Rau mồng tơi có tên khoa học là Basella alba L., là loại rau thân mềm, mọng nước, dễ trồng và phát triển mạnh ở nhiều vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt phổ biến tại châu Á và châu Phi. Ở Việt Nam, mồng tơi hiện diện khắp mọi miền, nhất là tại các tỉnh phía Bắc. Hình ảnh giàn mồng tơi leo vươn bên bờ rào, góc sân hay luống rau nhỏ sau nhà đã quá thân thuộc với người dân nơi đây.

Thân cây mồng tơi khá mập, vỏ ngoài nhẵn bóng, có màu xanh đậm hoặc tím. Bên trong chứa nhiều chất nhớt đặc trưng, tạo nên độ “trơn mát” rất riêng khi ăn. Loại cây này có thể mọc ký sinh, bám leo và phát triển chiều dài tới cả chục mét. Lá mồng tơi dày, mọng nước, màu xanh non hoặc xanh đậm, hình trái tim hoặc hình trứng, mọc đơn hay xen kẽ dọc thân, luôn căng mướt khi còn tươi.
Không phải ngẫu nhiên mà rau mồng tơi lại trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Với đặc tính dễ chế biến, dễ kết hợp nguyên liệu, rau mồng tơi có thể nấu canh, xào, luộc hay ăn kèm với nhiều món khác nhau. Đặc biệt, món canh mồng tơi nấu cua đồng, nghêu, hoặc chỉ đơn giản là nấu với mỡ lợn, luộc chấm nước mắm, từ lâu đã đi vào tiềm thức như một biểu tượng của những bữa cơm quê nhà.
Với nhiều người, những bát canh mồng tơi mẹ nấu với cà pháo muối vẫn luôn là ký ức khó phai. Chúng mộc mạc, giản dị, nhưng lại ấm lòng và thân thương. Dù thời gian có thay đổi, dù mâm cơm người Việt ngày càng đa dạng và phong phú, rau mồng tơi vẫn hiện diện mỗi ngày. Những mớ mồng tơi xanh rì, lá to, ngọn mập, được bán ở chợ dân sinh hay siêu thị với giá từ 7.000 đồng/mớ, hoặc 40.000 đồng/kg, vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên của các bà nội trợ.

Là loại rau phổ biến mùa hè, thu (tháng 5 đến tháng 9) nên mồng tơi được trồng chủ yếu vào vụ xuân từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là thời điểm thích hợp với độ ẩm cao kích thích rau sinh trưởng và phát triển.
Trong rau mồng tơi có chứa các dưỡng chất như Natri, lipid, kali, chất xơ, carbohydrate, protein, magie, canxi, sắt cùng nhiều loại vitamin như: Vitamin A, vitamin D, vitamin C, vitamin B6, vitamin B12,…
Đặc biệt, hàm lượng selen trong loại rau này nhiều gấp 30 lần so với hành tây, có thể cải thiện khả năng miễn dịch, bổ máu. Loại rau này còn được mệnh danh là "rau trường thọ", "thuốc bổ" vì có tác dụng trong phòng và chữa nhiều bệnh lý.
Những tác dụng của rau mồng tơi với sức khỏe:
Ngăn ngừa loãng xương
Rau mồng tơi là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời với 167 mg canxi trong mỗi 100 gram, cao hơn cả sữa (125 mg). Nhờ vậy, rau mồng tơi giúp hỗ trợ điều trị loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi và người trung niên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chiều cao ở thanh thiếu niên. Bên cạnh canxi, rau mồng tơi còn rất giàu sắt, một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của hệ xương khớp, các tế bào miễn dịch, tế bào máu và thần kinh. Kết hợp rau mồng tơi với các thực phẩm bổ dưỡng khác là một giải pháp hiệu quả để giảm đau nhức xương khớp.
Tốt cho tim mạch
Vitamin B9 trong rau mồng tơi có tác dụng làm giảm mức homocysteine trong máu, một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim. Vitamin B9 giúp chuyển hoá homocysteine thành methionine, giúp cân bằng mức homocysteine trong cơ thể. Vitamin này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hoá các khoáng chất và chất chống oxy hoá, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tim mạch.
Hỗ trợ điều trị trầm cảm
Rau mồng tơi cung cấp một lượng vitamin B9 phong phú, giúp giảm các triệu chứng trầm cảm. Vitamin B9 có tác dụng cải thiện tâm trạng, hỗ trợ điều trị trầm cảm tự nhiên, mang lại cảm giác thư thái cho người bệnh.

Ngăn ngừa suy giảm trí nhớ
Mức homocysteine cao là một yếu tố nguy cơ dẫn đến mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Vitamin B9 trong rau mồng tơi giúp giảm mức homocysteine, từ đó cải thiện chức năng nhận thức và giúp ngăn ngừa các bệnh về hệ thần kinh. Bổ sung rau mồng tơi vào chế độ ăn uống có thể hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer và cải thiện sức khỏe trí tuệ.
Phòng ngừa ung thư
Thiếu hụt vitamin B9 có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư đại tràng, cổ tử cung, vú, phổi và não. Chế độ ăn giàu vitamin B9 giúp bảo vệ tế bào khỏi sự phát triển của ung thư, nên việc tiêu thụ rau mồng tơi là cách tốt để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh ung thư.
Ngăn ngừa thiếu máu
Vitamin B9 rất quan trọng trong việc sản xuất tế bào hồng cầu. Khi thiếu vitamin B9, các tế bào hồng cầu không phát triển đầy đủ, dẫn đến thiếu máu. Bổ sung rau mồng tơi vào chế độ ăn giúp cung cấp đủ vitamin B9, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và bảo vệ sức khỏe.
Cung cấp năng lượng
Rau mồng tơi là nguồn cung cấp sắt dồi dào, giúp tăng cường sản xuất hemoglobin và cải thiện khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể. Thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi, thiếu năng lượng và suy giảm chức năng tâm thần, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em. Việc bổ sung rau mồng tơi vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp tăng cường lượng sắt trong cơ thể, giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng.
H.A