Thế giới bánh ngọt phong phú và đa dạng, mỗi chiếc bánh không chỉ là một món ăn mà còn mang trong mình sự sáng tạo và tâm huyết của người thợ làm bánh. Giữa vô vàn hương vị, sắc màu, chị Hoàng Trang lại chọn gắn bó với Wagashi - những chiếc bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản, nhỏ nhắn nhưng tinh tế, giản dị mà đầy ý nghĩa. Với chị, làm Wagashi không chỉ là một công việc, mà còn là một hành trình chạm đến cái đẹp, nơi mỗi đường nét, mỗi gam màu đều gửi gắm sự trân quý đối với văn hóa và tinh thần Nhật Bản.

Có những đam mê đến thật tự nhiên, như một mối duyên lặng lẽ chờ ta khám phá. Với chị Hoàng Trang, tình yêu với bánh ngọt không phải là điều sẵn có, mà chỉ thực sự bắt đầu từ khoảnh khắc chị vô tình bắt gặp những chiếc bánh Nhật Bản nhỏ nhắn, tinh xảo, mang đủ sắc màu dịu dàng. Chị ngẩn ngơ tự hỏi, "Làm thế nào mà họ có thể tạo ra những hình dáng đẹp đến vậy?". Câu hỏi ấy cứ vương vấn mãi, cuối cùng dẫn lối chị bước vào thế giới Wagashi lúc nào chẳng hay.

Chị Hoàng Trang.
Chị kể, khi biết đến một cô giáo dạy bánh Nhật - điều mà thời điểm ấy còn khá hiếm ở Việt Nam, bản thân đã không ngần ngại đăng ký học. Thế nhưng, bước vào lớp rồi chị mới thấy, mọi thứ không hề đơn giản. Chưa từng làm bánh trước đó, chị lóng ngóng với từng dụng cụ, từng thao tác. Mặc dù chiếc bánh đầu tiên may mắn ra hình ra dạng, nhưng để nói tinh xảo thì chưa, bởi khi ấy chị chỉ đơn thuần bắt chước theo, chưa thực sự hiểu về kỹ thuật hay ý nghĩa của từng hình mẫu Wagashi. Tuy nhiên đã quyết tâm thì không từ bỏ, chị Trang đã hoàn thành khóa học cơ bản. Nhưng về sau, chị phải tự nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật, tự điều chỉnh một số yếu tố và kết hợp nguyên liệu sao cho phù hợp với khẩu vị của người Việt và cuối cùng có sự nghiệp của riêng mình.


“Có thể nói đến với wagashi là 1 cái duyên ngẫu nhiên không có trong kế hoạch. Ban đầu mình thấy bắt mắt rồi tò mò vì hình dáng đa dạng, màu sắc xinh đẹp nên bị cuốn hút muốn tìm hiểu. Sau thì thấy bánh nhiều kỹ thuật và không có giới hạn của sự sáng tạo nên mình bắt đầu chia sẻ đến cộng đồng cũng yêu thích bánh Nhật”, chị tâm sự.
Nhiều người cho rằng làm bánh là chuyện của đôi bàn tay khéo léo, nhưng với chị, sự khéo léo chỉ giúp mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn. Quan trọng nhất vẫn là kiên trì, là những lần tỉ mỉ nhào bột, nắn chỉnh từng đường nét cho đến khi đôi tay quen dần với nhịp điệu riêng của nó. Nếu có chút năng khiếu, chị tin rằng đó là món quà nhỏ từ bố và mẹ - mỗi người truyền lại một phần tinh tế, để rồi gom góp thành niềm đam mê trong chị.


May mắn thay, khi bước chân vào lĩnh vực bánh trái, chị luôn nhận được sự ủng hộ và động viên từ gia đình. Chính điều đó giúp chị vững tin theo đuổi đam mê, từng bước khám phá và chinh phục bộ môn nghệ thuật đầy tinh tế này.


Khi được hỏi, làm wagashi thì khâu nào khó nhất, chị trả lời, với làm bánh, không có công đoạn nào là kém quan trọng cả. Nguyên liệu tốt sẽ quyết định hương vị, nhưng nếu xử lý không đúng cách, bánh có thể mất đi kết cấu hoàn hảo cũng như độ thơm ngon cần có. Khi tạo hình và pha màu, mỗi chi tiết nhỏ cũng đều ảnh hưởng đến diện mạo cuối cùng, bởi wagashi không chỉ là một món bánh, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng cả sự tỉ mỉ và tâm huyết của người làm ra nó.

