Ma Ya là một cô gái sinh năm 2000 đến từ Nam Kinh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành khoa học thú y tại Đại học Cambridge ở Anh vào năm ngoái, cô đã ứng tuyển vào Sở thú Thượng Hải và trở thành một nhân viên chăm sóc động vật.
Cô cho biết mình rất thích làm việc với động vật và quen với mùi của chúng, công việc chăm sóc động vật này rất thách thức. Lựa chọn của cô đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Những người ủng hộ ca ngợi cô theo đuổi đam mê, trong khi những người khác cho rằng tốt nghiệp từ một trường đại học hàng đầu mà về chăm sóc động vật thì quả là lãng phí tài năng.
Tranh cãi "Thạc sĩ Cambridge làm nhân viên chăm sóc động vật" thực chất là sự hình dung rập khuôn của xã hội về con đường sự nghiệp của những người có trình độ học vấn cao. Theo quan niệm truyền thống, sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng nên theo đuổi những nghề nghiệp danh giá và được trả lương cao hơn như tài chính, nghiên cứu khoa học hoặc quản lý doanh nghiệp. Trong khi đó, những công việc như nhân viên chăm sóc động vật thường bị gắn mác "hàm lượng kỹ thuật thấp", "lao động đơn giản"...

Ma Ya đang huấn luyện động vật.
Trên thực tế, định kiến này đã ràng buộc giá trị nghề nghiệp với trình độ học vấn một cách cưỡng ép, bỏ qua tính đa dạng của sở thích cá nhân, sự phù hợp chuyên môn và nhu cầu xã hội. Lựa chọn của Ma Ya không hề "tùy hứng".
Cô gái này học ngành khoa học sinh học tại Imperial College London và thạc sĩ tại Cambridge với chuyên ngành khoa học thú y. Con đường học vấn của cô luôn xoay quanh tình yêu với động vật.
Trong thời gian làm việc tại một công ty dược sinh học, Ma Ya nhận ra mình khao khát được tiếp xúc trực tiếp với động vật hơn, làm "nghiên cứu khoa học bàn giấy" không bằng làm công việc thực tiễn tuyến đầu. Công việc tại Sở thú Thượng Hải đáp ứng đúng kỳ vọng nghề nghiệp của cô, cho phép kiến thức chuyên môn của cô bén rễ trong thực tiễn của sở thú.
So với nhiều người theo đuổi lý trí sinh tồn "tiền nhiều việc ít gần nhà", thế hệ sinh sau 2000 như Ma Ya coi trọng sự tự hiện thực hóa những gì mình thích hơn. Việc cô từ bỏ công việc văn phòng tại một công ty dược sinh học và chọn sống chung với động vật ngày đêm phản ánh sự thay đổi thái độ nghề nghiệp của thế hệ trẻ.
Ma Ya cho biết, mỗi ngày ở sở thú cô đều "tràn đầy mong đợi". Sự va chạm giữa lý thuyết và thực tiễn, quá trình xây dựng lòng tin với động vật khiến cô ấy cảm nhận được sức sống tươi mới của nghề nghiệp.
Sự nghi ngờ của một bộ phận người đối với Ma Ya giống với trường hợp Lu Buxuan, sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh từng bị chế giễu khi bán thịt lợn cách đây 20 năm. Ngày nay, thương hiệu của ông đã nổi tiếng khắp cả nước, là minh chứng cho thấy đánh giá giá trị nghề nghiệp cần phải có tầm nhìn xa, góc nhìn thực dụng ngắn hạn không thể đo lường được tiềm năng của nghề nghiệp.
Giáo dục không phải là sản xuất hàng loạt "tinh hoa" đáp ứng các tiêu chuẩn thế tục mà là nuôi dưỡng những cá nhân có thể tư duy độc lập và dũng cảm khám phá. Vì vậy, "Thạc sĩ Cambridge" không phải là xiềng xích để "phải thành công" mà là mang lại sự tự do có thể có nhiều lựa chọn hơn cho Ma Ya.
Thay vì vướng mắc vào việc "tài năng có bị lãng phí hay không", hãy suy nghĩ về việc "tài năng" được sử dụng như thế nào. Có lẽ, khi "tôi thích" trở thành sự đồng thuận, tranh cãi về "dùng dao mổ trâu giết gà" sẽ tan biến và một kỷ nguyên tôn trọng sự đa dạng, bao dung tình yêu và thực sự tôn trọng giá trị cá nhân sẽ thực sự đến.
BẢO BẢO