Nấu cơm đừng chỉ cho mỗi nước, nhớ thêm 2 thứ này, không cần nồi xịn, cơm vẫn dẻo thơm khó tin!

Google News

Cơm ngon không chỉ nhờ gạo tốt hay nồi xịn, mà còn ở cách nấu. Bỏ túi ngay những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả dưới đây để nấu cơm dẻo thơm, tơi hạt và trắng đẹp đến bất ngờ!

Cơm là món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Việt, nhưng để có được một nồi cơm thật sự hoàn hảo - dẻo mềm, trắng thơm, hạt cơm tơi đều lại không đơn thuần là chuyện chỉ cần vo gạo rồi nhấn nút nấu. Dưới đây là những mẹo tưởng chừng đơn giản nhưng nếu áp dụng đúng cách, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt chỉ trong một nồi cơm.

1. Vo gạo đúng cách - đừng “sạch quá hóa mất chất”

Rất nhiều người có thói quen vo gạo thật kỹ, thậm chí vo đến 4-5 lần cho đến khi nước trong vắt. Mục đích là để sạch bụi bẩn, nhưng thực tế lại làm mất đi lớp cám mỏng bên ngoài - nơi chứa nhiều vitamin nhóm B, chất xơ và khoáng chất có lợi.

Bạn chỉ cần vo 2 lần là đủ:

- Lần đầu: Dùng nước rửa nhẹ nhàng, đảo đều để loại bỏ bụi bẩn, mảnh trấu hoặc hạt gạo vỡ.

- Lần hai: Đổ nước mới, đảo nhẹ một vòng nữa rồi chắt nước.

Lưu ý: Không nên chà xát mạnh tay hoặc dùng rổ lưới để vo, tránh làm hạt gạo bị nứt gãy, cơm sau khi nấu sẽ dễ bị nát.

2. Ngâm gạo để gạo no nước trước khi nấu

Sau khi vo xong, đừng vội nấu ngay. Hãy ngâm gạo từ 5-10 phút trong nồi cùng lượng nước nấu, đây là bước giúp hạt gạo hút đủ nước, khi nấu sẽ chín đều, mềm và không bị khô lõi.

Tác dụng rõ nhất là với các loại gạo khô như gạo Bắc, gạo tám. Gạo mới mùa thì chỉ cần ngâm 5 phút, nhưng gạo để lâu, gạo cũ thì nên ngâm tới 10-15 phút. Nhờ đó, nồi cơm sau khi chín sẽ mềm dẻo hơn mà không cần thêm nhiều nước.

3. Thêm dầu ăn và giấm trắng - bí quyết cho cơm bóng, trắng và thơm

Đây là một mẹo nhỏ nhưng lại được rất nhiều đầu bếp nhà hàng áp dụng: sau khi ngâm, trước khi nấu, hãy cho vào nồi khoảng 3-5 giọt dầu ăn và 3-5 giọt giấm trắng.

- Dầu ăn: Giúp hạt cơm không bị dính, tạo độ bóng mượt đẹp mắt.

- Giấm trắng: Làm cơm trắng hơn, đồng thời giúp bảo toàn phần vitamin có trong gạo.

Lưu ý: Nên dùng các loại dầu có mùi nhẹ như dầu hướng dương, dầu đậu nành. Tránh dùng dầu mè, dầu lạc vì mùi nồng có thể át mất hương thơm tự nhiên của cơm.

4. Canh chuẩn tỷ lệ nước theo từng loại gạo

Không phải loại gạo nào cũng cần cùng một lượng nước. Dùng đúng tỷ lệ nước là chìa khóa giúp cơm không bị sống hay nhão.

- Gạo tẻ thường: Tỷ lệ 1:1.2 (1 chén gạo - 1.2 chén nước).

- Gạo mới: Ít nước hơn – khoảng 1:1 hoặc nhỉnh hơn một chút.

- Gạo cũ hoặc gạo khô: Cần nhiều nước hơn – khoảng 1:1.3.

- Gạo nếp: Nên ngâm trước vài tiếng, sau đó nấu với tỷ lệ 1:1.1.

Một mẹo dân gian là “dò nước bằng ngón tay”: khi gạo đã dàn phẳng trong nồi, mực nước cao hơn mặt gạo khoảng 1 đốt ngón tay trỏ là hợp lý với gạo tẻ.

Mặc dù như vậy nhưng hiện tại có nhiều giống gạo khác nhau, mỗi loại cũng sẽ có nhu cầu nước không như nhau. Vì thế bạn cần hỏi người bán trước khi nấu nhé.

5. Thêm một nhúm muối - giúp cơm đậm đà và không bị bết

Khi nấu cơm, bạn có thể cho thêm một xíu muối vào, điều này sẽ giúp:

- Làm cơm đậm đà, dậy mùi tự nhiên.

- Hạt cơm trắng hơn, không bị xỉn màu.

- Giúp cơm không bết dính và đứng hạt.

- Ngoài muối, cũng có thể thử thay bằng một lát gừng nhỏ hoặc ít rượu trắng nếu nấu gạo cũ để khử mùi và tăng độ thơm.

6. Thêm lá dứa hoặc gừng - tạo hương cơm nhẹ nhàng, tự nhiên

Thỉnh thoảng, bạn muốn nồi cơm có một mùi thơm thoang thoảng tự nhiên, hãy thử:

- Một nhánh lá dứa rửa sạch, thắt gọn, thả vào nồi. Khi cơm chín, hương thơm dịu dàng lan tỏa như trong cơm nếp ngoài chợ.

- Một lát gừng đập dập: Giúp khử mùi tanh nếu ăn kèm cá, thịt kho. Rất thích hợp vào mùa mưa. Đây là mẹo nhỏ nhưng sẽ khiến bữa cơm trở nên hấp dẫn và đặc biệt hơn.

7. Không mở nắp ngay khi cơm vừa chín

Một sai lầm thường thấy là nôn nóng mở vung ngay khi nồi cơm nhảy sang chế độ “warm”. Việc này làm hơi nước thoát ra đột ngột, hạt cơm chưa kịp “thở”, dễ khô cứng hoặc dính lại với nhau.

Sau khi cơm chín, nên để ủ thêm 5-10 phút trong nồi, để hơi nóng tỏa đều lại lần cuối. Khi mở ra, dùng muôi xới nhẹ từ dưới lên, bạn sẽ có nồi cơm mềm, tơi và thơm.

8. Nấu cơm cháy ngon - nên dùng nồi gang hoặc nồi đất

Bạn mê cơm cháy giòn thơm như ở các quán cơm niêu? Hãy thử nấu cơm bằng nồi gang hoặc nồi đất, đặt lên bếp gas hoặc bếp củi. Khi cơm gần chín, giảm lửa xuống mức nhỏ nhất, để thêm 5-7 phút. Hơi nóng làm tạo ra lớp cơm cháy vàng đều ở đáy, giòn rụm mà không khét.

Cơm cháy có thể ăn kèm mắm hành, mắm ruốc, hoặc chà bông, vừa dân dã vừa đậm đà khó quên.

Nấu cơm ngon không hề khó, chỉ cần để ý một chút từ những bước đầu tiên: cách vo gạo, canh nước, đến cách ủ cơm sau khi chín. Những mẹo trên không phải là điều gì mới mẻ, nhưng khi kết hợp lại đúng cách, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng trong từng bữa ăn.

MINH NGỌC