Món bánh nhà nghèo xưa ăn “cứu đói”, nay lên đời thành đặc sản người thành phố "săn lùng", tốt cho sức khoẻ

Google News

Bánh sắn nướng giờ đây thành đặc sản được người thành phố ưa chuộng, vừa ngon vừa có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.

Từ bao đời nay, củ sắn đã trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt ở cả ba miền. Là loại củ dân dã, gắn liền với hình ảnh làng quê, sắn từng là “cứu cánh” trong những ngày khó khăn, khi bữa cơm độn sắn là điều quá đỗi quen thuộc.

Không chỉ được dùng để độn cơm, sắn còn được sáng tạo thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó có món bánh sắn, một đặc sản gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em nông thôn. Củ sắn sau khi luộc chín được nghiền nhuyễn, trộn cùng đậu xanh, dừa nạo rồi đem hấp, tạo nên món bánh dẻo mềm, thơm bùi, đậm đà hương vị quê nhà. 

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, bánh sắn đã "hồi sinh" mạnh mẽ và trở thành món ăn vặt quen thuộc trên khắp các con phố Hà Nội. Đặc biệt, ở gần các trường đại học hay khu văn phòng, hình ảnh những chiếc xe hàng rong bày bán bánh sắn nướng không còn xa lạ. Khi tiết trời se lạnh, nồi bánh sắn nóng hổi nghi ngút khói lại càng thu hút đông đảo sinh viên và dân văn phòng ghé mua.

Trên chợ mạng, bánh sắn đã được hấp hoặc nướng sắn, được bán theo chục. Khách mua về có thể bảo quản trong ngăn đá, lúc nào ăn thì mang ra nướng lại, vô cùng tiện lợi. Trên thị trường, bánh sắn được bán với giá khoảng 80.000 đồng/chục.

Bánh sắn giờ đây không chỉ là món ăn gợi nhớ ký ức xưa cũ, mà còn là một phần của ẩm thực đường phố đầy hấp dẫn, nhờ sự kết hợp tinh tế giữa vị dẻo dai của sắn, vị ngọt bùi của đậu xanh, béo ngậy của dừa và mùi thơm dễ chịu từ những nguyên liệu tự nhiên, mộc mạc.

Được làm từ nguyên liệu chính là củ sắn, bánh sắn có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ. Sắn là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin C, kali, folate và đồng. Sắn cũng chứa một lượng nhỏ chất dinh dưỡng như magiê, kẽm và chất xơ.

Những tác dụng của củ sắn:

Hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón

Một trong những nguyên nhân chính gây táo bón là do thiếu chất xơ trong khẩu phần ăn. Củ sắn là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, từ đó cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, củ sắn còn có khả năng hỗ trợ điều hòa đường huyết, góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Củ sắn có thành phần mang tính kiềm nhẹ, tương tự như bazơ, giúp trung hòa axit dạ dày. Nhờ đó, sắn có thể làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm tiết axit và phòng ngừa các bệnh lý như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày. Vì vậy, bổ sung sắn vào chế độ ăn uống hằng ngày có thể góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.

Kháng viêm tự nhiên 

Củ sắn được làm thành nhiều món ăn ngon

Một điểm cộng khác của sắn là khả năng chống viêm. Theo một nghiên cứu năm 2018, những người bổ sung nhiều chất xơ mỗi ngày có nồng độ cao hơn của axit indolepropionic – một chất chống viêm được tạo ra bởi lợi khuẩn trong ruột. Điều này cho thấy sắn góp phần giảm viêm từ bên trong cơ thể.

Ổn định đường huyết 

Sắn chứa loại tinh bột kháng – loại tinh bột không bị tiêu hóa hoàn toàn. Điều này giúp cải thiện độ nhạy insulin, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn, rất hữu ích cho người muốn giữ mức đường huyết ổn định.

Tăng cường năng lượng 

Với hàm lượng calo cao và giá thành rẻ, sắn là nguồn cung cấp năng lượng chính ở nhiều khu vực nhiệt đới. So với các loại rau củ khác, sắn có thể chứa nhiều hơn từ 50% đến 100% lượng calo, rất phù hợp cho người cần bổ sung năng lượng.

Hỗ trợ quản lý cân nặng 

Nhờ lượng chất xơ dồi dào, sắn giúp kéo dài cảm giác no, từ đó hạn chế thói quen ăn vặt hay tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh. Đây là một trợ thủ đắc lực trong quá trình kiểm soát cân nặng lành mạnh.

Làm đẹp tóc và da 

Sắn chứa nhiều vitamin C – dưỡng chất cần thiết để cơ thể sản sinh collagen, giúp duy trì cấu trúc da, tóc, xương và cơ. Vitamin C cũng hỗ trợ tóc chắc khỏe hơn bằng cách nuôi dưỡng các nang tóc từ sâu bên trong.

Những lưu ý khi ăn củ sắn

Thực tế cho thấy, các trường hợp ngộ độc sắn thường xảy ra khi ăn sắn sống, sắn nướng hoặc luộc chưa chín kỹ, ăn sắn còn vỏ, ăn khi đói hoặc ăn với số lượng lớn. Nguy cơ ngộ độc càng tăng nếu sắn không được ngâm và chế biến đúng cách. Vì vậy, để loại bỏ độc tố trong sắn, cần chú ý thực hiện các bước sau:

Khi mua sắn về, cần rửa sạch đất cát và gọt bỏ lớp vỏ hồng bên ngoài. Sau đó, nên ngâm sắn trong nước sạch ít nhất vài giờ, càng lâu càng tốt, và thay nước thường xuyên. Ngâm sắn bằng nước vo gạo cũng là một cách hiệu quả để giảm độc tố. Khi nấu, hấp hoặc luộc sắn, cần mở nắp nồi để các chất độc có thể thoát ra ngoài.

Khi ăn, nên chấm sắn với đường hoặc mật để giúp trung hòa độc tố. Nếu sắn có vị đắng, nên bỏ đi, vì vị đắng cho thấy hàm lượng axít cyanhydric cao – chất gây ngộ độc nguy hiểm.

Không nên ăn nhiều sắn khi đang đói, và tránh ăn sắn vào buổi tối vì nếu xảy ra ngộ độc trong lúc ngủ sẽ khó phát hiện. Trẻ nhỏ cũng không nên ăn sắn do dễ bị ngộ độc và các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn so với người lớn.

H.A