Xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) được xem là thủ phủ mai vàng của miền Trung. Ở đây có hàng nghìn hộ dân trồng mai, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng triệu cây mai vàng, đặc biệt vào những dịp Tết.
Bên cạnh những chậu mai nhỏ, được bán đại trà thì ở An Nhơn có những nghệ nhân sở hữu những gốc mai cổ thụ có giá trị khủng, lên tới tiền tỷ thu hút sự chú ý của giới chơi cây.
Bonsai mai vàng được người miền Nam ưa chuộng vào dịp Tết
Từ ngàn xưa, người dân Nam Bộ đã xem hoa mai vàng là biểu tượng của xuân về, hình ảnh hoa mai vàng khoa sắc, đâm chồi nảy lộc với hàm ý mong một năm mới nhiều tài lộc và thịnh vượng. Có lẽ vì ý nghĩa phong thuỷ đấy mà mai vàng được nhiều người săn đón về làm cảnh, tô điểm cho không gian sống. Dịp Tết, những cây mai đua nhau nở. Các lễ hội mai vàng cũng được tổ chức để du khách và giới yêu cây có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc nhất vô nhị, dáng thế đẹp mắt.
Ông Nguyễn Xuân Hà (ở An Nhơn) là một trong những nghệ nhân trồng mai vàng nổi tiếng ở đây. Với bàn tay khéo léo, ông Hà đã lai ghép và tạo ra nhiều giống mai vừa đẹp về bông búp, độc đáo về dáng thế, vừa có "lực" nên được nhiều người chơi đánh giá rất cao.
Ông Hà tiết lộ trong vườn mai của ông có khoảng 3.000 chậu, tuổi đời từ 7 năm đến hàng chục năm, nhiều cây giá đến vài trăm triệu đồng. Để tạo được một cây bonsai ưng ý thì rất kỳ công, mất nhiều thời gian.
Bonsai mai vàng khó tạo dáng, đòi hỏi người trồng phải kiên trì và có tâm
"Mai vàng rất khó uốn và tạo dáng thế, vì thế người trồng phải có tâm và kiên trì. Tôi thu mua những cây hỏng, người ta bỏ đi, về cắt hết chi cành, chỉ lấy bộ đế đem trồng và chờ chúng đâm chồi non. Lúc đó tha hồ tạo dáng thế mới, đẹp mắt nhưng mất rất nhiều thời gian mới ra được thành phẩm hoàn hảo", ông Hà nói thêm.
Tại lễ hội mai vàng được tổ chức ở An Nhơn năm 2023, gốc mai vàng cổ thụ thuộc sở hữu của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhất (55 tuổi, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) được trả giá 3,5 tỷ đồng nhưng chủ nhân không đồng ý bán.
Gốc mai của ông Nhất được trả giá 3,5 tỷ đồng
Ông Nhất kể, 3 năm trước ông mua gốc mai này với giá 350 triệu đồng. Khi mới mua cây mai về trồng vào chậu, việc chăm sóc rất tốn công, làm không khéo có khi cây chết. Từ việc bón phân, tưới nước, phun thuốc kích rễ... đều phải làm hết sức cẩn thận.
"Gốc mai cổ thụ này trên 100 tuổi, gốc đế cây mai vững vàng, thân cây xù xì ra dáng cổ thụ, cành tỏa đều nên nhiều người thích. Đã nhiều người tới xem rồi gạ mua với giá tiền tỷ nhưng tôi chưa chốt bán", ông Nhất nói thêm.
Cũng là nghệ nhân trồng mai, ông Đỗ Văn Phẩm (ở An Nhơn) thu về 300 - 500 triệu đồng/năm nhờ trồng cây cảnh này. Từ hộ gia đình nghèo trong xã, đến nay gia đình ông đã xây được nhà khang trang, hoành tráng.
Trong vườn nhà ông Phẩm có vài trăm chậu mai vàng, giá trị mỗi cây rất cao, từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Ông Phẩm tiết lộ ông mê cây cảnh từ năm 20 tuổi, hồi đó ông cũng trồng cây mai vàng bán dịp Tết nhưng ít ai mua. Ông từng nản chí và chuyển sang nghề khác, nhưng sau đó niềm đam mê lại trỗi dậy khi gặp người bạn mua gốc mai với giá một chỉ vàng. Từ đó, ông quay về trồng mai nhưng cũng phải 10 năm sau mới thu hoạch.
Ông Phẩm bên tác phẩm mai vàng trong khu vườn tiền tỷ của mình
Theo ông Phẩm, để có nhiều khách hàng, ông tự học hỏi, sáng tạo ra nhiều dáng thế mai bonsai đẹp mắt, hình dáng độc, lạ giống hình nhiều loài vật, hoặc có bộ đế rất "quái". Một điều quan trọng nữa là khi tạo dáng phải để ý tới yếu tố phong thuỷ với mong muốn mang đến tài lộc cho gia chủ.
Nổi bật trong vườn mai tiền tỷ của ông là hai cây mai ngũ phúc được đặt hai bên trước cửa nhà. Ông cho biết năm 2022 có người trả ông cặp ngũ phúc này 140 triệu đồng, nhưng ông chưa đồng ý bán vì tiếc. Theo ông, nhiều người muốn tậu hai chậu mai này vì dáng thế của cây mang ý nghĩa tài lộc.
H.A