Ít người biết rằng, thường xuyên khát nước cũng có thể là dấu hiệu mắc ung thư

Google News

Nếu bạn thấy mình thường xuyên khát nước, cơ thể có thể đang cố gắng cảnh báo cho bạn về bệnh tật.

1. Vì sao khát nước là dấu hiệu ung thư?

Ung thư tuyến tụy được mệnh danh là "vua của các loại ung thư "? Vì các triệu chứng ban đầu của bệnh không rõ ràng và thường được phát hiện ở giai đoạn cuối khi bệnh đã trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và gan mật Qian Zhenghong, Đài Loan cho biết ung thư tuyến tụy vẫn có những dấu hiệu cảnh báo. Ngoài các triệu chứng phổ biến như đau bụng trên, đau lưng, vàng da và tiêu chảy, một triệu chứng thường bị bỏ qua là "khát nước", với tỷ lệ khát nước gấp 4,2 lần so với người bình thường, nguyên nhân liên quan đến lượng đường trong máu cao. Thống kê cho thấy 80% bệnh nhân ung thư tuyến tụy có lượng đường trong máu cao.  

Khát nước có thể cảnh báo những nguy cơ sức khỏe. (Ảnh minh họa).

Qian Zhenghong chia sẻ trên trang Facebook của mình, vào năm 2021, các học giả từ Đại học Oxford ở Anh đã phân tích các biểu hiện lâm sàng của 24.000 bệnh nhân ung thư tuyến tụy và tóm tắt 23 triệu chứng liên quan, trong đó ông tin rằng 6 triệu chứng là quan trọng nhất và cần được chú ý đặc biệt. Đó là đau bụng trên, đau lưng, vàng da (mắt vàng, nước tiểu màu nâu), buồn nôn và chán ăn, sụt cân, tiêu chảy và phân có mỡ. Tuy nhiên, có một triệu chứng ít được đề cập trong các nghiên cứu trước đây và dễ bị bỏ qua, đó là "khát nước".

Qian Zhenghong giải thích, khi lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ gặp phải hiện tượng "lợi tiểu tăng thẩm thấu". Khi hàm lượng đường trong nước tiểu tăng cao và thận không thể tái chế, nước và đường sẽ được bài tiết qua nước tiểu. Lúc này, bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều, đó là bệnh tiểu đường. Khi hàm lượng đường trong nước tiểu đặc biệt cao, lượng nước tiểu cũng sẽ đặc biệt lớn, điều này sẽ gây ra tình trạng khát nước.

2. Một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng khát nước

- Đái tháo đường: Người bình thường sẽ đi tiểu từ 4-7 lần trong vòng 24 giờ nhưng khi mắc đái tháo đường, người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần hơn. Nguyên nhân là do bệnh đái tháo đường làm tăng lượng glucose trong máu, thận không thể hấp thu tất cả. Do đó, cơ thể sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn để thải glucose ra ngoài, điều hòa lượng đường huyết trong máu. Khi đi tiểu nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, gây khát. Ngoài ra, nếu đái tháo đường là nguyên nhân gây khát nhiều, người bệnh sẽ cảm thấy các triệu chứng như mệt mỏi, mau đói, nhìn mờ, các vết cắt và bầm chậm lành...

- Đái tháo nhạt: Là tình trạng rối loạn khả năng cân bằng nước trong cơ thể. Lúc này, thận của người bệnh không còn khả năng giữ nước, gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Do đó, người bệnh sẽ khát và muốn uống nhiều nước hơn. Nếu bị đái tháo nhạt, người bệnh dễ rơi vào tình trạng mất nước. Bên cạnh đó, đái tháo nhạt có thể gây khát nước nhiều về đêm, làm tăng nhu cầu tiểu đêm, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

Cần đi kiểm tra nếu cơ thể rơi vào tình trạng khát nước liên tục. (Ảnh minh họa).

- Thiếu máu: Là tình trạng cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh cần thiết. Trong khi thiếu máu nhẹ không gây khát quá nhiều thì ở thiếu máu nặng, người bệnh sẽ khát dữ dội, kèm theo chóng mặt, kiệt sức, mạch đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều... Thiếu máu có thể xảy ra do chấn thương, bệnh lý, lối sống hoặc bẩm sinh.

- Tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic: Thuốc kháng cholinergic là thuốc ngăn chặn hoạt động xấu của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Thuốc này được dùng để điều trị các bệnh lý như phổi tắc nghẽn mạn tính, bàng quang tăng hoạt, rối loạn tiêu hóa, bệnh parkinson... Thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, mắt nhìn mờ, khó đại tiện... trong đó, có hiện tượng khô miệng do giảm tiết nước bọt, làm cho người bệnh khát nhiều.

THÙY LINH