3 chuyện đừng quản là mức độ tự kỷ luật cao nhất của một người

Google News

Khi bản thân nhiệt tình với những chuyện thị phi của người khác, điều này chẳng khác nào tự chơi với lửa rồi làm bỏng tay mình.

Trong cuộc sống, thay vì can thiệp quá nhiều vào thế giới của người khác, chi bằng ghi nhớ ranh giới trong giao tiếp giữa người với người, hòa mình với đời mà giữ gìn bản thân. Nhiều người sống quá mệt mỏi là vì quá thích lo chuyện bao đồng của người khác. Họ luôn cảm thấy đó là do lòng tốt mà không ngờ rằng nhiệt tình thái quá không chỉ dễ tiêu hao năng lượng và thời gian của bản thân mà cuối cùng còn dễ rơi vào kết cục "làm ơn mắc oán".

Điều quan trọng là phải có ý thức về sự đúng mực trong cuộc sống. Sống ở đời, mức độ kỷ luật cao nhất thường có thể được tóm tắt trong 5 chữ: “Đừng quản chuyện bao đồng”.

1. Đừng quản chuyện riêng tư của người khác

Mỗi gia đình đều có những chuyện thị phi khó nói. Nếu cứ cố gắng phân rõ, mọi thứ sẽ dễ rối như tơ vò, thành một mớ bòng bong không thể nào làm rõ. Bản thân không phải là người trong cuộc, chúng ta càng không thể biết được ngọn ngành.

Trong cuộc sống thực tế, có những người dễ rơi vào sai lầm trong giao tiếp là lấy việc dò hỏi chuyện riêng tư trong nhà người khác làm gia vị cho cuộc sống của mình. Bất kể lúc nào, họ đều thích đặt tâm sức vào những chuyện vụn vặt này, thậm chí chủ động "chỉ đường dẫn lối" cho người khác. Họ không những không nhận được sự cảm kích của ai mà còn dễ rước thêm sự ghét bỏ của nhiều người.

Khi bản thân nhiệt tình với những chuyện thị phi của người khác, điều này chẳng khác nào tự chơi với lửa rồi làm bỏng tay mình. Bạn không chỉ châm ngòi cho những chuyện tầm thường trong cuộc sống của người khác mà còn biến sự chung sống hòa thuận giữa bạn và người khác thành tro bụi.

Những người thực sự kỷ luật sẽ giữ miệng và tai của mình. Họ ít nghe ít quan tâm chuyện riêng tư của người khác, dồn thời gian và sức lực vào sự trưởng thành của bản thân. Đó mới là lựa chọn thông minh nhất.

2. Đừng quản vấn đề cuộc sống của người khác

Trong cuốn "Kẻ Trộm Bóng Tối" có viết: "Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác dù là vì tốt cho họ bởi đó là cuộc đời của họ".

Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là "phân tách vấn đề", ý nói rằng vấn đề cuộc đời của mỗi người nên do chính người đó chịu trách nhiệm. Có những người luôn muốn dựa vào kinh nghiệm, kiến thức hoặc sự tỉnh táo của mình để khuyên chuyện của người khác. Họ rất nhiệt tình nhưng lại bỏ qua một điều quan trọng nhất là hình mẫu cuộc sống của bản thân chưa chắc đã phù hợp với người khác.

Khi can thiệp quá sâu vào cuộc đời của ai kia, họ không chỉ đánh mất sự tôn trọng mà còn dần còn gây ra sự khó chịu cho đối phương. Vì vậy, khi đối diện với vấn đề cuộc đời của người khác, thái độ tốt nhất chính là không quản. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân nhưng tuyệt đối đừng bao giờ dùng góc độ của mình để đo lường đúng sai trong hành động của người khác.

Nếu bản thân thấy những việc người khác làm đều không vừa ý mình và cứ cố gắng sửa chữa, chỉ trỏ, can thiệp quá mức thì điều đó chỉ khơi dậy sự chán ghét của người ta, đồng thời khiến mối quan hệ giữa đôi bên đi đến hồi kết.

Những người thông minh từ lâu đã ý thức được điều này. Khi họ giao tiếp với người khác, họ hiểu rằng sự nhiệt tình vượt quá giới hạn chính là thiếu lịch sự. Chúng ta có thể đưa ra lời khuyên nhưng nhất định phải kiềm chế sự thôi thúc muốn sửa chữa, chỉ đạo người khác. Đừng bao giờ dùng nhận thức của mình để đo đạc quỹ đạo cuộc đời của người khác.

Dù mối quan hệ có tốt đến đâu, chúng ta cũng đừng lấy danh nghĩa "vì tốt cho bạn" mà ra sức quyết định thay người khác. Thay vào đó, hãy tôn trọng việc người khác có những lựa chọn khác biệt. Mỗi người đều có con đường đời riêng và điều chúng ta cần làm nhất chính là trả lời tốt bài thi cuộc đời của chính mình. Vậy là đủ!

3. Chuyện vặt vãnh không rõ đầu đuôi, đừng quản

Khi bạn hoàn toàn không rõ về một sự việc nào đó hoặc không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao, thì nhất định đừng can thiệp vào. Bạn không phải là người trực tiếp trải qua sự việc, càng không tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân và hậu quả.

Nếu chỉ dựa vào "sự nhiệt tình" để can dự thì bạn sẽ chỉ bị người khác ghét mà thôi. Bản thân luôn thích quản những chuyện vặt vãnh không rõ đầu đuôi, tự cho rằng xuất phát điểm của mình là tốt nhưng lại hết lần này đến lần khác gây ra những rắc rối lớn, thậm chí làm tổn thương người xung quanh.

Người càng khôn ngoan càng biết im lặng đúng lúc. Họ không can thiệp quá nhiều vào chuyện của người khác, đặc biệt là không bao giờ suy diễn, tự cho mình đúng bởi điều đó chỉ khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Cuối cùng, việc vượt quá giới hạn mà không có chừng mực không chỉ làm phân tán sự chú ý của bản thân, mà còn dễ khiến tình hình trở nên rối ren hơn. Mỗi người đều có nhịp điệu cuộc sống và sự theo đuổi riêng. Thay vì lãng phí quá nhiều thời gian vào việc quản chuyện bao đồng, chi bằng tập trung nâng cao bản thân.

Khi bạn có thể tập trung vào việc khám phá, tìm tòi thế giới nội tâm của mình, bạn sẽ trở nên khôn ngoan hơn và cũng dễ nhận được sự tôn trọng, yêu mến của người khác.

BẢO ANH.