Tin tức 24h: Miền Bắc bất ngờ đón tiếp đợt không khí lạnh tăng cường

Google News

Dự báo khoảng đêm 15 và sáng ngày 16/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Miền Bắc bất ngờ đón tiếp đợt không khí lạnh tăng cường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (15/2), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Miền Bắc bất ngờ đón thêm đợt không khí lạnh.

Dự báo khoảng đêm 15 và sáng ngày 16/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3.

Ở phía Đông Bắc Bộ từ đêm 15/02 trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 16-19 độ, vùng núi có nơi dưới 15 độ.

Khu vực Hà Nội từ đêm 15/2 trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 17-19 độ.

Dự báo chi tiết:Thời điểm dự báoKhu vực ảnh hưởngNhiệt độ thấp nhất (oC)Nhiệt độ trung bình (oC)Đêm 15 và ngày 16/02Phía Đông Bắc Bộ16-19, vùng núi có nơi dưới 1519-21; vùng núi 17-19, có nơi dưới 16

Từ gần sáng ngày 16/2, ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 4-5, sóng biển cao 1,0-2,0m; từ đêm 16/02, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2,0-4,0m.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu lệch Đông kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao từ đêm 15/2 đến sáng 17/2, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác.

Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm có khả năng ảnh hưởng đến tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Thịt heo liên tục tăng giá, tiểu thương ngóng khách

Hút hàng nhưng bán không được

Trưa 15/2, tại sạp hàng kinh doanh thịt heo trong chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) thưa vắng cả người bán lẫn người mua. Phe phẩy chiếc quạt đuổi ruồi, bà Dương Mai (gần 80 tuổi) thỉnh thoảng lại hướng mắt ra xa trông ngóng khách.

“Thịt giá cao quá nên vắng người mua. Bình thường sau Tết, giá heo sẽ giảm nhưng nay lại tăng mỗi ngày. Heo càng tăng giá, chúng tôi bán buôn càng khó khăn vì khách không mua” – bà Mai nói.

Nhiều quầy hàng thịt heo còn ê hề dù đã qua giờ cao điểm chợ buổi trưa

Trước thông tin heo hút hàng, “cháy’ hàng, bà Mai lý giải không phải do khách mua nhiều mà có tình trạng đó. Mà nguyên nhân là nguồn cung không có. “Nhưng chuyện heo hút hàng theo tôi, có lẽ chỉ xảy ra ở chợ đầu mối. Bởi chợ lẻ tiểu thương ngồi cả ngày mà thịt vẫn ê hề, có mấy ai mua đâu. Ngay cả khách mối bán hàng ăn cũng lấy hàng ít lại thì sao khách mua về sử dụng trong gia đình sao mà tăng được” – bà Mai khẳng định.

Tại chợ Bàn Cờ (quận 3), người đi chợ đông nhưng lượng khách mua thịt heo không bao nhiêu. Sạp hàng thịt heo của bà Mơ trong chợ dù qua cao điểm trưa nhưng vẫn còn ê hề. Lâu lâu mới có khách ghé vào mua vài lạng thịt về nấu canh, bà Mơ mừng ra mặt.

“Khách vắng, lượng mua thịt cũng ít nên ế lắm. Trước đây tôi mua thịt heo qua trung gian, họ giao tận nơi; còn giờ tôi tự đến chợ đầu mối mua để giảm bớt chi phí nhưng cũng không được bao nhiêu. Thịt tăng giá rất cao nên mình cũng phải tăng giá bán lẻ, khách cân nhắc lựa chọn những loại thịt khác để thay thế như thịt gà vịt, cá…” – bà Mơ nói.

Thịt heo tăng giá nên người dân mua ít hơn, đồng thời chọn thực phẩm khác thay thế như thịt gà, thịt vịt, đậu hũ...

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, một tuần trước Tết Nguyên đán 2025, sườn non có giá 200.000 đồng/kg, khi đó giá này đã tăng thêm 20.000 đồng. Nhưng hôm nay sườn non có giá mới khoảng 220.000 – 230.000 đồng/kg, ba rọi 208.000 đồng/kg, nạc vai 135.000 đồng/kg, nạc đùi 140.000 đồng/kg… Nếu tính từ đầu tháng 1 đến nay, giá thịt đã tăng 30.000 – 40.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá heo tăng cũng làm dĩa cơm tấm, tô bún… tăng theo. Mở quán cơm tấm trở lại sau ngày Thần Tài đến nay, bà Lê Thị Thủy (quận 6) có thêm món gà nướng thay cho cốt-lết heo trong dĩa cơm tấm. “Tôi bán cơm bình dân, giá từ 30.000 – 35.000 đồng/dĩa chủ yếu phục vụ người dân lao động, công nhân. Nguyên liệu heo tăng giá, nhưng mình khó tăng giá bán nên chủ động có thêm thịt gà trong dĩa cơm” – bà Thủy nói.

