Tagom: Khi cộng đồng cùng nhau gom rác
Thành lập từ 6/2022, một nhóm các bạn trẻ yêu môi trường tại Hà Nội đã thành lập hội thu gom và tái chế rác thải mang tên Tagom. Thông qua các hoạt động thiết thực của mình, nhóm Tagom mong muốn thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn, qua đó hướng tới xây dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm và lối sống bền vững hơn cho cộng đồng.
Ban đầu, nhóm tập trung thu gom các loại rác khó xử lý như pin, thủy tinh vỡ, bóng đèn hỏng… Sau đó, Tagom bắt đầu tổ chức hoạt động “đổi rác lấy quà” để khuyến khích người dân tham gia.

Để có thêm nhiều người biết đến hoạt động thu gom rác độc hại, Tagom đã lập fanpage để thông tin về hoạt động của nhóm đến cộng đồng, đồng thời đưa những thông tin về các rác độc hại, cách xử lý, phân loại.
Năm 2023, Tagom đã tổ chức thành công các ngày hội thu gom tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương, thu về gần 2 tấn rác thải chỉ trong 12 ngày. Sang năm 2024, nhóm mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức chương trình thu gom kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức về rác thải nguy hại.
Ngoài thu gom và tái chế rác, Tagom còn phối hợp với các câu lạc bộ, đội nhóm môi trường tại các trường đại học, quận, huyện nhằm tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức, từ đó mở rộng mô hình ra nhiều địa phương. Với rác dễ tái chế như chai nhựa, vỏ hộp, giấy báo, họ gửi trực tiếp đến nhà máy tái chế. Rác có thể tái sử dụng được chuyển cho các tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ cộng đồng khó khăn, còn rác khó tái chế thì đưa đến nhà máy xử lý hoặc sáng tạo thành sản phẩm giá trị.
Mặc dù gặp khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất, Tagom vẫn duy trì hoạt động nhờ tinh thần nhiệt huyết của các thành viên và mạng lưới hơn 1.000 tình nguyện viên trên khắp cả nước.
Hòa nhập xanh: Những thanh niên “tàn nhưng không phế”
Được thành lập vào tháng 5/2019 tại Đà Nẵng, nhóm Hòa nhập xanh khi ấy chỉ có 5 thành viên là người khuyết tật. Dù mỗi người một việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng cứ đến chủ nhật, mọi người lại cùng nhau có mặt tại những điểm nóng về rác thải trên địa bàn thành phố để dọn rác, giúp môi trường xanh sạch đẹp. Từ bãi biển Mân Thái, biển Nguyễn Tất Thành đến cảng cá Thọ Quang… cứ nơi nào có rác thì nhóm Hòa nhập xanh lại có mặt.
Hòa nhập xanh là nhóm thiện nguyện do anh Mai Huỳnh Quốc Thống (SN 1988) - một người khuyết tật tại Đà Nẵng sáng lập, với mong muốn người khuyết tật không chỉ hòa nhập cộng đồng mà còn có thể góp phần bảo vệ môi trường. Với phương châm "Tàn nhưng không phế", nhóm tập hợp những người khuyết tật cùng thực hiện hoạt động nhặt rác, làm sạch các bãi biển và khu vực công cộng.

Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức và tham gia hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng ở Đà Nẵng.
Hàng tấn rác đã được nhóm nhặt, đưa về đúng nơi tập kết để mang đi xử lý. Riêng những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa… sẽ được thu gom bán, gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện khác.
Suốt hành trình hơn 5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển hay những nguy hiểm tại khu vực chứa rác thải, nhưng mọi người đều hỗ trợ, nhắc nhở nhau để bảo vệ bản thân, đạt hiệu quả tốt nhất khi làm việc. Sau mỗi buổi nhặt rác, nhóm thường tập trung tại công viên để sinh hoạt và ca hát. Họ thật sự gắn kết, trở thành những người bạn, người anh em cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường.
Cũ Đổi Xanh: “Phù phép” biến dầu ăn thành xà phòng ngát hương thơm
Dự án Cũ Đổi Xanh được thành lập bởi Đặng Quốc Huy - sinh viên trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường. Từ tháng 6/2024 đến nay, nhóm đã tổ chức hơn 15 hoạt động liên quan đến chủ đề sống xanh, bảo vệ môi trường và thu hút hơn 5.000 người tham gia. Dự án Cũ Đổi Xanh đã đạt được thành tựu ngoài mong đợi như thu gom hơn 5.000 viên pin, 1.000 chai nhựa, 1.000 cuốn sách, 50kg túi nylon và 50kg quần áo cũ…

