Áp lực tuổi mới lớn: Những tín hiệu ngầm của một đứa trẻ đang tổn thương, bố mẹ đừng để con lớn lên trong cô độc

Google News

Tuổi dậy thì là cột mốc không thể bỏ qua trên hành trình lớn khôn của một đứa trẻ. Đây là giai đoạn chuyển mình từ trẻ em sang người trưởng thành, đánh dấu sự thay đổi nhanh chóng về cả thể chất, tâm lý lẫn cảm xúc. Nhưng cũng chính vì vậy, đây lại là độ tuổi dễ chịu tổn thương nhất về mặt tinh thần.

Khi tuổi mới lớn rơi vào khủng hoảng

Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, tuổi thiếu niên luôn là những tháng ngày vô tư, đầy ắp tiếng cười. Các ông bố bà mẹ luôn tin rằng, chỉ cần lo cho con ăn đủ bữa, học đủ môn, ngủ đủ giấc,… thì con sẽ tự khắc lớn lên, bình an và vui vẻ. Nhưng thực tế, thế giới nội tâm của các em không hề đơn giản đến vậy.

Tuổi mới lớn là giai đoạn của những xáo trộn tâm lý lặng lẽ mà mãnh liệt. Bề ngoài có thể là một đứa trẻ im lặng, nhưng bên trong lại là hàng trăm mối suy nghĩ đan xen: về kỳ vọng học tập, ngoại hình, cách hòa nhập với bạn bè, chỗ đứng của mình trong mắt cha mẹ,... Những điều tưởng nhỏ nhặt với người lớn lại có thể trở thành gánh nặng âm thầm, khiến một đứa trẻ rơi vào vòng xoáy lo âu, buồn bã, rồi dần khép kín.

Ở tuổi 15, lẽ ra phải sống trong những tháng ngày rực rỡ của tuổi thiếu niên, vô lo, vô nghĩ, tràn đầy ước mơ. Thế nhưng, T.H. (đến từ Đắk Nông) lại đang bước đi giữa tuổi trẻ với một trái tim trĩu nặng. Hai tháng nay, em không còn là chính mình. Mẹ bảo em dễ cáu gắt, nhưng phía sau sự nóng nảy bất thường ấy là một bầu trời buồn bã chẳng ai nhìn thấy.

Tuổi mới lớn, trẻ cũng có nhiều áp lực không thể nói với ai. (Ảnh minh họa).

Em không còn hào hứng với những hoạt động từng khiến em vui. Những sở thích cũ dường như đã rơi rụng đâu đó giữa những lo toan chưa bao giờ nên thuộc về một đứa trẻ. Em nằm lì trong phòng, có ngày chỉ ăn qua loa, đêm nằm trằn trọc không ngủ được. Em mệt mỏi, rã rời cả về thể xác lẫn tinh thần.

“Con sợ không đậu tuyển sinh”, “Con sợ làm ba mẹ thất vọng”, “Con sợ nhà không có đủ tiền cho con đi học tiếp”, từng nỗi lo dồn dập như những cơn sóng nhỏ, cuộn trào thành cơn bão lớn, nhấn chìm em trong cảm giác tội lỗi và bất lực. Em nói em thấy mình vô dụng. Em tự đánh giá bản thân thấp hơn bất kỳ ai. 

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Lụa - Phòng khám chất lượng cao - Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, sau quá trình khai thác và đánh giá T.H. được chẩn đoán mắc rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Đây là một rối loạn tâm lý phổ biến ở lứa tuổi học trò nhưng vẫn thường bị bỏ qua vì những biểu hiện tưởng như “bình thường” của tuổi dậy thì.

Phác đồ điều trị của T.H. bao gồm trị liệu tâm lý cùng chuyên viên kết hợp với can thiệp từ bác sĩ Y học cổ truyền. Tùy vào tiến triển của em, trong những tuần tiếp theo, bác sĩ có thể hội chẩn cùng bác sĩ tâm thần nhi để cân nhắc điều trị thuốc nếu cần thiết. 

Đây là một trong rất nhiều trường hợp điển hình cho thấy trẻ có thể rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần một cách âm thầm, nếu người lớn không kịp thời nhận diện và can thiệp.

Áp lực vô hình nhưng dai dẳng

Theo Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Lụa, trẻ em tuổi dậy thì thường là nhóm chịu nhiều áp lực tâm lý nhất. Bác sĩ Lụa gọi đây là “giai đoạn khủng hoảng thiếu niên”, tâm sinh lý phát triển mạnh, hormone thay đổi khiến trẻ thay đổi rõ rệt về tính khí và hành vi. “Trẻ bắt đầu muốn tách ra khỏi cha mẹ để thể hiện sự độc lập, muốn tự mình đưa ra quyết định, nhưng lại chưa có đủ kinh nghiệm sống để xử lý các vấn đề nảy sinh một cách hiệu quả. Những thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn này cũng khiến trẻ trở nên dễ cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc, tâm trạng trồi sụt bất thường”, bác sĩ Lụa chia sẻ.

