Không khí lạnh, rét đậm rét hại còn kéo dài sang tháng 3
Rét đậm, rét hại tập trung vào tháng 2
Nhận định các hình thái thời tiết nguy hiểm đáng lưu ý trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 7/2025, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 2, sang tháng 3 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá tại khu vực vùng núi phía Bắc.
Ngoài ra, trong 6 tháng tới, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá tiếp tục xảy ra, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở trên phạm vi toàn quốc.
Không khí lạnh, rét đậm, rét hại có thể kéo dài sang tháng 3.
Thông tin cụ thể vào ngày 15/1, TS Hoàng Phúc Lâm cho biết hiện tại ENSO (chữ viết tắt để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt - El Nino và hiện tượng lạnh dị thường của lớp nước biển bề mặt - La Nina) đang trong điều kiện La Nina với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương thấp hơn trung bình nhiều năm dưới 0,7 độ C trong tuần đầu tháng Một. Sau đó, La Nina tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 55-65% trong các tháng 2-4/2025.
Với xu thế khí tượng trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ tháng 2-4/2025, ít khả năng có bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam.
"Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dự báo trên, gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc," ông Lâm lưu ý.
Cụ thể, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 2 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại. Tháng 3, hoạt động của không khí lạnh xấp xỉ trung bình nhiều năm. Người dân cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kèm theo hiện tượng băng giá, mưa tuyết trong thời gian này, đặc biệt tại vùng núi Bắc Bộ.
Về xu thế mưa, dự báo tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong tháng Hai, phổ biến từ 20-40%; tháng Ba phổ biến cao hơn 5-10% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ; tháng Tư thấp hơn 5-15mm so với trung bình nhiều năm.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dự báo tổng lượng mưa trong tháng Hai phổ biến từ 20-50mm, riêng tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh có nơi trên 100mm. Tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng này phổ biến 30-60%, có nơi cao hơn; riêng các tỉnh từ Ninh Thuận - Bình Thuận phổ biến ít mưa.
Từ tháng 3-4/2025, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia dự báo tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, tổng lượng mưa trong tháng Ba phổ biến 30-70mm, tháng Tư phổ biến từ 50-100mm, có nơi cao hơn.
Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 2-4/2025, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-25mm. Cụ thể, trong tháng Hai, tổng lượng mưa phổ biến 10-30mm, có nơi trên 30mm; tháng Ba, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 20-50mm, khu vực Nam Bộ phổ biến 15-30mm, có nơi cao hơn; tháng Tư phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn.
Mùa hè năm 2025 đề phòng nắng nóng đặc biệt gay gắt
Cũng trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 4/2025, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện xấp xỉ xỉ trung bình nhiều năm tại khu vực Nam Bộ (tập trung ở miền Đông), khu Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ. Cường độ nắng nóng có khả năng ít gay gắt hơn so với năm 2024, song các đợt nắng nóng vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, sức khỏe cộng đồng.
Nhiệt độ trung bình trong các tháng 2-4/2025, phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng Tư, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong các tháng tiếp (từ tháng 5-7/2025), ông Hoàng Phúc Lâm cho biết hiện tượng ENSO có khả năng ở trạng thái trung tính. Với xu thế khí tượng này, dự báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đổ bộ vào đất liền ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển phía Nam từ nửa cuối tháng Năm.
Cũng trong khoảng thời gian dự báo trên, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia dự báo nắng nóng có khả năng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình trên cả nước trong giai đoạn này phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ có thể cao hơn 0,5-1 độ C trong tháng 7/2025.
"Dự báo hiện tượng nắng nóng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy người dân cần đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ," ông Lâm lưu ý.
Đối với xu thế mưa, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng Sáu ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía Nam và kết thúc vào khoảng tháng 12/2025 ở các tỉnh từ Trung Bộ.
Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ từ tháng 5-7/2025, phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cụ thể, tổng lượng mưa trong tháng Năm dự báo phổ biến từ 150-300mm; tháng Sáu phổ biến 150-250mm (riêng khu vực vùng núi 250-500mm, có nơi trên 500mm); tháng Bảy phổ biến từ 250-500mm, có nơi cao hơn.
Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 5-7/2025, phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa trong tháng 6-7/2025 cao hơn từ 15-40% so với trung bình nhiều năm.
Cũng trong khoảng thời gian dự báo trên, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tổng lượng mưa trên các khu vực thượng lưu, trung lưu và hạ lưu vực sông Mekong phổ biến cao hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Người phụ nữ ở Hà Nội mất 1,5 tỷ đồng khi làm "việc nhẹ, lương cao"
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là lập ra các Fanpage trên nền tảng Facebook với nội dung cung cấp dịch vụ hỗ trợ xây dựng gian hàng hoặc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử.
Khi có người hỏi, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng các tài khoản Facebook ảo kết bạn, làm quen, rủ rê họ mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn làm các nhiệm vụ để chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh hoạ.
"Mồi nhử" được các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20% tiền hoa hồng. Với những đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ rút được tiền ra. Nhưng khi những đơn hàng lên đến tiền triệu, các đối tượng sẽ thông báo tài khoản lỗi, không cho rút tiền.
Trường hợp cộng tác viên muốn rút tiền ra phải nạp thêm tiền cho các đối tượng. Đến khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ khóa tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà nạn nhân đã chuyển.
Mới đây, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) vừa tiếp nhận đơn trình báo của người phụ nữ về việc bị lừa 1,5 tỷ đồng bằng hình thức nêu trên.
Theo đó, vào tháng 11/2024, chị C (SN 1984, trú tại Ba Vì, Hà Nội) có nhận được lời mời làm cộng tác viên online tại nhà. Thấy công việc đơn giản, lại có thu nhập nên chị C đã liên tục chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để thực hiện nhiệm vụ đầu tư. Tổng số tiền chị C đã bị lừa là 1,5 tỷ đồng.
Công an Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, thông qua nhiều nguồn khác nhau, để kiểm chứng tính chính xác.
Các trường hợp quảng cáo làm cộng tác viên được hưởng hoa hồng, lãi suất cao rất có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
1 phụ nữ lừa đảo hơn 10 tỉ đồng để trả nợ, đóng hụi
Ngày 15-1, TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Huỳnh Kim Thanh (46 tuổi) 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, vào năm 2000 Thanh vay tiền bên ngoài số tiền 1,4 tỉ đồng để đầu tư nuôi heo và cá tra nhưng sau đó thua lỗ. Đến năm 2017, Thanh đưa ra thông tin gian dối với nhiều bị hại là Thanh cần tiền cho người khác vay lại đáo hạn ngân hàng, lãi suất từ 3.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày hoặc 1-5%/1 tháng, thời hạn 10 ngày hoặc 1 tháng.
Với thủ đoạn cần tiền cho vay đáo hạn ngân hàng, bị cáo Thanh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 10 tỉ đồng của nhiều người. Ảnh: HD
Tuy nhiên sau đó Thanh chỉ trả tiền lãi, không trả hoặc trả một phần số tiền vốn và để tiếp tục lấy được tiền của các bị hại Thanh đưa ra thông tin số tiền vốn chưa trả là do có người cần vay để đáo hạn tiếp khi người vay trả thì Thanh sẽ trả đủ vốn, lãi luôn cho bị hại. Từ đó, các bị hại tin tưởng đưa tiền cho Thanh trong thời gian dài.
Khi nhận được tiền, Thanh dùng trả nợ, đóng tiền hụi, tiêu xài cá nhân hoặc nhận tiền vay của người sau trả cho người cho vay trước. Đến tháng 9-2022 do không còn khả năng đóng lãi và hỏi vay tiếp được nữa, Thanh bỏ đi khỏi địa phương. Từ đó, các bị hại làm đơn tố giác hành vi phạm tội của Huỳnh Kim Thanh.