Tiệm bún giò heo trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) cũng vừa thay đổi bảng giá mới, 45.000 đồng/tô (tăng thêm 3.000 đồng). “Cực chẳng đã mới phải tăng giá vì nếu không sẽ khó tiếp tục kinh doanh. Tôi cũng giải thích để khách hiểu nhưng tiệm vẫn giảm khách hơn so với trước” – ông Thành, chủ quán nói.

Tiếp đà tăng

Từ sau Tết Nguyên đán 2025 đến nay, thịt heo liên tục tăng giá nhưng sản lượng về chợ đầu mối TPHCM lại giảm. Như tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) chỉ đạt khoảng 2.900 – 3.000 con/ngày (giảm 50% so với trước Tết). Heo về ít và giá tăng cao.

Thịt heo ở chợ đầu mối giảm tới 50% so với trước Tết, nhiều thời điểm "cháy" hàng, tiểu thương khó mua để bán lẻ

Sau hai ngày tạm đứng giá, hiện, heo hơi ở phía Nam đã tăng lên mức 74.000 - 75.000 đồng/kg; giá heo mảnh cũng tăng lên 94.000 - 95.000 đồng/kg, thậm chí tới 100.000 đồng/con với loại ngon. Thịt heo pha lóc với đùi rọ, cốt lết 90.000 đồng/kg, giò 65.000 - 75.000 đồng/kg, nạc dăm 120.000 đồng/kg...

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cuối năm 2024, tỉnh Đồng Nai – nơi được mệnh danh thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước đã thực hiện chủ trương di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và không phù hợp quy hoạch, nên tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi cũng khiến nhiều cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, bị thiệt hại và ngừng hoạt động.

Ông Đoán cũng nói rằng, giá heo hơi chỉ cần ở mức 63.000 - 65.000 đồng/kg là đã đủ để đảm bảo lợi nhuận tốt cho người nuôi. Với giá tốt như hiện nay, kỳ vọng người chăn nuôi sẽ nhanh chóng tái đàn.

Tại các siêu thị và cửa hàng thịt heo của những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tại TPHCM, giá heo ghi nhận vẫn ở mức ổn định. Như ba rọi rút sườn 71.000 đồng/khay 300gram, sườn non 109.000 đồng/khay 400gram…

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan thông tin, từ ngày 12/2 đã mua heo hơi với giá 72.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với giá cơ sở của thịt heo bình ổn hiện hành (áp dụng từ 30/12/2024).

“Do quy định về bình ổn giá và sức mua đầu năm còn thấp nên giải pháp duy nhất mà chúng tôi thực hiện là “ráng” chứ không thể tăng giá” - ông Dũng nói.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, hiện một số doanh nghiệp đã có kiến nghị về việc cho tăng giá bán đối với những mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường, trong đó có thịt heo. Tuy nhiên, chương trình bình ổn đã cam kết trước đó sẽ giữ giá ổn định trong khoảng thời gian một tháng trước Tết và một tháng sau Tết, nên thời điểm này chưa thể tăng giá.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, năm 2025, tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam có thể đạt 4 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm trước. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước có thể đối mặt thách thức do dịch bệnh và chi phí tái đàn cao. Giá heo hơi được dự báo duy trì ở mức 65.000 - 75.000 đồng/kg đến hết nửa đầu năm 2025.

Hà Nội cấm cán bộ "đòi" giấy đăng ký kết hôn khi công dân làm khai sinh cho trẻ em

Đó là một trong những nội dung của văn bản về việc triển khai thực hiện Nghị định số 07/2025/NĐ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ, do UBND TP. Hà Nội mới ban hành.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai sinh không được yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu đã đăng ký kết hôn); trừ trường hợp cha, mẹ trẻ là người nước ngoài.

Khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký kết hôn không yêu cầu nộp "Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn" đối với công dân Việt Nam. Cán bộ cần tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công dân thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa

Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định số 07/2025/NĐ-CP.

