Bất ngờ cuộc sống của hai mẹ con bé gái là chắt ruột của vua Thành Thái sau khi cha qua đời

Google News

“Sau khi anh Tài qua đời rồi đưa về đây chôn cất, mẹ con tôi cũng ở lại quê nhà mưu sinh, chứ không lên lại Sài Gòn nữa", bà Thuỷ nói.

Cuối tháng 12/2020, hàng triệu người dân Việt Nam không khỏi xót xa trước thông tin ông Nguyễn Phước Bảo Tài (SN 1964) – cháu nội vua Thành Thái, con út của hoàng tử Vĩnh Giu qua đời. Đáng nói ông qua đời trong nghèo khổ, chẳng có đủ tiền thuê xe để đưa về quê ở Phong Điền (Cần Thơ) mai táng.

Sau đó, thi thể của ông Nguyễn Phước Bảo Tài đã được chuyến xe không đồng đưa về! Phần mộ được chôn cất trong khu vườn, ngay sát ngôi nhà tình thương của vợ chồng ông.

Đến nay cháu nội vua Thành Thái đã qua đời được hơn 2 năm. Nhiều người vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống của vợ con ông Nguyễn Phước Bảo Tài, tò mò không biết hai mẹ con có gặp khó khăn hay không?

Ông Nguyễn Phước Bảo Tài ngày còn sống.

Mở đầu câu chuyện, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (SN 1972) cho biết: “Sau khi anh Tài qua đời rồi đưa về đây chôn cất, mẹ con tôi cũng ở lại quê nhà mưu sinh, không lên lại Sài Gòn nữa. Ở đây chúng tôi có người thân để nương tựa, lên trên đó làm gì có ai để trông nhờ lúc khó khăn chứ.

Giờ mẹ con tôi sống trong căn nhà tình thương rộng chục mét vuông, đùm nhau sống qua ngày. Ai hỏi tôi kể từ khi anh Tài ra đi, hai mẹ con có khó khăn gì hay không? Tôi sẽ thành thật rằng chúng tôi không còn chỗ dựa vững chãi như xưa nhưng cuộc sống bớt khổ hơn. Bởi hồi ở Sài Gòn, tôi làm đủ nghề để kiếm sống, đi khắp mọi nẻo đường bán vé số… mà chẳng thể đủ ăn”.

“Vậy giờ về Cần Thơ, chị mưu sinh bằng nghề gì?”, khi được hỏi bà Thuỷ cho biết hiện tại làm nghề nhổ lông vịt gà cho lò mổ. Bà bắt đầu một ngày làm việc từ rất sớm – 1h sáng, sau đó đến xế chiều mới tan ca. Vì thế bà phải gửi con gái – Nguyễn Phước Thanh Tuyền (SN 2006) – mắc bệnh bại não hệ thần kinh số 9 cho người dì ruột trông nom giùm.

“Dì của tôi sống ngay sát cạnh nhà tôi. Tôi đi làm từ sớm đều nhờ dì sang ngủ cùng bé Tuyền. Sau đó dì lo ăn sáng, thay đồ rồi thuê xe ôm chở bé đi học chữ. Tôi đâu dám để con bé tự đi cùng xe ôm đâu.

Tôi cũng muốn theo sát con mỗi ngày nhưng như thế không có tiền để sống. Tôi đành nhờ người thân. May bé hiểu chuyện, đồng ý cho tôi làm như thế”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi tâm sự.

Vừa dứt lời, bà Thuỷ đẩy chiếc xe lăn mà con gái đang ngồi đi về phía phần mộ của ông Nguyễn Phước Bảo Tài. “Thi thoảng bé Tuyền lại muốn tôi đẩy nó ra thăm ba. Con bé yêu ba nhất trên đời mà anh Tài đoản mệnh ra đi sớm quá.

Bữa anh Tài mất, bé Tuyền nghe tin đã xỉu ngay tại chỗ. Nó vẫn khóc hoài luôn. Tôi phải động viên con bằng cách đưa ra thăm mộ”, bà Thuỷ cho hay.

Tấm hình hiếm hoi của gia đình 3 người.

Nói rồi, người phụ nữ bỗng dưng lặng thinh một hồi lâu, ánh mắt rưng rưng như nhớ về quá khứ đau buồn. “Anh Tài lắm bệnh lắm, nào là tiểu đường tips 3, ung thư phổi… Anh nằm ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch 9 ngày thì qua đời. Lúc đó tôi chẳng có đủ tiền để thuê xe đưa thi thể anh về quê an táng. Sau đó Chuyến xe nghĩa tình – Mai táng từ thiện Nhật Tâm đã đưa anh về quê để gia đình lo hậu sự”, bàThuỷ nhớ lại. ‘

Nhắc đến chuyện ông Nguyễn Phước Bảo Tài là cháu nội của vua Thành Thái, bà Thuỷ thành thật cho biết hơn chục năm sống với chồng không hề biết gia đình chồng là hoàng thân. Mãi đến khi Thanh Tuyền chào đời, bà đi bán vé số được người ta bảo mới hay biết.

