ta đều biết có vô vàn tình huống nguy hiểm khiến trẻ có nguy cơ bị bắt cóc và trở thành nạn nạn nhân của một vụ bắt cóc.
|
(Ảnh: minh họa) |
Dựa vào mô hình “5W-1H” (What, Who, Where, When, Why - How), phụ huynh có thể dạy trẻ biết những tình huống thế nào là an toàn và không an toàn (What); dạy trẻ cảnh giác với những người con chưa từng gặp, những người có thể tự xưng là người thân của con, chưa được bố mẹ giới thiệu với con (Who); cho trẻ biết dù là con ở nhà, ở trường, nơi công cộng hay bất cứ đâu con cũng có thể gặp những tình huống nguy hiểm (Where); khi con ở nhà, đi học hay đi chơi kẻ xấu có thể tiếp cận con (When); cho con biết lý do tại sao trẻ nhỏ thường là đối tượng mà nhiều kẻ bắt cóc hướng đến (Why) và khi con gặp những tình huống nguy hiểm sẽ ứng phó như thế nào (How).
Dạy con những kiến thức cơ bản, nền tảng thế này là một việc làm hết sức cần thiết để trẻ biết cách bảo vệ mình.
3. Dạy trẻ nói “không” với người lạ
Tâm lý trẻ thường thích được tặng đồ chơi, bánh kẹo, đi trung tâm vui chơi,… Kẻ bắt cóc có nhiều thủ đoạn rất tinh vi nhằm đánh vào tâm lý chung của trẻ. Đây là cách kẻ xấu thường tiếp cận trẻ. Chính vì thế, phụ huynh nên dạy con nói “không” với quà bánh và lời đề nghị từ “người lạ”. Bố mẹ nên dạy cho trẻ cách nhận biết “người lạ”.
4. Dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của bố/mẹ (người thân nhất) và địa chỉ nhà
Khi trẻ bắt đầu có khả năng ghi nhớ, bố mẹ hướng dẫn trẻ cách nhớ số điện thoại của bố hoặc mẹ và địa chỉ nhà. Nếu như bé chưa có khả năng ghi nhớ, phụ huynh có thể ghi số điện thoại lên những mảnh giấy và bỏ trong túi quần áo hay ba lô của trẻ. Đây là việc làm hết sức cần thiết để phòng trường hợp trẻ bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ.
5. Cùng con xem những phóng sự, video clip mô phỏng về bắt cóc trẻ em
Có nhiều phóng sự, video clip đăng tải mô phỏng các tình huống về bắt cóc trẻ em, bố mẹ có thể cùng xem với trẻ và giáo dục con qua cách đặt vấn đề, khơi gợi, giải đáp những thắc mắc của trẻ để dần hình thành cho con ý thức phòng vệ và những kỹ năng cần thiết để xử lý trong những tình huống tương tự nếu gặp phải. Từ những câu chuyện, tình huống đó, bố mẹ phân tích cho trẻ hiểu hơn về những tình huống có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Nếu trẻ có thời gian được diễn tập cùng bố mẹ, trẻ sẽ tự tin hơn khi gặp bất trắc.
6. Dạy trẻ thực hiện nghiêm túc một số nguyên tắc trong gia đình
Bố mẹ cần xây dựng một số nguyên tắc trong gia đình và yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc. Chẳng hạn: Khi trẻ muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhất thiết phải xin phép người lớn (ông bà, bố mẹ, anh chị), người lạ kêu mở cửa tuyệt đối không được mở, thay vào đó hãy kêu người lớn mở hoặc gọi điện cho bố mẹ biết, khi chờ đợi bố mẹ đến đón thì nên ở trong trường,…
7. Dạy trẻ hét to và phản ứng mãnh liệt
Trong trường hợp không may xảy ra (khi trẻ bị bắt cóc), phụ huynh cần dặn dò trẻ phải hết sức bình tĩnh có thể, không được im lặng mà hét thật to hết sức có thể và chống cự bằng mọi cách. Tiếng hét to như lời cảnh báo cho kẻ xấu, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ mọi người quanh đó. Thực tế cho thấy, khi trẻ hét thật to, năng lượng sẽ được đưa lên não và toàn cơ thể, tạo cho trẻ thấy mình dũng cảm và mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần dạy trẻ cách vùng vẫy mãnh liệt và cố gắng nằm xuống sàn và dùng chân đạp liên tục vào kẻ xấu. Đây là cách có thể giúp trẻ kéo dài thời gian, tăng cơ hội để có thể vùng lên chạy thoát.
8. Dạy trẻ biết cách nhớ thông tin và để lại dấu vết
Bố mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ biết cách giữ bình tĩnh, quan sát thật kỹ kẻ bắt cóc và nhớ những thông tin, hình ảnh cần thiết về họ cũng như nơi đang ở. Khi cần thiết có thể để lại dấu vết về chặng đường đi (để lại giày dép, nón, khẩu trang, giấy, viết, phù hiệu,…).
9. Dạy trẻ biết tìm đến những nơi có thể giúp mình
Bố mẹ hãy dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ mình khi trường hợp không may xảy ra: quầy thông báo tại siêu thị, khu vui chơi, đồn công an, chốt bảo vệ, nhà hàng xóm,… Đó là những nơi tin cậy, an toàn và có thể giúp đỡ mình khi gặp hiểm nguy.
10. Phụ huynh chú ý nguyên tắc phối hợp trong giáo dục
Phụ huynh nên phối hợp chặt chẽ cùng nhà trường và giáo viên trông, dạy trẻ. Nên thống nhất với giáo viên người đón trẻ, chỉ từ 1 đến 2 người, để nhà trường có thể kịp thời phát hiện nếu xuất hiện người lạ tiếp cận đón trẻ. Trong trường hợp có việc bận không thể đón con, phải báo cho giáo viên biết ai sẽ là người đón hộ tránh trường hợp kẻ lạ giả danh người thân đến đón.
Theo Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An/ Phunuonline