UBND TP. Hà Nội giao Trung tâm Phục vụ hành chính công phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật; triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố với Hệ thống thông tin của Bộ Tư pháp để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân đúng quy định.

Giao Sở Tư pháp chủ trì, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị định số 07/2025/NĐ-CP theo quy định.

Bỏ rơi con 4 tháng tuổi trong phòng trọ ở Đồng Nai, bố mẹ rời đi không lời nhắn

Hôm nay (15/2), UBND xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết vừa tiếp nhận và chăm sóc một bé trai bị bỏ rơi tại phòng trọ trên địa bàn.

Bé trai bị bỏ rơi trong phòng trọ được UBND xã Hố Nai 3 chăm sóc. Ảnh: Cắt từ clip

Theo đó, chiều ngày 13/2 vừa qua, bà Trần Thị Thơm (quản lý nhà trọ ở ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3) trình báo chính quyền địa phương về việc phát hiện một bé trai khoảng 4 tháng tuổi, nặng 6kg bị bỏ lại phòng trọ, không có giấy tờ tùy thân.

Bà Thơm cho biết trước Tết Nguyên đán, một cặp đôi trẻ tuổi mang con là bé trai này đến thuê trọ. Trong đó, mẹ bé tên Ngọc (khoảng 20 tuổi) và người cha tên Phạm Minh Hiếu (khoảng 18 tuổi). Cả hai người rời đi mà không để lại thông tin liên lạc.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt hiện trường, thu thập thông tin từ những người liên quan.

UBND xã Hố Nai 3 thông báo rộng rãi thông tin, mong sớm tìm được người thân cho bé. Trong thời gian chờ làm hồ sơ và thủ tục, bé trai được chính quyền địa phương chăm sóc sức khỏe trong điều kiện tốt nhất.

Nếu sau 7 ngày không có ai đến nhận, chính quyền sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định để bé có được sự bảo trợ và nuôi dưỡng phù hợp.

Ngư dân "trúng đậm" mẻ cá cơm gần bờ lớn nhất từ trước tới nay 

Sáng 15/2, ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy, TP. Vinh, Nghệ An - cho biết, chiều 14/2 địa phương đã thực hiện nghi thức kéo cờ chào đón và chúc mừng đội tàu ngư dân Trần Văn Lưu đánh bắt sản lượng cá cơm kỷ lục trong một chuyến ra khơi một ngày đêm.

Nghi thức này được thực hiện đối với đội tàu đạt sản lượng đánh bắt từ 15 tấn/chuyến trở lên.

Ngư dân trúng đậm cá cơm.

Theo đó, sau một ngày đêm ra khơi, đội tàu ngư dân Trần Văn Lưu đã khai thác được 26 tấn cá cơm. Đây cũng là chuyến ra khơi có sản lượng cao nhất địa phương sau Tết Nguyên đán.

Ông Lưu cho hay, đội tàu của ông gồm 2 chiếc, 20 thuyền viên, ra khơi đánh bắt trên vùng biển Cửa Lò (Nghệ An) từ ngày 13/2, cập cảng chiều muộn 14/2.

“Chúng tôi may mắn đánh bắt trúng luồng cá cơm rất lớn, anh em làm việc cật lực để thu lưới. Đây không phải là sản lượng đánh bắt hải sản cao nhất, nhưng là sản lượng về cá cơm cao nhất từ trước tới nay trong một chuyến ra khơi ở gần bờ”, ông Lưu chia sẻ.

Với giá cá cơm bán tại bến 10.000 đồng/kg, chuyến ra khơi này mang lại cho đội tàu ông Lưu 260 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động nhận về 3-5 triệu đồng.

Lãnh đạo phường Nghi Thủy tặng cờ chúc mừng đội tàu ông Lưu đánh bắt được 26 tấn cá cơm.

Cá cơm được ngư dân đánh bắt quanh năm, nhưng mùa chính tập trung từ khoảng tháng 11-12 âm lịch năm trước, kéo dài đến khoảng tháng 3-4 năm sau. Cá cơm sau khi đánh bắt được các đội tàu bán cho các cơ sở hấp, sấy, ướp gia vị, đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia... hoặc phơi khô bán dần trong năm.

Xem thêm: 

Tài xế quay đầu xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị phạt 35 triệu đồng (Nguồn: Vietnamnet)

BẢO BẢO