Wagashi không đơn thuần là một món bánh, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, nơi sự sáng tạo được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ. Mỗi chiếc bánh mang trong mình một câu chuyện riêng, được tạo nên từ những nguyên liệu tự nhiên, màu sắc thanh nhã và hình dáng đầy ý nghĩa. Điều đặc biệt ở Wagashi chính là sự biến hóa không giới hạn - từ những cánh hoa anh đào e ấp, dòng nước trôi nhẹ dưới ánh trăng đến hình ảnh những chiếc lá mùa thu chạm khẽ đất trời…


Chính sự tỉ mỉ trong từng đường nét, sự hài hòa giữa màu sắc, hương vị và cảm xúc đã tạo nên nét độc đáo của Wagashi. Không chỉ gói trọn tinh thần của đất nước mặt trời mọc mà mỗi chiếc bánh còn phản ánh sự sáng tạo không ngừng của người làm. Họ không chỉ tuân theo những khuôn mẫu truyền thống mà còn thổi vào đó những ý tưởng mới, để Wagashi vừa mang nét cổ điển, vừa có hơi thở hiện đại, gần gũi hơn với văn hóa và khẩu vị của từng vùng đất.


Chính vì vậy, để phát triển bản thân, tăng khả năng sáng tạo khi làm Wagashi, chị Hoàng Trang cũng đã phải học hỏi từ rất nhiều người. Nhờ đó, chị có thêm nhiều ý tưởng khi thực hiện các mẫu mã bánh. “Mỗi cá nhân vốn là 1 cá thể riêng biệt mang dấu ấn khác nhau, có thói quen và cách sử dụng màu sắc riêng biệt nên tự động trong một chiếc bánh đều sẽ mang tính cá nhân hóa không chỉ riêng mình mới có”, chị nói.


Mặc dù đam mê loại bánh truyền thống của người Nhật nhưng ngay từ khi bắt đầu, chị Hoàng Trang luôn hướng tới đối tượng người thưởng thức là người Việt. Vì thế, hương vị, hình dạng của bánh được chị điều chỉnh sao cho phù hợp với thị hiếu cũng như khẩu vị của người Việt. Có lẽ nhờ vậy mà “Hiện tại bánh mình làm đang được đón nhận và phản hồi khá tốt”, chị Hoàng Trang vui vẻ nói.


Bên cạnh việc làm bánh, chị Trang còn mở lớp đào tạo và đến giờ đã gắn bó với công việc này được 6 năm, số lượng học viên theo học cũng rất nhiều. Thế nhưng, điều khiến chị luôn trăn trở là có rất ít người có thể kiên trì theo đuổi con đường kinh doanh bánh Wagashi. Lý do lớn nhất nằm ở quá trình chế biến hoàn toàn thủ công, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, khách hàng của dòng bánh này tương đối hạn chế, bởi giá thành cao khiến Wagashi không phải là lựa chọn cho những bữa ăn thường ngày. Hơn nữa, rất ít người biết đến Wagashi, bởi đây vốn là một dòng bánh mang tính nghệ thuật cao, thường được xem là món ăn cao cấp hơn là một sản phẩm phổ thông.


Hiện tại, chị Trang vẫn vừa giảng dạy, vừa kinh doanh bánh, không chỉ vì yêu nghề mà còn bởi mỗi đơn hàng đều là một cơ hội để chị thực hành, thử nghiệm những ý tưởng mới và trau dồi thêm kỹ thuật. Thu nhập từ công việc này không quá cao nhưng cũng đủ để chị duy trì cuộc sống, quan trọng hơn, đó là cách chị dùng đam mê để nuôi dưỡng chính đam mê của mình.
Chị luôn tự hào khi có thể góp phần làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực, đồng thời truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã chắt lọc cho những ai có chung niềm đam mê với ẩm thực Nhật Bản.


Chị Trang tâm sự, bất cứ bộ môn nào cũng có khó khăn, đặc biệt là khi ta chỉ mới bắt đầu. Nhưng để đi được đường dài, ngoài tình yêu với nghề, sự kiên trì là yếu tố không thể thiếu. Học phải đi đôi với hành và việc rèn luyện không bao giờ có điểm dừng. Chính sự bền bỉ và tinh thần học hỏi không ngừng mới có thể giữ lửa cho đam mê, giúp ta từng bước chinh phục những đỉnh cao mới. Đó cũng là lời khuyên của chị dành cho những ai mới bước chân vào thế giới rộng lớn và đa sắc của những chiếc bánh ngọt ngào.


MINH NGỌC