Đâu là giai đoạn cần đặc biệt lưu ý để giúp trẻ tăng cân? Chuyên gia chỉ bí quyết

Google News

Khi chăm sóc trẻ nhỏ, vấn đề cân nặng luôn được các mẹ quan tâm nhiều nhất, bởi nếu trẻ không hoặc chậm tăng cân điều đó cũng chứng tỏ việc chăm sóc chưa tốt và không khoa học.

Mẹ lo cuống cuồng vì con nhẹ cân hơn các bạn cùng lớp

Với nhiều gia đình có con nhỏ, khi cân nặng của con không bằng các bạn cùng trang lứa là lo lắng, tìm mọi cách để giúp con tăng cân. Tuy nhiên, việc làm này đôi khi sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Chị Minh Thu (ở Hà Nội) có con trai 30 tháng tuổi chia sẻ rằng, ngay từ khi mang thai, chị đã bổ sung dinh dưỡng rất tốt, ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng cho thai nhi, dùng nhiều loại sữa tốt, vì thế con chị chào đời nặng 3.6kg, rất khỏe mạnh và bụ bẫm.

Rất nhiều mẹ thấy con nhẹ cân hơn các bạn cùng trang lứa nên lo lắng tìm mọi cách tăng cân cho con. Ảnh minh họa. 

Suốt thời điểm sơ sinh, chị và gia đình chăm sóc rất tốt, con lên cân đều và so với các bạn cùng tuổi luôn có sự vượt trội về ngoại hình, rất ít ốm vặt. Thế nhưng, từ khi con chị Thu được 24 tháng, đi học mầm non thì tăng cân chậm. “Điều mừng nhất là cháu không bị ốm”, chị Thu nói và thêm rằng, hiện cháu 30 tháng nhưng chỉ được 12kg, trong khi các bạn được 14 đến 15kg khiến gia đình rất sốt ruột.

Người mẹ này cũng cho biết, con chị đang ở trong “giai đoạn vàng” để phát triển cân nặng, giúp nâng cao miễn dịch và thể chất nhưng bỗng dưng cân nặng chững lại có thể khiến con ảnh hưởng về sau.

Tôi xem thực đơn ở trường bé thấy món ăn khá đa dạng, đầy đủ nhưng không hiểu sao cháu không tăng cân, nên tôi bổ sung thêm nhiều thực phẩm tốt, sản phẩm dinh dưỡng đắt tiền với mong muốn con có sức khỏe tốt nhất. Nếu không tiến triển có lẽ tôi sẽ đi khám dinh dưỡng”, chị Thu chia sẻ.

Thực sự có “giai đoạn vàng” để giúp trẻ tăng cân?

Theo các chuyên gia, tâm lý của người mẹ trên cũng là tâm lý chung của các gia đình đang nuôi con nhỏ, tuy nhiên việc mong con và tìm mọi cách để con tăng cân đôi khi là “con dao hai lưỡi” khiến sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng. Ví dụ như trường hợp trên, cân nặng của trẻ là 12.5kg ở thời điểm 30 tháng là hợp lý, không bị thừa cũng như thiếu cân. Điều đáng mừng nhất là trẻ không bị ốm vặt, chứng tỏ trẻ có đề kháng và miễn dịch tốt nên không cần phải thúc ép con ăn để tăng cân.

Tuy nhiên, tâm lý bố mẹ lại cho rằng “không bằng con nhà người ta”, sợ cân nặng con tụt lại phía sau nên tìm cách tăng cân. Trong khi ở lứa tuổi đó nếu cân nặng vượt quá 14kg thì cần phải xem xét tình trạng thừa cân, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, các gia đình hãy theo dõi chiều dài/chiều cao, cân nặng của con rồi đối chiếu theo chuẩn tăng trưởng của WHO. Trường hợp, chiều dài/chiều cao và cân nặng của trẻ ở trong ngưỡng bình thường thì không đáng lo ngại, còn nếu ở ngưỡng cảnh báo về suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì thì cần điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và đưa đi khám sớm”, một chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành tư vấn.

Để trẻ phát triển toàn diện cần phải có cả quá trình chăm sóc, chứ không có một giai đoạn vàng để giúp trẻ phát triển cân nặng tối đa. Ảnh minh họa. 

