Vợ chồng NSND Lan Hương cùng vào bếp làm một món ngọt ngào, vẫn có mẹ chồng hơn 90 tuổi "giám sát"

Google News

Khi hai vợ chồng đang lúi húi làm thì tiếng mẹ chồng NSND Lan Hương nói vào: “Phải cho quả hồi vào chứ”, “Cho cái lá vào sát đậu ý nhá”...

Mới đây, NSND Lan Hương (Bông) và ông xã - NSƯT Đỗ Kỷ đã cùng nhau vào bếp làm món chè kho truyền thống. Đây là một món ngọt phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, thường được làm để cúng rằm, mồng một, giỗ chạp hay lễ Tết và bày bán ở các chợ quê.

Hình ảnh đôi vợ chồng nghệ sĩ nấu nướng, trò chuyện nhẹ nhàng với nhau trong bếp, rất đời thường mà khiến nhiều người ngưỡng mộ. Đạo diễn Đỗ Kỷ rất đảm đang, giúp bà xã trong nhiều công đoạn. Còn “mẹ chồng quốc dân” Lan Hương cho hay: “Nhìn món chè kho đơn giản như này thôi mà công đoạn làm cũng khó nhằn lắm đấy nhá! Không khéo là hỏng hết luôn!”

Xem clip vợ chồng NSND Lan Hương cùng vào bếp làm chè kho ngọt ngào.

Chè kho còn được gọi là chè khoán hoặc chè con ong, là một món ăn dân dã của Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc.

Có 2 loại là chè kho đậu xanh và chè kho gạo nếp. Khi chín, rắc thêm vừng rang lên ăn sẽ rất thơm ngon.

Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương còn sử dụng nguyên liệu đúng chuẩn theo cách cổ truyền, đó là dùng thảo quả. “Vũ Bắc” Người Phán Xử đã ra tay giã thảo quả để vợ làm.

Khi hai vợ chồng đang lúi húi làm thì tiếng mẹ chồng hơn 90 tuổi của NSND Lan Hương nói vào: “Phải cho quả hồi vào chứ”, “Cho cái lá vào sát đậu ý nhá”...

Nữ diễn viên thường xuyên vào vai “mẹ chồng quốc dân” đã dí dỏm: “Bà vẫn ngồi bà giám sát đấy nhá”. Nghệ sĩ Đỗ Kỷ đùa: “Em đối với bà vẫn còn bé lắm”. NSND Lan Hương hỏi chồng rằng liệu 80 năm nữa mình có bằng bà không thì ông xã cho rằng lúc đó cô “sang cát lâu rồi”.

Đậu xanh được xóc chút muối hạt rồi cho lên hấp, khi đỗ tơi mềm thì cho vào cối giã nhuyễn. Tuy nhiên nghệ sĩ Đỗ Kỷ cho biết: “Chiều lòng bà Bông xay đậu bằng máy luôn nhưng lúi húi một hồi thế nào đậu thì không nhuyễn mà máy suýt cháy”.

NSND Lan Hương bày tỏ, biết thế nhờ chồng giã luôn thì đã không cách rách. Cuối cùng, hai vợ chồng lại mang ra giã.

Sau đó, cô sên đường viên và sên đậu cho quánh lại với nước thảo quả. Quá trình này cần khuấy liên tục ở lửa nhỏ để tránh bén cháy.

Rắc chút vừng rang lên là nghệ sĩ Lan Hương Bông đã hoàn thành món chè kho. Cô cho biết đã “giải quyết xong đậu ế của cụ” và nháp món chè kho truyền thống ngày xuân.

Khi vợ đem thành quả ra, nghệ sĩ Đỗ Kỷ đã khen: “Trông mịn màng đấy. Ngon! Anh làm cùng nó mới ngon chứ!” khiến NSND Lan Hương phải thừa nhận là “chuẩn”.

Tham khảo cách làm món chè kho truyền thống với đậu xanh:

Món chè kho không chỉ là một thức quà dân dã mà còn mang đậm hương vị Hà Nội xưa với sự kết hợp tinh tế của đậu xanh, đường và thảo quả. Để có được mẻ chè kho mịn dẻo, thơm bùi đúng điệu, người làm cần kiên nhẫn và cẩn thận trong từng công đoạn.

Nguyên liệu:

500g đậu xanh hạt tiêu (loại nhỏ, lòng vàng, bỏ vỏ)

300g đường trắng

1/2 thìa cà phê muối

2 quả thảo quả

50ml dầu ăn

Mè trắng (vừng) rang để rắc lên chè

Cách thực hiện:

1. Chế biến đậu xanh

Nên chọn loại đậu xanh hạt nhỏ, vỏ xanh nhạt, ruột vàng để khi nấu có vị thơm bùi hơn so với loại đậu hạt to, xay vỡ sẵn. Trước đây, các bà các mẹ thường tự cà vỡ đậu bằng chai thủy tinh để giữ được hương vị đặc trưng. Sau khi cà, đậu được sàng sảy thật sạch rồi ngâm nước cho nở mềm, bong vỏ. Dùng tay vò nhẹ cho lớp vỏ tách ra, sau đó đãi kỹ nhiều lần đến khi chỉ còn phần hạt vàng mịn.

2. Hấp chín đậu xanh

Sau khi đã đãi sạch, đậu được xóc cùng một chút muối hạt để tăng vị đậm đà và giúp chè kho để được lâu hơn mà không bị ôi thiu. Đậu được hấp chín bằng chõ cho đến khi mềm tơi.

3. Xay hoặc giã nhuyễn đậu

Khi đậu đã chín, dỡ ra để nguội bớt rồi giã nhuyễn bằng cối. Sau đó, nắm đậu thành từng phần nhỏ giống như cách làm xôi xéo rồi dùng dao thái mỏng, lặp lại vài lần để đậu thật tơi mịn. Hoặc có thể dùng rây để cà đậu cho mịn hơn.

4. Chuẩn bị nước đường thảo quả

Thảo quả được nướng sơ để dậy mùi, sau đó giã nhỏ, lọc lấy phần bột mịn. Bột thảo quả này sẽ hòa cùng nước và đường, đun lên tạo thành hỗn hợp nước đường thơm đặc trưng của chè kho Hà Nội.

5. Sên chè kho

Phần đậu xanh mịn được cho vào nồi nước đường thảo quả rồi khuấy đều trên lửa nhỏ. Cần khuấy liên tục và miết nhẹ tay để tránh vón cục và chè không bị cháy. Công đoạn này đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi nếu lơ là, chè có thể bị xém đáy, ảnh hưởng đến chất lượng. Sau khoảng 1 tiếng, khi đậu xanh và đường đã quyện thành một khối dẻo mịn, thử bằng cách nhúng tay vào bát nước nguội rồi chạm vào chè, nếu không dính tay là đạt yêu cầu.

6. Đơm chè kho và hoàn thiện

Chè kho được múc ra đĩa, dùng thìa hoặc muôi để vun bề mặt cho tròn đều. Cuối cùng, rắc một lớp vừng rang thơm lên trên để tăng hương vị.

Chè kho thành phẩm có màu vàng óng đẹp mắt, kết cấu dẻo mịn, thơm ngọt vị đậu xanh quyện cùng hương thảo quả và vừng rang. Đây không chỉ là món ăn truyền thống mà còn gợi nhớ về những ngày Tết sum vầy, khi hương chè kho ấm áp lan tỏa khắp gian bếp.

ANNE