Đặc sản xưa dành cho "người nghèo", nay thành món khoái khẩu giá 500.000/kg, lọt top thực phẩm tốt nhất thế giới

Google News

Mỡ lợn nhiều người không ăn vì sợ béo, sợ bệnh, bây giờ thành đặc sản lạ miệng ở thành phố, nằm trong top 10 thực phẩm lành mạnh nhất thế giới. 

Theo bảng xếp hạng 100 loại thực phẩm lành mạnh nhất thế giới, bất ngờ khi mỡ lợn xếp ở vị trí thứ 8. 

Mỡ lợn rán hay tóp mỡ từng là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Việt thời xưa. Khi dầu ăn thực vật còn chưa phổ biến, các gia đình thường mua thịt mỡ về rán lấy nước để nấu nướng, phần còn lại là tóp mỡ những miếng mỡ nhỏ vàng ruộm, giòn tan, ăn kèm mắm mặn đậm đà. Món ăn đơn giản ấy từng là “niềm vui” của bao đứa trẻ ngày ấy, nhất là vào những ngày trời se lạnh.

Theo thời gian, khi đời sống ngày càng khấm khá, tóp mỡ không còn là món ăn chống đói mà dần trở thành một "đặc sản hoài niệm". Dưới bàn tay khéo léo của người làm, tóp mỡ ngày nay được biến tấu thành nhiều món hấp dẫn như tóp mỡ chiên mắm tỏi ớt, tóp mỡ rim mắm tỏi, hay tóp mỡ cay tẩm gia vị, vừa đậm đà vừa kích thích vị giác mà không hề ngấy.

Trên thị trường, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử và cửa hàng thực phẩm sạch, tóp mỡ được bày bán rộng rãi với mức giá khá cao. Không ít người ngạc nhiên khi món ăn "thời khốn khó" lại có thể đạt mức 250.000 – 400.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 500.000 đồng/kg nếu được làm từ thịt lợn sạch, nuôi theo tiêu chuẩn.

Ở miền Tây, tóp mỡ còn được sáng tạo thành một món ăn mới lạ, đó là bánh tóp mỡ heo quay. Món bánh giòn rụm, có màu vàng sậm, vị mặn mà và mùi thơm đặc trưng, được ép từ tóp mỡ và phần da heo quay. Bánh thường được đóng gói kín, có thể dùng ngay hoặc hâm nóng trong lò vi sóng để tăng hương vị.

Trong 205 gam mỡ lợn chứa 1849 calo, 205 gam chất béo, 0,23mg kẽm, 0,4 µg selen, 101,9mg choline, 1,23mg Vitamin E, 5,1 µg Vitamin D, 5,1 µg Vitamin D3, 209 IU Vitamin D.

Ngoài ra, mỡ lợn cũng chứa các chất béo như axit capric 0,205g, axit lauric 0,41g, axit myristic 2,665g, axit palmitic 48,79g, axit stearic 27,675g, palmitoleic 5,535g axit, 84,46g axit oleic, 2,05g axit gadoleic, 20,91g axit linoleic, 2,05g axit linolenic và 195mg cholesterol.

Những tác dụng của mỡ lợn đối với sức khoẻ

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Mỡ lợn chứa lượng lớn chất béo không bão hòa đơn, đặc biệt là axit oleic – tương tự như trong dầu ô liu. Loại chất béo này đã được chứng minh có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó có lợi cho hệ tim mạch. So với bơ, mỡ lợn còn chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn hơn, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Phù hợp để nấu ở nhiệt độ cao

Mỡ lợn có điểm bốc khói cao và cấu trúc ổn định khi đun nóng, rất thích hợp cho các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao như chiên và xào. Một nghiên cứu được trích dẫn bởi Nutrition Advance cho thấy mỡ lợn ổn định hơn dầu hướng dương và dầu đậu phộng khi đun đến 200°C, từ đó giảm nguy cơ hình thành các chất độc hại.

Cung cấp vitamin D tự nhiên

Nếu heo được nuôi ngoài trời và tiếp xúc với ánh nắng, mỡ lợn sẽ chứa một lượng vitamin D tự nhiên đáng kể – dưỡng chất thiết yếu cho xương chắc khỏe và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D phụ thuộc nhiều vào điều kiện chăn nuôi.

Hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột

Một số nghiên cứu cho rằng mỡ lợn có thể giúp cải thiện hệ vi sinh vật trong đường ruột nhờ vào sự kết hợp đặc biệt của các axit béo, giúp duy trì sự cân bằng của các vi khuẩn có lợi – yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể và phòng tránh bệnh tật mãn tính.

Dưỡng da hiệu quả

Ít người biết rằng mỡ lợn có thể dùng để chăm sóc da. Ở một số nơi như châu Phi, người ta thường dùng mỡ lợn để bôi lên tay chân nhằm giữ ẩm, giúp da mềm mại và ngăn ngừa nứt nẻ, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khô hanh.

Lưu ý khi sử dụng mỡ lợn

Mỡ lợn không phải là thực phẩm gây hại nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, người lớn tuổi hoặc người mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... nên hạn chế sử dụng. Người bình thường nên kết hợp cân đối giữa dầu thực vật và mỡ động vật – tỉ lệ lý tưởng là 50:50. Với trẻ dưới 1 tuổi, nên ưu tiên dùng mỡ nhiều hơn với tỉ lệ 70:30; sau 1 tuổi, tỉ lệ chuyển sang 50:50.

Ngoài ra, lượng chất béo trong khẩu phần ăn cũng nên được điều chỉnh theo độ tuổi:

Trẻ dưới 1 tuổi: chất béo nên chiếm 40–50% tổng năng lượng.

Trẻ 1–3 tuổi: khoảng 35–40%.

Trẻ đến 10 tuổi: khoảng 30–35%.

Trẻ trên 10 tuổi và người lớn: 20–25%.

PHÚ NGUYỄN