“Hồi đó báo chí viết về anh Tài và gia đình anh. Nhiều người đọc được đã bảo tôi khiến ngỡ ngàng lắm. Gia đình nhà tôi cũng bất ngờ, không tin được rằng con rể là dòng dõi hoàng tộc.

Từ đó tôi đi đâu người ta cũng bảo là con dâu của hoàng tử Vĩnh Giu. Thậm chí có người còn gặng hỏi chuyện này chuyện kia, tôi chỉ cười chứ không có trả lời. Bởi tôi đâu có biết rõ, hơn cả đó là quá khứ, mình phải sống vì hiện tại chứ”, người phụ nữ miền Tây cho biết.

Về Thanh Tuyền, mọi người trong vùng đều gọi là “công nương” – tức cháu nội của hoàng tử. Bà Thuỷ cho biết cái tên Nguyễn Phước Thanh Tuyền do chính hoàng tử Vĩnh Giu đặt với bao ý nghĩa tốt đẹp khi trưởng thành.

“Bé Tuyền được 7 tháng tuổi thì ba chồng của tôi qua đời. Hồi tôi mang thai nó, cả nhà ai nấy đều vui mừng, mong chờ ngày được thấy đứa bé. Vậy mà lúc nó cất tiếng khóc chỉ nặng 950gram, phải nuôi trong lồng kính 4 tháng.

Bé Tuyền nằm viện nhưng không tiến triển, vợ chồng tôi quyết định khăn gói trốn viện về Cần Thơ vì tiền hết, sức cạn. 7 tháng sau, vợ chồng tôi vay mượn họ hàng, làng xóm chút tiền đem con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận con bé bị bại não hệ thần kinh số 9, có nguy cơ sống tật nguyền suốt đời”, bà Thuỷ nói.

Thanh Tuyền buồn rầu khi nghĩ đến cha.

Về Cần Thơ, vợ chồng ông Tài tiếp tục mưu sinh, cố gắng kiếm tiền chữa bệnh cho cô con gái bại não bẩm sinh. Hàng ngày, ông chạy xe ôm, còn bà Thủy bán vé số dạo quanh thành phố. Bao tiền kiếm được, họ chắt chiu dành dụm đưa con lên Sài Gòn trị bệnh.

Tháng nào cũng vậy, vợ chồng bà Thuỷ chạy xe gắn máy chở bé Tuyền từ quê lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh, truyền thuốc. Họ không dám đi xe khách vì sợ gánh thêm chi phí. “Hàng tháng, chúng tôi phải đưa con bé lên viện truyền thuốc, kiểm tra sức khỏe một lần. Mỗi chuyến đi hết khoảng 6-7 triệu đồng, giờ nằm xe đò tốn kém thêm gần triệu nên không đành!

Chúng tôi chấp nhận chịu khổ, để dư số tiền lần sau cho con. Thậm chí, anh Tài chạy xe gần 300 cây số cũng không dám nghỉ uống cốc nước, trưa thì gọi suất cơm 15 nghìn 2 người cùng ăn”, bà Thuỷ tâm sự.

Miệt mài đưa con đi viện chữa bệnh, vợ chồng bà Thuỷ từng nhiều lần muốn buông xuôi, chấp nhận để cô con gái “độc nhất” sống cuộc đời thực vật. Song nhìn con nằm im trong góc nhà, họ không cam tâm. Vậy là, hành trình chiến đấu với bệnh tật lại tiếp tục với ước vọng cô con gái nhỏ có thể ngồi dậy, chập chững đi, cất tiếng gọi cha mẹ.

Một thời gian sau, họ thuê căn phòng dưới tầng trệt ở quận Bình Thân (TP.HCM) nhưng 2 tháng sau phải lấy phòng trên tầng 3 với giá rẻ hơn. Cực nhất là những lúc bà Thủy cõng con gái xuống nhà đi châm cứu hoặc đến trường học dành cho trẻ tàn tật.

“Dù bại não nhưng kỳ lạ bé Tuyền có thể nhận thức được mọi thứ xung quanh. Khi chúng tôi nói gì, con hiểu và ngoan ngoãn nghe lời. Giờ con đã biết chữ biết số, biết hát… hoặc ai hỏi gì sẽ trả lời nấy. Tôi mừng vì con có nhân thức tốt như vậy”, người mẹ chia sẻ.

Và khi được hỏi “Thanh Tuyền có ước mơ gì hay không”, “công nương” 17 tuổi lí nhí nói: “Con muốn đi học. Sau đó con ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người ta”.

NGỌC HÀ