Cô nàng sinh viên đi học xa nhà, ngày nào cũng vào bếp 2 bữa, biết nấu ăn nhờ bố

Google News

Tú Oanh rất yêu thích nấu ăn và coi đây là thú vui để giải tỏa những căng thẳng từ công việc học tập.

Là sinh viên xa nhà, Tú Oanh (19 tuổi, Nghệ An) may mắn được ở nhà chị gái để tiết kiệm chi phí và đỡ phần lẻ loi nơi thành phố đông đúc. Dù bận rộn với việc học, Tú Oanh vẫn dành thời gian chăm chút bữa ăn mỗi ngày - một thói quen đã trở thành niềm yêu thích từ khi còn nhỏ. Những món cô nấu không cầu kỳ, nhưng luôn đầy ắp hương vị và tình cảm. Phần lớn bí quyết nấu ăn là do bố truyền lại, từ những ngày hai bố con cùng đứng bếp ở quê, vừa nấu vừa trò chuyện rôm rả. Giờ đây, gian bếp nhỏ nơi thành phố là nơi cô gửi gắm ký ức, và cũng là cách để cô yêu thương gia đình theo cách riêng của mình.

Có thể với nhiều bạn trẻ sinh viên, nấu ăn là một cách để giải quyết nhu cầu ăn uống hàng ngày theo đúng nghĩa đen nhưng với Tú Oanh, đây lại là một sở thích lớn. Cô nàng Gen Z tâm sự, mình mê bếp núc và thường xuyên nấu nướng.

Hiện tại, khi đang ở nhà của chị ở thành phố để tiện cho việc học tập, Tú Oanh luôn vào bếp 2 bữa mỗi ngày. “Em thấy mỗi lúc nấu ăn bản thân như được sống chậm lại. Khi tập trung vào những món ăn, nó đã giúp em quên đi những áp lực và cảm thấy được thư giãn hơn. Mỗi tối đi học về, được lăn vào bếp, vừa nấu vừa hát nghêu ngao, rồi nhìn cả nhà ăn ngon lành, mọi thứ hết sạch - đó là niềm vui nhỏ mà em thích”, cô nàng chia sẻ.

Để có thể nấu được những món ăn như hiện tại, Oanh cho biết phần lớn mình học từ bố. Món nào cầu kỳ hơn mà bố không biết thì Gen Z sẽ tham khảo trên mạng, chọn lọc công tức rồi nấu theo.

Cô kể, bản thân đã vào bếp từ khi còn học lớp 3. Khi ấy, bố của Oanh phải đi làm và ông thường nấu sẵn các món thịt/cá để con gái đi học về chỉ việc nấu thêm canh và đun nóng lại để ăn thôi. Sau này nghỉ hưu, bố Oanh lại ở nhà nấu ăn buổi trưa, chờ con gái rượu về cùng thưởng thức. Riêng buổi tuối, Oanh sẽ đảm nhiệm việc cơm nước để bố đi tập thể dục với bạn bè trong xóm.

Chính vì đã có một khoảng thời gian dài luyện tập ở nhà nên dù hiện tại còn rất trẻ nhưng Oanh đã vô cùng thành thạo việc bếp núc. Thời gian nấu nướng của cô nàng cũng không mất nhiều mà mỗi bữa chỉ khoảng 1 giờ. Riêng cuối tuần rảnh rỗi, mọi người cũng được nghỉ ngơi không phải vội đi làm, Gen Z sẽ chế biến những món cầu kỳ hơn.

“Ngày cuối tuần em sẽ dành 2-3h để nấu ăn vì mọi người không vội gì cả. Em sống cùng anh chị nên mọi chi phí ăn uống anh chị sẽ đưa em đi chợ hoặc chị sẽ mua bỏ tủ cho em nấu dần. Bữa cơm gia đình em sẽ có 3 người lớn và 2 bé nhỏ”, Oanh cho biết.

Cuộc sống hiện đại có rất nhiều việc khiến con người phải hoạt động hết công suất vì thế đôi khi vào bếp là thức làm chị em phụ nữ hay người nội trợ trong nhà cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, với những ai yêu bếp, coi việc này là công cụ giảm stress hàng ngày như Tú Oanh thì nấu nướng trở nên nhẹ nhàng hơn rấy nhiều.

Cô tâm sự, khi ra thủ đô, chi phí ăn uống nơi đây vô cùng đắt đỏ. Với một sinh viên như mình, Oanh cũng muốn tiết kiệm một phần nào đó cho gia đình. May mắn, Gen Z được ở nhà chị, nơi ăn trốn ở cũng không còn phải lo lắng như nhiều bạn bè khác. Oanh chỉ việc dành tâm trí cho học hành và thỏa mãn sở thích bếp núc.

“Em không thấy việc nấu ăn là nặng nhọc mà đó là một sở thích giúp em thư giãn. Được nấu những món ăn, mọi người ăn ngon, cùng nhau nói cười quây quần bên mâm cơm em rất thích”, cô nói.

Khi vào bếp, tiêu chí hàng đầu của Oanh là phải đem đến những món ăn ngon miệng, hợp khẩu vị của bản thân và của cả nhà. “Các món em nấu sẽ vừa phải, không quá mặn hay nhạt. Nhưng vì có trẻ nhỏ nên em sẽ chia khẩu phần nấu cay và không cay. Còn lại cách nấu thì chị gái em lấy chồng cùng quê đều ở Nghệ An nên em nấu hầu như dễ ăn. hợp khẩu vị mọi người”, Gen Z nói.

Không chỉ thế, cô cũng rất coi trọng sự cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn. Các bữa cơm luôn có đủ rau, đạm và tinh bột. Bên cạnh đó, Oanh cũng để ý đến chất lượng thực phẩm, các nguyên liệu phải sạch và có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo bữa cơm luôn an toàn vệ sinh.

Ngoài ra, Oanh còn quan tâm đến chi phí. Dù nấu ngon nhưng vẫn cầm tiết kiệm, tránh lãng phí. Đặc biệt, với cô nàng sinh viên năm nhất, nấu ăn luôn cần sự vui vẻ, thoải mái. Nhờ thế, Oanh thấy việc này không phải là áp lực mà là một cách mình thể hiện sự yêu thương với các thành viên trong nhà.

Nhờ sự chăm chỉ, đảm đang, khéo léo nên mọi người đều khen Oanh nấu ngon. Cô cũng chia sẻ, nấu sau này có gia đình nhỏ riêng của mình rồi bản thân vẫn sẽ vào bếp như một đam mê. Hơn nữa, Gen Z cũng nhận định, mâm cơm gia đình không chỉ đơn thuần là bữa ăn hàng ngày mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tình cảm gia đình, đặc biệt trong văn hóa người Việt.

“Đó là nơi mọi người cùng quây quần, chia sẻ những câu chuyện hằng ngày, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau. Thông qua những câu chuyện trong bữa ăn, cũng giúp con cái hiểu về cách cư xử, lễ nghĩa và lòng biết ơn. Vì vậy, mâm cơm gia đình luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc trong đời sống tinh thần của gia đình”, Gen Z tâm sự.

NGỌC LAN