Từ lâu thanh trà đã trở thành đặc sản miền sông nước, nổi tiếng với vị chua thanh đặc trưng, được người dân ưa chuộng để ăn chơi, làm gỏi hoặc ngâm nước đá giải nhiệt mùa nắng nóng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, một giống thanh trà ngọt đặc biệt đã ra đời, giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Khác với giống thanh trà chua truyền thống, thanh trà ngọt có lớp vỏ ngoài căng bóng, khi chín chuyển màu vàng sáng, tỏa ra hương thơm dịu đặc trưng.
Khi thưởng thức vị đầu tiên cảm nhận được là độ ngọt thanh nhẹ nhàng, đi kèm hậu vị chua dịu. Thịt trái mềm, mọng nước, ít xơ, được nhiều người yêu thích không chỉ bởi hương vị hấp dẫn mà còn vì giá trị dinh dưỡng cao.
Theo các nghiên cứu dinh dưỡng, thanh trà ngọt chứa nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa và khoáng chất thiết yếu, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da và hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Không chỉ vậy, trong dân gian, trái thanh trà còn được xem là loại quả giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể hiệu quả trong những ngày hè oi ả.
Nhận thấy tiềm năng từ giống cây mới lạ này, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp đã mạnh dạn đưa thanh trà ngọt vào canh tác. Theo chia sẻ từ các nhà vườn, cây thanh trà ngọt thích hợp trồng ở đất phù sa, đất thịt nhẹ, nơi có tầng canh tác tơi xốp và thoát nước tốt. Thời điểm lý tưởng nhất để trồng là vào đầu mùa mưa, khi cây con có điều kiện phát triển bộ rễ mạnh mẽ nhờ độ ẩm tự nhiên dồi dào.
Ông Huỳnh Văn Cập (ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ trước đây người dân địa phương nơi ông Cập sinh sống phát hiện, có tình trạng một số ít cây thanh trà chua đột biến thành thanh trà ngọt có hình dạng trái, độ ngọt và năng suất khác so với thông thường. Nhận thấy tiềm năng lớn từ thanh trà ngọt, ông Cập đã bỏ công đi tìm tòi, sưu tập các loại thanh trà ngọt đem về nhà trồng.
Sau vài năm săn sóc, cây thanh trà ngọt của ông Cập bắt đầu cho trái. Để chọn ra cây đầu dòng chất lượng nhất, ông tiếp tục theo dõi thêm 3 năm nữa. Cuối cùng ông cũng tuyển chọn được cây đầu dòng thanh trà ngọt cho năng suất cao (tương đương cây thanh trà chua) và độ ngọt của trái đạt 90% (còn lại 10% có độ chua). Từ đây, ông Cập bắt đầu nhân giống, mở rộng dần diện tích trồng thanh trà ngọt trên phần đất của gia đình.

Ông Cập lựa chọn giống thanh trà ngọt nguồn gốc ở vùng núi Hà Tiên (Kiên Giang), sau khi canh tác cho lại năng suất ổn định, độ ngọt, thơm dễ chịu.
Được biết, cây thanh trà ngọt dễ trồng, ít sâu bệnh so với nhiều loại cây ăn trái khác. Tuy nhiên, cần lưu ý các bệnh thường gặp như thán thư, đốm lá vào mùa mưa để kịp thời xử lý. Sau khoảng 3 đến 4 năm trồng, cây bắt đầu cho trái bói và từ năm thứ 5 trở đi sẽ cho năng suất ổn định. Mỗi năm cây có thể cho từ 2 đến 3 vụ thu hoạch, tùy theo chế độ chăm sóc và khí hậu từng vùng. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân cần thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán thông thoáng nhằm tăng khả năng quang hợp và hạn chế sâu bệnh.
"Riêng cây đầu dòng mà tôi có được, năng suất rất cao. Cụ thể, năng suất cây tơ 3 năm tuổi có thể đạt từ 1-2 kg, cây 14 năm tuổi có thể đạt khoảng 50kg" - ông Cập chia sẻ kết quả đầu tiên sau khi thử canh tác giống thanh trà ngọt vào 10 năm trước. Đến nay, gia đình ông Cập có 5ha trồng cây thanh trà ngọt sai quả, cho năng suất cao.

Ông Cập cho biết thanh trà ngọt cũng nhiều dòng, chủng loại khác nhau. Lúc đầu, một số hộ dân khác phát hiện ra cây thanh trà ngọt nhưng năng suất thấp nên không muốn trồng, nhân rộng.
Loại cây ăn trái đặc sản này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và đó là điều làm khó nhà vườn. Do đó, hơn 10 năm qua, ông Cập đã cố gắng tìm các kỹ thuật để cây thanh trà ra hoa, đậu trái theo ý muốn của người trồng. Để cho cây thanh trà ra trái nghịch vụ và hướng đến cây không bỏ vụ, ông quyết định cùng các chuyên gia nông nghiệp tìm hướng nghiên cứu phương pháp để loại cây đặc sản ra trái đúng theo ý của người trồng.
Theo ông Cập, hiện thanh trà ngọt có giá dao động từ 160.000-200.000 đồng/kg. Hiện với 500 cây thanh trà, mỗi năm ông Cập thu hoạch hơn 3 tấn trái đặc sản. Với giá bán trái thanh trà như trên, sau khi trừ kinh phí đầu tư, phân bón, ông thu về trên 300 triệu đồng.

Thanh trà ngọt có mức giá cao hơn nhiều so với giống thanh trà chua mà hiện nay lại ít nhà vườn canh tác nên loại trái này có hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân thu về lợi nhuận lên đến trăm triệu mỗi năm.
Không chỉ ông Cập, mà ông Trần Văn Chiến (ngụ xã Đông Thành, thị xã Bình Minh) cũng có cuộc sống khá hơn nhờ giống cây có vị chua dịu, ngọt thanh này. Gia đình ông Chiến đang có 700 cây thanh trà gần 3 năm tuổi và hơn 30 cây thanh trà trên 10 năm tuổi. Ông Chiến chia sẻ, thu hoạch thanh trà khá cực công, tuy nhiên, trái sai đẹp, lại có giá trị kinh tế, và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.
“Một công đất trồng thanh trà được ví bằng 10 công ruộng lúa, lại không tốn công chăm sóc, cây thanh trà không có sâu, chỉ cần tưới nước và bón ít phân là cây phát triển ổn định” - ông Chiến tâm sự về quá trình canh tác thanh trà.
Từ loại trái từng chỉ dùng để ăn chơi trong mùa nắng, thanh trà ngọt đang trở thành cây trồng kinh tế tiềm năng tại nhiều địa phương miền Tây. Với ưu điểm dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao và nhu cầu thị trường lớn, cây thanh trà ngọt hứa hẹn sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân.
TẤN PHƯỚC