Theo kết luận điều tra, Thanh đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 10,6 tỉ đồng của nhiều người đem đi trả nợ, đóng hụi và tiêu xài cá nhân.
Trộm "clip nóng" từ camera của nhiều gia đình để tống tiền
Trước đó, ngày 5/1, Công an quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) nhận đơn trình báo của người phụ nữ sinh sống trên địa bàn về việc bị đối tượng không rõ lai lịch sử dụng các tài khoản zalo ảo tên “Thùy Linh”, “Đạt” nhắn tin, gửi các hình ảnh, video clip “nóng” của người này. Đối tượng đe dọa, yêu cầu người phụ nữ này chuyển tiền, nếu không sẽ đưa các hình ảnh này lên mạng xã hội và gửi cho người thân, bạn bè.
Đối tượng Trần Quang Lương và tài khoản mạng xã hội ảo để đe dọa, tống tiền.
Vào cuộc điều tra, công an xác định nghi phạm thực hiện hành vi trên là Trần Quang Lương (2002, trú thôn Rẫy, Vạn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình).
Lương thường xuyên thay đổi chỗ ở và không có mặt tại địa phương, sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm qua mắt công an như sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo... Lương bị bắt khi đang lẩn trốn tại xã Phú Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)
Tại cơ quan công an, đối tượng Lương khai nhận đã tham gia vào các hội nhóm chuyên thu thập các dữ liệu hình ảnh, clip nhạy cảm được ghi lại từ các thiết bị camera (đã bị “hack”) được lắp đặt tại các hộ gia đình trên cả nước.
Tiếp đó, đối tượng thu thập thông tin cá nhân của những người ở trong video, rồi sử dụng tài khoản zalo ảo, sim rác để nhắn tin đe dọa, yêu cầu người bị hại chuyển tiền.
Công an xác định Lương đã sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau phục vụ cho hoạt động trên với số tiền giao dịch hàng chục tỷ đồng.
Công an quận Liên Chiểu đã ra quyết định tạm giữ đối với Trần Quang Lương để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Công an vận động người đàn ông trả lại gần nửa tỷ đồng bị chuyển nhầm
Công an huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hôm nay (15/1) cho biết Công an xã Mỹ Thuận vừa vận động ông Nguyễn Thám (64 tuổi, tạm trú xã Mỹ Thuận) chuyển trả lại gần 500 triệu đồng cho chị Lê Thị Hải Vân (38 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An).
Theo cơ quan công an, ngày 10/1, chị Vân chuyển khoản cho người bạn để thanh toán tiền làm ăn nhưng nhầm vào tài khoản của ông Thám. Chị Vân báo với ngân hàng và nhờ Công an tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ.
Nhận được thông tin, Công an xã Mỹ Thuận cùng ông Nguyễn Thám đến ngân hàng phối hợp, xác minh. Sau đó, ông Thám làm các thủ tục chuyển trả lại tiền cho chị Vân.
Công an cùng ông Thám đến ngân hàng xác minh và làm thủ tục chuyển lại tiền cho chị Vân. Ảnh: CACC
Ông Thám cho biết 7 năm trước, ông mở tài khoản ngân hàng nói trên. Do làm ăn thua lỗ nên sau đó, ông không sử dụng tài khoản này.
Ông không giao dịch, không kiểm tra và tài khoản bị phong tỏa…, nên không biết chị Vân chuyển tiền nhầm cho mình.
Ông Thám cũng trình bày chị Vân và nhân viên ngân hàng thường gọi điện yêu cầu chuyển trả số tiền nói trên. Nhưng vì sợ bị lừa đảo, ông không dám hợp tác, không nghe điện thoại.
Nhận lại đủ tiền đã chuyển nhầm, chị Vân cảm ơn Công an xã Mỹ Thuận.
THẢO ANH