Dầu ăn thừa sau khi lọc, trải qua các bước xử lý tạp chất, khử mùi… nhóm sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tạo thành những bánh xà phòng.
Trong số đó, dự án tái chế dầu ăn thừa đã qua sử dụng tạo ấn tượng với cộng đồng khi nhóm bạn trẻ có thể biến nguồn nguyên liệu tưởng chừng đã không thể sử dụng trở thành xà phòng ngát hương thơm.
Không chỉ thế, nhóm còn tổ chức các Workshop sống xanh để người tham gia có thể tìm hiểu các bước tự tay chế tạo xà phòng bằng dầu ăn thừa ngay tại nhà. Từ đó, giảm thiểu tối đa lượng dầu ăn đã qua sử dụng thải ra môi trường.
Trong tương lai, nhóm vẫn tiếp tục hoạt động với mục tiêu ban đầu là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung. Ngoài ra, nhóm sẽ tập trung hướng về giáo dục, nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa và vi nhựa thông qua những buổi Workshop, gian hàng lưu động tại các trường đại học.
Hiệp sĩ ve chai Tây Đô: Xuyên đêm nhặt rác giúp đỡ cộng đồng
Hiệp sĩ ve chai Tây Đô là nhóm thiện nguyện do ba bạn trẻ Nguyễn Phú Khang, Châu Thị Phương Thảo và Đinh Thị Hồng Ngân thành lập tại TP.Cần Thơ năm 2023, với mục tiêu bảo vệ môi trường và san sẻ yêu thương. Bắt đầu bằng việc thu gom ve chai từ các tuyến đường đông đúc mỗi tối, nhóm không chỉ giúp làm sạch môi trường mà còn trao tận tay chai nhựa, vỏ lon cho những người lớn tuổi mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai.

Dòng chữ "Hãy trao cho tôi chai nhựa, vỏ lon, tôi sẽ thay bạn mang đến nụ cười" trên xe đạp của nhóm đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân Cần Thơ.
Bên cạnh hoạt động nhặt rác, nhóm còn thành lập "quỹ ve chai" để hỗ trợ nhu yếu phẩm, trao lì xì và tổ chức các bữa ăn 0 đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí chủ yếu do các thành viên tự đóng góp cùng sự hỗ trợ từ mạnh thường quân. Không chỉ dừng ở hành động bảo vệ môi trường, nhóm còn dành thời gian lắng nghe, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa sự tử tế và tình yêu thương tới cộng đồng.
Suốt hai năm qua, hành trình bền bỉ của nhóm đã góp phần thay đổi diện mạo các khu phố, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và truyền cảm hứng sống xanh. Với phương châm xuất phát từ những việc nhỏ nhất, nhóm mong muốn ngày càng có nhiều người cùng chung tay hành động, góp sức xây dựng cộng đồng văn minh, nhân ái. Dù vẫn chỉ duy trì ba thành viên, nhóm hiệp sĩ ve chai Tây Đô tiếp tục miệt mài mỗi đêm gom rác, góp yêu thương, thắp sáng những giá trị tích cực trong đời sống xã hội.
Dù chỉ hoạt động âm thầm, những nhóm bạn trẻ như Tagom, Hòa nhập xanh, Cũ Đổi Xanh hay Hiệp sĩ ve chai Tây Đô và rất nhiều hội nhóm yêu thiên nhiên khác vẫn đang bền bỉ thắp lên những ngọn lửa nhỏ vì môi trường. Từ hành động giản dị như nhặt rác, tái chế dầu thừa đến việc sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, họ không chỉ lan tỏa lối sống xanh mà còn truyền cảm hứng tích cực cho cả cộng đồng.
TẤN PHƯỚC