Bỏ việc ở tập đoàn lớn, cô gái sinh năm 95 chữa lành bệnh tâm lý bằng nghề "bảo mẫu thú cưng"

Google News

Cô gái sinh năm 95 từng "chinh chiến" tại một tập đoàn internet lớn này đã tìm thấy liều thuốc cho tâm hồn mình trong thế giới của những chú chó mèo.

"Vài năm trước, bệnh tâm lý của tôi đạt đến đỉnh điểm. Sau này, nhờ ở bên cạnh những chú chó mà tôi đã chữa khỏi trầm cảm".

Tháng Tư ở Vũ Hán, Trung Quốc, tiết trời ấm áp dễ chịu. Trong một khu sáng tạo văn hóa ở quận Hồng Sơn, Tuanzi (tên nhân vật đã được thay đổi) vừa ôm chú chó Shiba Inu vừa kể câu chuyện khởi nghiệp của cô từ một nhân viên văn phòng thành thị chuyển sang làm "bảo mẫu thú cưng".

Từ "kiệt sức nơi công sở" đến "chữa lành tâm hồn"

6 giờ sáng, Tuanzi và đồng nghiệp bắt đầu bận rộn dọn dẹp các chuồng chó. Cảnh tượng này hoàn toàn khác biệt so với những gì cô trải qua vài năm trước khi làm việc tại một tập đoàn internet nổi tiếng ở Bắc Kinh.

"Từ nhỏ nhà tôi đã nuôi thú cưng. Nhiều năm kinh nghiệm nuôi thú cưng khiến tôi có tình cảm đặc biệt với chúng", Tuanzi giới thiệu.

Năm 2019, do áp lực công việc và một số yếu tố khác, cô mắc bệnh trầm cảm rồi nghỉ việc để dưỡng bệnh. Chính những chú mèo và chú chó mà cô cứu giúp ở nhà đã trở thành chỗ dựa tinh thần giúp cô vượt qua bóng tối.

Trải nghiệm này đã cho Tuanzi ý định dấn thân vào ngành thú cưng. Ban đầu, Tuanzi nhận nuôi giữ thú cưng tại nhà, dần dần phát hiện nhu cầu thị trường vượt xa dự kiến.

"Lúc nhiều nhất, nhà tôi chật kín gần 20 con chó. Nhưng môi trường nuôi giữ tại nhà có hạn, tiếng chó sủa làm phiền hàng xóm và không gian hoạt động không đủ ngày càng trở thành vấn đề", cô nói.

Năm ngoái, Tuanzi và bạn bè cùng nhau thành lập chính thức "Trường mẫu giáo thú cưng Wutopia " ở Vũ Hán.

"Vũ Hán có nhiều người trẻ, cộng đồng nuôi thú cưng lớn. Nhiều người vì công việc hoặc đi du lịch không thể ở bên cạnh thú cưng, rất cần các cơ sở chuyên nghiệp chia sẻ áp lực", Tuanzi nói.

Cô gái trẻ cho biết, ngoài những chú chó được gửi tạm thời, nhiều thú cưng có "nhu cầu đặc biệt" đã tìm được nơi nương tựa. Mỗi ngày ở bên cạnh những con vật này khiến cô cảm thấy rất ý nghĩa.

Có một chú chó Norwich Terrier bị liệt hai chân sau. Sau khi được chủ gửi đến cơ sở, Tuanzi đã thiết kế kế hoạch phục hồi chức năng riêng cho nó, mỗi ngày mát-xa, huấn luyện, còn tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh phác đồ chăm sóc.

Còn có một cặp chó già "anh em" mắc bệnh tiểu đường và mù lòa đã trải qua những ngày tháng cuối đời tại đây. Vì chủ của hai chú chó đã tuổi cao sức yếu, không có khả năng chăm sóc nên Tuanzi quyết định nhận nuôi. Cô bố trí đệm mềm chống va chạm, mặc tã, thậm chí mua cả xe đẩy em bé để đưa chúng đi phơi nắng.

"Trước khi chúng qua đời, tôi đã thức suốt đêm bên cạnh, nói với chúng “Đừng sợ, tôi sẽ ở bên cạnh các bạn đến phút cuối cùng"", cô nhớ lại.

Xây dựng mô hình "trường mẫu giáo + khách sạn" cho thú cưng

Khác với các cửa hàng thú cưng truyền thống, Trường mẫu giáo thú cưng của Tuanzi kết hợp mô hình kép "trường mẫu giáo ban ngày" và "khách sạn lưu trú", thực hiện nguyên tắc "một khách một lần khử trùng" giống như khách sạn dành cho người.

Mỗi buổi sáng, khi thú cưng rời phòng xuống tầng chơi, Tuanzi và đồng nghiệp sẽ tiến hành khử trùng và thông gió toàn diện cho các phòng. Buổi tối, hệ thống điều hòa và thông gió được khởi động để đảm bảo những "khách hàng nhỏ" có thể ngủ thoải mái.

"Chúng tôi chia sẻ hình ảnh và video hoạt động như chú chó đã làm quen được với bạn mới nào, chơi trò gì, thậm chí chụp cả ảnh lúc chúng có hành động đáng yêu", Tuanzi cười nói.

Dịch vụ khác nhau, phí cũng khác nhau. Phí chăm sóc thú cưng tại đây được chia theo kích thước và loại phòng, từ 50-100 tệ/ngày (180-360 nghìn đồng/ngày), phòng VIP được trang bị camera giám sát để xem từ xa. Hiện tại, nơi đây có thể chứa 50 thú cưng, thường xuyên hết chỗ vào dịp Tết Nguyên Đán. Khách hàng có độ gắn bó cao, có những thú cưng đã sống ở đây 2-3 năm.

Ngoài các dịch vụ chăm sóc thông thường, điều khiến Tuanzi tự hào nhất là chức năng huấn luyện hòa nhập xã hội cho thú cưng. Một chú chó Corgi từng nhút nhát trốn trong góc, sau vài lần được gửi đến đây đã có thể tự tin chơi đùa với những chú chó khác. Để cung cấp dịch vụ tốt hơn, Tuanzi còn học để lấy các chứng chỉ chuyên nghiệp như chuyên gia dinh dưỡng thú cưng.

Từ việc nhận nuôi giữ tại nhà đến cơ sở chuyên nghiệp, từ "chữa lành cảm xúc" đến "giáo dục về sinh mệnh", Tuanzi có kế hoạch rõ ràng cho con đường khởi nghiệp của mình. Tại cơ sở này, Tuanzi và các đồng nghiệp đã dùng sự chuyên nghiệp và tấm lòng ấm áp để xây dựng cây cầu cảm xúc giữa các loài, đúng như cô nói: "Mỗi thú cưng đều xứng đáng được đối xử dịu dàng".

BẢO BẢO