Về vấn đề tăng cân ở trẻ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, không có giai đoạn vàng nào giúp trẻ tăng cân, mà cân nặng của trẻ phải phù hợp với lứa tuổi, chiều cao và muốn biết được điều này thì cần đối chiếu với bảng chuẩn tăng trưởng của WHO để điều chỉnh cho hợp lý. Với trẻ cân nặng thấp hơn tiêu chuẩn có thể do khả năng hấp thu kém, nhiễm giun sán, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp… Còn với trẻ thừa cân so với tiêu chuẩn thì cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn, nhất là các nguồn thực phẩm nạp vào hàng ngày.

Dù không có giai đoạn vàng để trẻ tăng cân, nhưng các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần lưu theo dõi sát cân nặng trẻ trong giai đoạn từ 12 đến 36 tháng (1 đến 3 tuổi). Bởi đây là thời kỳ quan trọng để các cơ quan và não bộ của trẻ hoàn thiện nhằm tích lũy nền móng cho sự phát triển sau này.

Dù đây không phải “giai đoạn vàng” để phát triển cân nặng, nhưng lại là độ tuổi cần lưu ý vì nó mang tính nền tảng cho sự phát triển của trẻ. Theo đó, giai đoạn này trẻ bắt đầu tập đứng khi được 12 tháng, 15 tháng bắt đầu biết đi và 20 tháng tung tăng chạy nhảy đùa nghịch. Các nhóm kỹ năng ngôn ngữ và vận động cũng phát triển mạnh nên sẽ ngốn rất nhiều năng lượng của bé. Vì vậy, trong giai đoạn này, cân nặng sẽ tăng chậm lại so với trước. Nếu mẹ thấy con tăng cân chậm (khoảng 200-300 gram/tháng) thì không nên lo lắng. Chỉ khi nào thấy trẻ vài tháng không tăng cân hoặc cân nặng ở dưới ngưỡng chuẩn theo khuyến cáo của WHO thì hãy đi khám sớm.

Cách giúp trẻ tăng cân bền vững

Viện Dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên rằng, mỗi giai đoạn phát triển của trẻ có một vai trò khác nhau, do vậy việc chăm sóc cần phải đồng bộ cả quá trình, chứ không nên quá tập trung vào giai đoạn nào. Để giúp trẻ phát triển cân nặng ổn định, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Đảm bảo dinh dưỡng tốt cho cả mẹ và bé: Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng. Mẹ và/hoặc trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng của các bé. Do vậy, khi mang thai và cho con bú các mẹ cần được được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ, tránh thiếu hoặc thừa. Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Được khám thai và tư vấn dinh dưỡng định kỳ

Khi trẻ qua giai đoạn bú hoàn toàn bằng sữa mẹ (6 tháng đầu đời) cần có chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng phù hợp với lứa tuổi, nhằm cung cấp đủ năng lượng, cân đối các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo, chất bột đường) và các vitamin, khoáng chất cần thiết để các bé phát triển toàn diện.

Giai đoạn này cần lưu ý đến các thực phẩm giàu chất đạm và canxi như thịt, cá, tôm, cua, trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa và các sản phẩm từ sữa… Việc lựa chọn sữa cũng rất quan trọng, trong đó nên lựa chọn những hãng sữa uy tín, loại sữa phù hợp với trẻ cả về mùi vị và mục đích ví dụ như giúp tăng cân hay tốt cho tiêu hóa.

Ngoài bổ sung đa dạng thực phẩm, việc sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Ảnh minh họa. 

- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong giấc ngủ sâu, cơ thể giải phóng các hormone cần thiết để phát triển. Do đó, ngủ đủ giấc có thể cho phép tăng trưởng tối ưu cả về chiều cao và cân nặng.

- Vận động, thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất bình thường. Ví dụ, chơi ngoài trời hoặc tham gia các môn thể thao có thể giúp xương khỏe mạnh hơn, đặc hơn và chắc khỏe hơn. Điều này còn giúp cho tăng miễn dịch, tiêu hóa tốt hơn, trẻ ăn ngon miệng hơn…

- Thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng: Theo dõi biểu đồ tăng trưởng để biết được sự phát triển của trẻ, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ phát triển cân nặng theo ngưỡng được khuyến cáo, cũng như phát hiện những bất thường và cho đi khám dinh dưỡng kịp thời.

- Tiêm chủng, bổ sung vitamin A và tẩy giun định kỳ: Đây là những giải pháp quan trọng để tăng cường sức đề kháng và phòng chống các bệnh về ký sinh trùng… từ đó giúp bé ít bị bệnh, phát triển toàn diện về thể chất.

LÊ PHƯƠNG.