1. Quản trị kinh doanh
Quản trị kinh doanh không phải là ngành học mới nhưng luôn thuộc top đầu ở khối kinh tế. Với mức điểm chuẩn đầu vào luôn ở mức khá cao, sinh viên tốt nghiệp ngành này thường có cơ hội làm việc và mức lương khá hấp dẫn.
Quản trị kinh doanh bao gồm tất cả các hoạt động quản lý quá trình kinh doanh nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp. Ngoài các hoạt động như quảng bá thương hiệu và marketing, quản trị kinh doanh còn bao gồm những nhiệm vụ "thầm lặng" như tổ chức nhân sự, logistics, nghiên cứu thị trường và quản lý sản xuất.
Mặc dù số lượng người học quản trị kinh doanh nhiều, cạnh tranh cao nhưng quản trị kinh doanh vẫn là một tấm bằng mang lại không ít lợi ích, nhất là khi bạn đã học một ngành khác và ổn định công việc. Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. HCM, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 21.600 nhân lực trong ngành này vào năm 2025.
Sinh viên học quản trị kinh doanh ra trường có thể làm các công việc đa dạng như: Chuyên viên, quản lý kinh doanh; chuyên viên, quản lý marketing; phát triển kinh doanh; quản lý truyền thông - quan hệ công chúng; quản trị nhân sự; phát triển văn hóa - nhân sự; phân tích, quản lý tài chính - kế toán; chuyên gia pháp lý; quản lý quan hệ đối tác; giám đốc, quản lý điều hành bộ phận….
Đối với những người chưa có kinh nghiệm, mức lương khởi điểm ban đầu từ 6 - 7 triệu đồng, có thể đến 8 - 16 triệu đồng đối với các vị trí yêu cầu 1-3 kinh nghiệm, chưa bao gồm tiền thưởng hoa hồng. Chuyên viên kinh doanh: Lương 15 – 20 triệu đồng, chưa bao gồm tiền thưởng hoa hồng. Trưởng phòng kinh doanh: 30 - 50 triệu đồng.
2. Công nghệ tài chính
Fintech là thuật ngữ tiếng Anh kết hợp bởi Finance (Tài chính) + Technology (Công nghệ), dịch đơn giản là Công nghệ Tài chính. Có thể hiểu Fintech là sử dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ, quy trình… áp dụng trong lĩnh vực tài chính.
Thống kê của Statista cho thấy, doanh thu ngành Fintech toàn thế giới đạt 17 tỉ USD vào năm 2020, tăng lên hơn 10 lần là 176,35 tỉ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 311,11 tỉ USD vào năm 2028.
Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực chuyên ngành Công nghệ Tài chính được dự đoán sẽ gia tăng 8-9% đến năm 2030. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này được xem là nhiệm vụ cấp bách không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực mà còn giải quyết được nhiều bài toán trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Hiện nay, tại Việt Nam có một số trường đào tạo chuyên sâu về ngành Công nghệ tài chính, gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; Học viện Ngân hàng; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; Đại học Kinh tế Tài chính HCM; Đại học Ngân hàng TPHCM; Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM), Đại học Công thương TP.HCM...
Mức lương ngành công nghệ tài chính đang đứng trong top 3 các ngành về công nghệ, dao động từ 1.000$ - 3.500$/tháng (khoảng trên 23 triệu đồng đến hơn 80 triệu đồng) tùy vị trí và kinh nghiệm.
3. Khoa học máy tính
Giữa thời đại kỷ nguyên số, Khoa học máy tính trở thành một trong những ngành học được giới trẻ quan tâm khi mở ra cánh cửa nghề nghiệp tương lai đầy triển vọng. Theo đó, trong 10 năm qua, nhu cầu nhân lực về ngành Khoa học máy tính, công nghệ thông tin được cho tăng gấp 4 lần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khoa học máy tính là một trong những ngành thuộc khối Khoa học - Kỹ thuật. Hiểu đơn giản, đây là ngành học đào tạo về các phần mềm, lập trình phát triển ứng dụng chạy trên máy chủ (server), máy tính (PC, laptop hay các thiết bị kết nối thông minh), sử dụng các kiến thức và kỹ năng về công nghệ, phần mềm và hệ thống thông tin nói chung.
