Gấc là giống cây thân thảo dây leo có tên khoa học là Momordica cochinchinensis thuộc họ Cucurbitaceae. Nguồn gốc ban đầu từ các quốc gia Đông Nam Á. Ở nước ta giống cây này khá quen thuộc với người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.

Cây gấc trồng khoảng 4 đến 5 tháng là đã có quả. Cây thường ra hoa vào mùa hè và mùa thu nên mùa đông sẽ là mùa quả chín, có thể thu hoạch được. Quả gấc có nhiều gai, có hình bầu dục, quả thường dài 13 cm với đường kính khoảng 10 cm. Khi còn non, quả gấc có màu xanh và đến khi chín, quả sẽ chuyển sang màu cam, màu đỏ sẫm. Bên trong quả có cùi và hạt gấc màu đen.
Phần ruột của quả gấc có thể dùng để làm nhiều món ăn vừa ngon vừa đẹp mắt như xôi gấc, bánh gấc, mứt gấc, sinh tố gấc, dầu gấc, bò hầm gấc, gà nấu gấc... Trong đó, xôi gấc là phổ biến hơn cả. Đĩa xôi gấc dẻo thơm được nấu từ các loại gạo nếp đặc sản, khi nấu được trộn pha với phần ruột gấc nên khi chín sẽ có mùi thơm nhẹ thoang thoảng của gấc.
Ở các chợ truyền thống hay trên chợ mạng, các cửa hàng đặc sản, quả gấc được bán nguyên quả hoặc đóng gói riêng phần ruột đỏ với giá khoảng 35.000 đồng/kg. Đến mùa, nhiều người mua quả tươi về lấy phần ruột, đem cất vào ngăn đá để dùng dần trong năm. Nếu trồng được gấc trái vụ, giá gấc tươi có thể lên tới 65.000 đồng/kg.

Trong 100g gấc có thể chứa các loại dưỡng chất như sau: Nước: 77g, Năng lượng: 122 Kcal, Protein: 2,1g, Chất đạm: 10,5g, Chất béo: 7,9g, Photpho: 6mg, Vitamin C: 11mg, Beta-Carotene...
Những tác dụng của quả gấc đối với sức khoẻ:
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chất Lycopen trong gấc có khả năng phòng chống ung thư, hạn chế sự phát triển các tế bào ung thư. Không chỉ vậy, gấc còn chứa nhiều chất khác như vitamin E, carotene… làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt…
Chống thiếu máu
Ăn gấc thường xuyên có thể giúp chống lại bệnh thiếu máu vì trong loại quả này có chứa nhiều chất sắt cần thiết cho việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Đồng thời, hàm lượng vitamin C trong gấc sẽ đảm bảo sự hấp thụ sắt tối ưu.
Cải thiện thị lực
Bổ sung gấc vào thực đơn rất có lợi cho việc tăng cường thị lực. Các vitamin, beta carotene và các chất dinh dưỡng khác có trong loại quả này không chỉ giúp cải thiện thị lực mà còn ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể và các tình trạng do thoái hóa điểm vàng như mù lòa ở tuổi già.

Kiểm soát mức cholesterol
Lượng chất xơ có trong gấc là giải pháp tuyệt vời trong việc kiểm soát mức cholesterol. Chất xơ hòa tan sẽ liên kết cholesterol xấu và loại bỏ ra khỏi hệ thống, làm giảm nguy cơ tích tụ mảng bám trong mạch máu. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa một số tình trạng như đột quỵ và đau tim.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Nước gấc giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách ngăn ngừa xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch, đây là nguyên nhân chính gây ra cơn đau tim.
Tốt cho mắt
Uống nước ép gấc thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe của đôi mắt. Nước ép gấc chứa zeaxanthin bảo vệ các mô mắt tránh tiếp xúc với tia cực tím. Zeaxanthin trong nước gấc cũng có thể làm giảm quá trình oxy hóa mô mắt.
Ngoài ra, beta-carotene trong nước gấc giúp duy trì thị lực tốt, đặc biệt là vào ban đêm và làm giảm thiểu nguy cơ mù lòa.
Ngăn ngừa lão hóa
Trong quả gấc có chứa chất chống oxy hóa, nhiều loại vitamin và khoáng chất, giúp duy trì vẻ đẹp tươi trẻ của làn da, làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa lão hóa sớm.
PHÚ NGUYỄN