Trẻ em tuổi dậy thì thường là nhóm chịu nhiều áp lực tâm lý nhất. (Ảnh: FPBV)

Thực tế tại phòng khám tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy số lượng trẻ đến khám vì những rối loạn tâm lý đang có xu hướng tăng dần qua từng năm. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho thấy sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên đang bị thách thức bởi nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại. 

Bác sĩ Lựa lý giải: “Trẻ đến khám thường có nhiều nguyên nhân gây áp lực tâm lý như kết quả học tập không tốt, áp lực thi cử, kỳ vọng quá cao từ bản thân hoặc từ gia đình. Nhiều trẻ sống trong môi trường thiếu thốn tình cảm, cha mẹ ly hôn, bất hòa hoặc quá bận rộn không dành thời gian cho con. Một số khác bị sang chấn tâm lý do mất người thân, bị lạm dụng chất, bạo lực học đường hoặc thậm chí bị xâm hại tình dục”.

Nhận diện sớm để kịp thời đồng hành và hỗ trợ trẻ

Theo bác sĩ Phùng Thị Lụa, tuổi dậy thì không chỉ là cuộc hành trình lớn lên của thể chất mà còn là hành trình định hình tâm hồn. Khi con trẻ đối diện với áp lực, điều chúng cần không phải là những lời quát mắng hay sự thờ ơ, mà là một cái ôm, một cuộc trò chuyện chân thành, ánh mắt tin tưởng từ người lớn. Lúc này, sự quan sát, đồng hành từ bố mẹ và thầy/cô giáo trở thành một trong những điều quan trọng nhất giúp trẻ vượt qua những khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. 

“Trẻ thường không tự nhận ra mình đang gặp vấn đề tâm lý hoặc nếu có thì cũng khó tìm được cách để bày tỏ. Phụ huynh và thầy cô cần đặc biệt nhạy cảm với các biểu hiện bất thường trong hành vi và cảm xúc của trẻ”, bác sĩ Lụa cho hay.

Các dấu hiệu đáng lưu ý bao gồm: thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, buồn bã kéo dài, chán ăn, mất ngủ, dễ khóc, lo lắng quá mức về một vấn đề nào đó, cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, đau đầu, không còn hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, tránh tiếp xúc xã hội, thích thu mình trong phòng, giảm chú ý, ngại vận động và đặc biệt là xuất hiện các ý nghĩ tự làm hại bản thân.

Việc nhận diện sớm không chỉ giúp phát hiện bệnh kịp thời mà còn mở ra cánh cửa để trẻ được lắng nghe và hỗ trợ một cách đúng đắn. Bác sĩ Lụa đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh đừng vội vàng áp đặt hoặc trách mắng con khi con có biểu hiện khác thường. Hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện nhẹ nhàng, tìm hiểu tâm tư của con. Trò chuyện mỗi ngày là một cách hiệu quả để cha mẹ kết nối và nhận ra những biến động trong cảm xúc của con, từ đó có thể can thiệp sớm khi cần thiết”.

Có người sẵn sàng lắng nghe và dìu dắt, các em sẽ có thêm một điểm tựa để vượt qua sóng gió tuổi trẻ. (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, một trong những kỹ năng quan trọng mà cha mẹ nên hướng dẫn cho con là khả năng nhận diện và điều chỉnh cảm xúc. Khi trẻ biết gọi tên cảm xúc của mình là bực bội, thất vọng hay lo lắng,... trẻ có thể học được cách điều chỉnh cảm xúc trước khi chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. 

Việc giúp trẻ tìm ra giá trị bản thân nằm ở lòng yêu thương, sự tự tin hay tinh thần trách nhiệm... cũng góp phần giúp trẻ có một nền tảng tinh thần vững vàng hơn, từ đó xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và có động lực trong học tập, cuộc sống.

Quan trọng không kém, cha mẹ cần dạy con kỹ năng tự giải quyết vấn đề. Đây là một trong những năng lực cần thiết để trẻ trưởng thành. Khi trẻ biết cách vượt qua khó khăn bằng chính nỗ lực của mình, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn, ít phụ thuộc và dễ vượt qua các cú sốc tâm lý trong tương lai.

“Tuổi dậy thì là giai đoạn khủng hoảng tự nhiên của sự phát triển, nhưng nếu được đồng hành đúng cách, các em sẽ vượt qua một cách nhẹ nhàng và phát triển toàn diện. Đừng chờ đến khi trẻ có hành vi tiêu cực mới đi tìm sự hỗ trợ. Sự chăm sóc về mặt tâm lý cũng quan trọng không kém chăm sóc thể chất", bác sĩ Lụa nói.

Không thể phủ nhận rằng giai đoạn tuổi dậy thì luôn đầy biến động và thử thách. Với các em, đây là hành trình tự mình khám phá, tự khẳng định, đôi khi lạc lối, đôi khi bối rối. Nhưng nếu có người đồng hành, không phán xét, không áp đặt, mà sẵn sàng lắng nghe và dìu dắt, các em sẽ có thêm một điểm tựa để vượt qua sóng gió tuổi trẻ.

"Chúng ta không thể chọn thay con đường đi cho con, nhưng có thể chọn cách đi cùng con một đoạn trong kiên nhẫn, yêu thương và thấu hiểu”, bác sĩ Phùng Thị Lụa nhắn nhủ.

AN THANH