Dự báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhu cầu về nhân lực khoa học máy tính và thông tin tại Việt Nam sẽ lên đến 700.000 người. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhân lực chỉ mới đáp ứng khoảng 10%, tương đương 50.000 đến 60.000 người.
98% kỹ sư khoa học máy tính có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu/tháng. Những người chuyên môn và kinh nghiệm vững vàng hoàn toàn có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên để đạt được mức lương kỳ vọng như vậy, sinh viên theo đuổi ngành Khoa học máy tính cần chú ý tới năng lực, nhanh nhạy và học tập liên tục.
4. Thiết kế đồ họa
Ngành Thiết kế đồ họa hay Graphic Design là chuyên ngành thuộc về mỹ thuật. Thiết kế đồ họa bao gồm nghệ thuật kết hợp nhiều yếu tố nội dung trực quan nhằm truyền tải thông ý tưởng và thông điệp của một tác phẩm. Mục đích của việc thiết kế thường chú trọng mang lại hiệu quả truyền thông cho sản phẩm, nhãn hàng, phục vụ kinh doanh, hay tuyên truyền các hoạt động xã hội…
Hiện nay, do sự phát triển nhanh chóng của thị trường, sự đa dạng, phong phú của các chủng loại hàng hoá nên nhu cầu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng ngày càng tăng. Làm quảng cáo, panô, ápphích, thiết kế bìa sách... đều cần đến thiết kế đồ họa, nhưng để ra được một sản phẩm ưng ý không hề đơn giản.
Hiện tại, nhiều trường đào tạo chuyên ngành đồ họa như ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc... cũng đã tăng số lượng đầu vào cho lĩnh vực này.
Với ngành học này, sinh viên mới ra trường có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Với sinh viên đã có ít kinh nghiệm, mức lương có thể đạt 15 triệu đồng. Đặc biệt, những nhân sự có chuyên môn tốt, có tính sáng tạo cao trong công việc thì mức lương rất hậu hĩnh, có thể lên tới 3.000 USD/tháng (khoảng 70 triệu đồng).
Không chỉ có vậy, ngoài công việc tại công ty, người làm Thiết kế đồ họa có thể dễ dàng nhận thêm các công việc, dự án ngoài làm thêm tại nhà như thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu, introbook… Những công việc này mang lại nguồn thu nhập đáng kể so với lương “cứng”.
5. Ngành kiến trúc
Kiến trúc sư là những người có thu nhập cao và dễ dàng tìm việc với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Khi bạn có những ý tưởng sáng tạo độc đáo, bản lĩnh trong việc khẳng định phong cách thiết kế hoặc có bề dày kinh nghiệm thì sẽ có cơ hội thăng tiến rất cao trong ngành nghề này.
Mỗi năm Việt Nam dành từ 30 đến 40% GDP đầu tư cho việc phát triển các khu công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình văn hóa, dịch vụ, dân cư… Trong khi chất lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng của khoảng gần 78.000 công ty chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu này. Đây sẽ là cơ hội tốt cho những người theo học ngành Kiến trúc với một mức lương hấp dẫn.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực ngành Kiến trúc luôn cao. Giai đoạn 2013-2015 kéo dài đến 2020-2025, Kiến trúc được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm.
Mức lương hấp dẫn cũng là yếu tố tạo nên sức hút hấp dẫn của ngành này. Thu nhập ngành này rất hấp dẫn, tùy theo năng lực và kinh nghiệm của bản thân, mức thu nhập có thể dao động từ 8 - 30 triệu/tháng. Đặc biệt khi đã trở thành vị trí kỹ sư lành nghề, mức lương của ngành này có thể lên đến 35 - 50 triệu đồng. Vì vậy mà ngành Kiến trúc được coi là một ngành có mức lương hấp dẫn so với mặt bằng chung các ngành nghề.
H.A