Đặc sản chỉ có ở Đà Nẵng nhìn "sợ khiếp vía", xưa không ai biết đến nay thành món đặc sản lạ ở thành phố, càng ăn càng mê

Google News

Thứ đặc sản này chỉ có ở Đà Nẵng, được người thành phố ưa chuộng trong những năm gần đây, có thể nấu miến, trộn gỏi, kẹp rau sống, nấu bún cá ngừ…

Ở dòng sông Cu Đê (đoạn gần cửa biển Nam Ô), Đà Nẵng có một loài đặc sản nghe tên rất lạ tai, không có ở nơi nào khác, đó là con bún mẹ. 

Bún mẹ được mệnh danh là loài bún tự động dưới đáy sông, sản sinh ra loại bún ở dưới nước - bún sông. 

Cận cảnh loài nhuyễn thể có tên bún mẹ

Vào những ngày đầu hè, khi mà nước chuyển sang trong vắt và những cơn nước đục của mùa mưa đã trôi hết thì cũng là lúc bún sông lộ diện. Hàng loạt những sợi bún vo tròn, ẩn nấp dưới đáy sông, bên trong là những cái trứng nhỏ li ti được sinh ra từ loài nhuyễn thể thân mềm bún mẹ.

Bún mẹ sinh sản mạnh từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 âm lịch, đặc biệt vào ban đêm. Khi sinh sản, con bún mẹ đẻ ra những chuỗi trứng dài, cuộn lại như lọn bún nhỏ bằng bàn tay, có màu xanh nhạt hoặc hơi vàng, trông giống sợi bún gạo nhưng nhỏ hơn.

Khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm là thời điểm bún mẹ sinh sản

Con bún mẹ có hình dáng xù xì, thân mềm, nhiều đốm xanh trên lưng, xung quanh thân có nhiều chân màu cam vàng và thường tiết ra chất dịch màu đen tím để bảo vệ khi gặp nguy hiểm .​

Để thu hoạch bún sông, người dân địa phương phải lặn sâu khoảng 5 mét dưới đáy sông Cu Đê. Họ thường buộc khoảng 8 kg chì vào thắt lưng để dễ dàng chìm xuống đáy sông và sử dụng máy thở lặn khí để hỗ trợ việc lặn. Mỗi lần lặn, họ chỉ thu được khoảng 1–2 kg bún sông.

Sau khi thu hoạch, bún sông cần được rửa sạch nhiều lần với nước, sau đó chần sơ qua nước sôi khoảng 1 phút để loại bỏ mùi tanh. Người dân thường chế biến bún sông thành món gỏi, trộn cùng tôm, thịt luộc, rau thơm, đậu phộng rang, nước mắm, ớt tỏi và một ít nước chanh tươi. Món gỏi bún sông có vị giòn sần sật, thanh mát, rất thích hợp để giải nhiệt trong những ngày hè oi bức.

Bún sông ngọt, thanh mát, là đặc sản chỉ có ở Đà Nẵng

Trước đây, bún sông ít được người dân chú ý vì tôm, cua, cá ở sông Cu Đê rất nhiều vô kể. Hiện nay thứ đặc sản là này đã trở thành món khoái khẩu được ưa chuộng, với giá bán có thể lên đến hơn 100.000 đồng/kg. Món ăn này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng sông nước Đà Nẵng.​

"Ngày trước bún sông có nhiều, từng gắn với cuộc sống nghèo khó của người dân. Hồi đó, cứ đến mùa, người ta vớt bún sông về để nấu miến, ăn sống, vừa ngọt mát vừa ngon. 

Hiện nay, khi du lịch Đà Nẵng phát triển, bún sông được biết tới nhiều hơn, trở thành món lạ được nhiều người tìm đến để thưởng thức. Nhờ đó mà nghề khai thác bún sông cũng mang về thu nhập cho người dân nơi đây", anh Khánh (ở xóm Vạn, Phường.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) chia sẻ. 

Từng là món ăn của người nghèo, giờ đây bún sông lên đời thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi

Anh Khánh nói thêm, bún sông khi mới sinh sản có màu xanh nhạt, ăn sẽ rất giòn, ngọt thanh. Nếu bún sông đã sinh sản được một thời gian nhất định sẽ ngả vàng, không còn giữ được hương vị độc đáo của con bún nữa.​

H.A