Ở Sài Gòn có một xe trái cây đặc biệt, khách tự đến cân, tự trả tiền để đổi lấy nụ cười nồng hậu của cụ bà U90

Google News

Ở độ tuổi xế chiều nhưng cụ bà U90 vẫn cần mẫn mưu sinh với chiếc xe trái cây nặng trĩu. Điều đặc biệt hơn, chính sự dễ thương, nồng hậu của bà khiến những vị khách xa lạ khi ghé lại tự tay thực hiện hết mọi thứ từ việc cân ký, trả tiền...

Khách đến tự lấy, tự cân, tự tính tiền

Nép mình ở góc đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú), một hình ảnh thân thuộc đã trở thành dấu ấn của khu phố này. Đó là bà Nguyễn Thị Út (83 tuổi, quê Đồng Tháp) - người phụ nữ nhỏ bé với đôi mắt mờ đục nhưng trái tim thì sáng ngời tình yêu thương. Ở tuổi 83, thay vì nghỉ ngơi quây quần bên con cháu, bà lại miệt mài mưu sinh giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp bằng chiếc xe trái cây đã nhuốm màu cũ kỹ. 

Cuộc sống của bà Út chỉ gói gọn trong chiếc xe trái cây đã mua từ 3 năm trước, đây là công cụ mưu sinh giúp bạn kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống giữa Sài Gòn hoa lệ. 

Dù thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng bà vẫn miệt mài, bởi đối với bà, lao động là cách để duy trì cuộc sống và giúp đỡ những người khó khăn khác.

Trước đây, bà từng đảm nhận việc trông trẻ ở dưới quê, có khi một mình lo tới 10 đứa trẻ nhưng do tuổi già sức yếu, không còn đủ sức để làm việc nên bà đành rời nơi chôn nhau cắt rốn, chọn Sài Gòn hoa lệ để mưu sinh.

Thấy hoàn cảnh cụ bà khó khăn, những người thân quen cũng tạo điều kiện cho bà kiếm thêm thu nhập. Họ hái trái cây tại vườn nhà ở Tiền Giang, Vĩnh Long sau đó gửi lên thành phố cho bà Út bán. 

Từ sau Tết, tình hình kinh doanh hẩm hiu, có ngày chẳng bán được 100.000 đồng, bà Út thở dài: “Mấy nay ế lắm, ai đi ngang tôi cũng mời nhưng ai cũng lắc đầu từ chối nhưng chẳng biết phải làm sao…”. Những ngày ế ẩm, bà sống gói ghém, tiết kiệm hơn và sống dựa vào tình yêu thương của bà con, chòm xóm. 

Có những hôm trái gió trở trời, toàn thân ê nhức nhưng cuộc sống một mình tại thành phố tập nập không khiến bà dừng lại. Bà vẫn đều đặn đẩy chiếc xe cũ kỹ, cất tiếng rao khắp các con phố để buôn bán trái cây.

Hằng ngày từ khi trời tờ mờ sáng, bà lại đẩy chiếc xe trái cây nặng trĩu, lầm lũi qua các con phố, mời chào từng người khách với giọng miền Tây ngọt ngào. “Ăn gì không con, hôm nay trái cây của ngoại ngon, ngọt dữ lắm”, lời mời đầy tình cảm, chất phác như người bà chào đón đưa cháu cưng trở về từ phương xa.

Ở độ tuổi của bà, đôi mắt đã chẳng còn tinh tường, chữ thấy chữ không. Vì vậy, phong cách buôn bán của bà cũng thật lạ lùng mà cảm động. Khách tự đến mua, tự cân, tự trả tiền. Đôi khi, khách phải tự tính cả tiền thừa. Hỏi ra mới biết, bà không còn đủ sức khỏe để nhìn rõ từng mệnh giá tiền, cũng chẳng đủ minh mẫn để đếm từng tờ tiền cho đúng.

“Thỉnh thoảng, tôi cũng bị người ta lén lấy trái cây hay quỵt tiền. Buồn chứ, nhưng mình tập buông bỏ cho nhẹ lòng. Hầu hết người mua đều thật thà, thương tôi lắm. Họ sợ tôi xách nặng nên toàn tự cân, tự trả tiền, thậm chí còn cho thêm” - bà Út kể giọng nghẹn ngào.

Cả cuộc đời sống chỉ để cho đi… 

Cuộc sống của bà Út là những ngày mưa nắng vất vả. Khi trời mưa, nếu chạy kịp thì bà còn tìm được chỗ trú, chậm chân một chút là cả người cả hàng ướt sũng. Có những ngày may mắn được người ta cho đồ ăn từ thiện, bà lại chia sẻ cho những ai còn khó khăn hơn mình. 

Đến bộ quần áo đang mặc trên người bà cũng chỉ là sự kết hợp của những mảnh vải cũ xin được, tự may lấy để tiết kiệm. Nhưng không chỉ may cho mình, bà còn miệt mài may áo gửi tặng những người nghèo khó. Khi biết bà Út chuyên may quần áo cho người nghèo, nhiều người chủ động tặng vải thừa để bà làm việc thiện.

Tuy cuộc sống khó khăn là thế nhưng đối với bà Út: "Sống là để cho đi". Cụ bà sẵn sàng cho đi tất cả, dù cuộc sống chẳng dư dả nhưng vẫn luôn làm điều thiện, sẵn sàng may từng chiếc áo bằng đôi tay run cầm cập do ảnh hưởng của tuổi già.

Trung bình một ngày, bà Út phải đẩy chiếc xe trái cây nặng nề đi hơn 10km, đôi chân nhức mỏi, rã rời cả đêm. Những cơn đau âm ỉ kéo dài chẳng ngừng nghỉ, như những vết hằn khắc sâu vào tuổi già cô đơn.

Có những ngày bất trắc ập đến như thử thách thêm lòng kiên cường của bà. Tháng trước, bà bị một tay lái xỉn rượu tông trúng giữa đường. Cú ngã như trời giáng khiến đôi lưng già ê ẩm, đau nhói từng đêm. Gần cả tuần bà phải nằm nhà, cố gắng hồi phục từng chút một. Khi tình trạng ổn định hơn, bà lại gượng dậy, nén cơn đau mà đẩy chiếc xe quen thuộc tiếp tục hành trình mưu sinh.

Dù khó khăn vất vả nhưng nụ cười trên môi bà Út vẫn còn đó, vẫn luôn rạng rỡ khi có khách ghé thăm.

Người phụ nữ bé nhỏ ấy đã dành cả cuộc đời mình để cho đi. Bà sẵn sàng tặng đi những gì ít ỏi mình có, dù là phần ăn từ thiện hay chiếc áo bà tự tay may. Cụ bà xúc động tâm sự: “Tôi chỉ mong mình đủ sức khỏe để tiếp tục bán trái cây, tự nuôi sống bản thân. Khi nào mệt quá thì dừng lại…”.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Út vẫn một mình lầm lũi với chiếc xe trái cây nặng trĩu, vẫn kiên cường đứng giữa dòng đời tấp nập, vẫn đều đặn dành tình thương của mình cho những mảnh đời còn khó khăn…

TẤN PHƯỚC