Nhóm bạn trẻ ở Hà Nội "hô biến" rác thải thành sản phẩm handmade, nhắn nhủ mọi người đều có thể là Dũng sĩ tái chế

Google News

Chai nhựa biến thành lọ hoa, vỏ mì tôm được đan thành những chiếc đĩa, quần áo cũ trở thành túi xách,... đó đều là những ý tưởng biến rác thải sinh hoạt thành các sản phẩm hữu dụng mà nhóm Dũng sĩ tái chế tại Hà Nội đã và đang thực hiện.

Ra đời từ năm 2018 ở Hà Nội, nhóm các bạn trẻ yêu môi trường có tên gọi đặc biệt là Dũng sĩ tái chế đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như trồng cây xanh, thu gom rác thải, Điểm đọc Việt Nam, Chạy bộ và làm sạch đường phố. Tất cả các hoạt động được nhóm thực hiện đều mang mục đích mong muốn lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng. Bên cạnh đó, nhóm còn tổ chức sự kiện, tọa đàm với chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, sống xanh, tái chế,… để cung cấp thêm thông tin hữu ích, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa. 

Những “bãi rác hạnh phúc” của tình yêu môi trường

Thủ lĩnh của Dũng sĩ tái chế là chị Cao Thị Sao Mai (SN 1998), thành lập nhóm với hi vọng mỗi con người trong xã hội đều có thể tự làm cuộc sống của mình xanh sạch đẹp hơn bằng hành động thiết thực. Tiêu biểu là thu gom rác và tái chế. 

Nhóm Dũng sĩ tái chế thực hiện hoạt động nhặt rác bảo vệ môi trường

Chị Mai cho biết, khi mới lập nhóm, cứ vào thời gian rảnh, các thành viên trong nhóm lại tổ chức đi thu gom, nhặt từng vỏ gói mì ăn liền, bìa carton, vỏ chai bia, quần áo cũ... vừa làm sạch môi trường vừa có nguyên liệu để tái chế. Từ những vật liệu phế thải thu gom được, nhóm Dũng sĩ tái chế sáng tạo thành nhiều mặt hàng “handmade” rất đa dạng. 

Những tấm vải cũ, nhóm có thể may thành túi gối, ví, khăn, quần áo hay sản phẩm làm từ chai lọ cũ có thể biến hóa thành bình hoa, hộp đựng bút, quà lưu niệm,... Mỗi sản phẩm tái chế ra đời là cách nhóm tạo vòng đời mới cho rác thải. 

Nhiều hoạt động của nhóm được cộng đồng ủng hộ

Sau mỗi đợt thu gom, văn phòng của tụi mình trông giống như một nhà kho tràn ngập phế liệu, rác thải. Nhưng bằng ý tưởng và hành động, những phế liệu đó đã trở thành mặt hàng có ích trong cuộc sống, góp phần giảm bớt gánh nặng cho môi trường nên các thành viên nhóm vẫn tự hào gọi văn phòng là “bãi rác hạnh phúc”, chị Mai vui vẻ nói.

Không chỉ biến rác thải thành những vật dụng có ích, nhóm còn tìm đầu ra cho sản phẩm để gây quỹ từ thiện. Nhóm đã kết nối với các quán cà phê, điểm du lịch lớn để có thể đặt các sản phẩm của mình, bày bán cho khách du lịch. 

Phòng làm việc của các bạn trẻ yêu môi trường

Những sản phẩm này sẽ được bán với giá rất bình dân, sản phẩm đơn giản khoảng 30.000 đến 40.000 đồng, còn những sản phẩm tốn kém thời gian, tỉ mỉ hơn sẽ bán cao hơn, với mức trung bình 250.000đ/cái. Một phần lớn chi phí thu được sẽ dùng để gây quỹ mở những thư viện sách miễn phí trên cả nước thông qua dự án Điểm đọc Việt Nam và đào tạo những Đại sứ môi trường.

Vượt qua khó khăn để gửi gắm thông điệp sống xanh 

Thời gian đầu, nhóm Dũng sĩ tái chế gặp nhiều khó khăn về nhân lực, việc thu gom rác thải, chi phí vận chuyển các chai thủy tinh, nơi để đồ,… đặc biệt là cách tạo ra các sản phẩm tái chế sao cho đẹp và được nhiều người đón nhận. Nhóm đã cùng nhau thử nghiệm và cải tiến dần sản phẩm.

Nhóm tích cực tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Bằng tình yêu môi trường, sự quyết tâm đồng sức đồng lòng của các thành viên trong nhóm, Dũng sĩ tái chế luôn đặt mục tiêu cho các hoạt động cần phải duy trì "đúng, đều, đủ" để trở thành thói quen cho cộng đồng. 

Sau thời gian hoạt động, nhóm đã có nhiều thành viên nòng cốt, chủ yếu là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và rất nhiều cộng tác viên. Nhóm cũng hoạt động chuyên nghiệp hơn với hoạt động nổi bật là Chạy bộ và làm sạch đường phố. Ngoài ra, nhóm còn kết hợp cùng các đơn vị tổ chức các buổi workshop tái chế, vẽ tranh bằng lá, các hoạt động tuyên truyền lan tỏa kiến thức về việc bảo vệ môi trường.

Nhóm thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa thông qua việc tái chế rác thải

Trong tương lai, nhóm mong muốn ngoài những hoạt động hiện tại, nhóm còn có thể kêu gọi cộng đồng chung tay để trồng cây gây rừng, giúp phủ xanh đồi trọc, góp phần tạo thêm sự trong lành cho bầu khí quyển. Với Dũng sĩ tái chế, mỗi người chúng ta đều có thể trở thành "dũng sĩ" và tất cả những việc làm thiết thực ấy đều mang một mục đích là lan tỏa tới mọi người lối xanh, sống sạch và sống đẹp. 

THẢO ANH