Liên tục ngộ độc, nguy kịch và tử vong
Trong khoảng thời gian nửa tháng qua, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhân và điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc nấm được chuyển xuống từ các tỉnh: Thái Nguyên và Tuyên Quang trong tình trạng nguy kịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã tiếp nhận 4 đợt ngộ độc nấm. Theo đó, đợt 1 tiếp nhận vào ngày 9/3, với 5 trường hợp ở Võ Nhai, Thái Nguyên; đợt 2 tiếp nhận vào ngày 12/3 cũng với 5 trường hợp ở Thái Nguyên và Tuyên Quang; đợt 3 tiếp nhận vào ngày 16/3 với 4 trường hợp ở Tuyên Quang và mới đây nhất, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận một thai phụ ở Tuyên Quang cũng trong tình trạng tương tự.
|
Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị ở BV Bạch Mai |
Điều đáng nói là tất cả các trường hợp trên khi nhập viện đều có những triệu chứng rất nặng, đặc biệt là tổn thương gan và đều ăn một loại nấm đó là: nấm tán trắng.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hiện tất cả các bệnh nhân nhập viện do ngộ độc nấm hầu hết đã tử vong, số còn lại cũng đang trong tình trạng nguy kịch, đe doạ rất lớn đến tính mạng. Số người tạm qua cơn nguy kịch rất hiếm (2 trường hợp).
Theo đó, trong nhóm ngộ độc đầu tiên đã có 4/5 người đã tử vong, còn nhóm bệnh nhân nhập viện đợt 2 hiện đã có 3/5 người tử vong. Đối với nhóm bệnh nhân nhập viện trong đợt 3, theo các bác sĩ đã có 2 trường hợp xin về và chắc chắn không qua khỏi.
|
Loại nấm mà các bệnh nhân ăn phải |
Riêng trường hợp nhập viện mới nhất là một thai phụ (mang thai được 4 tháng) ở Tuyên Quang, hiện thai đã chết lưu sức khỏe của thai phụ đang rất nguy kịch, bị rối loạn đông máu rất nặng.
Bài toán nào cho bệnh nhân ngộ độc nấm?
Trước tình trạng các bệnh nhân liên tục tử vong do ngộ độc nấm trong thời gian qua, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã tính đến phương gán ghép gan để cứu sống bệnh nhân.
PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi (Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc nấm còn lại đều bị suy gan nặng, nguy cơ tử vong rất cao, muốn cứu sống biện pháp tốt nhất là ghép gan và có thể ưu tiên trẻ em.
|
Ghép gan là biện pháp đã được đề cập đến để cứu các nạn nhân ngộ độc nấm |
Hiện, Bệnh viện Bạch Mai đang kết nối với các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), Bệnh viện Nhi Trung ương … nhằm tìm kiếm nguồn gan cứu chữa cho các bệnh nhân ngộ độc nấm nguy kịch.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, khó khăn hiện nay là để tìm được nguồn gan ghép cho các bệnh nhân rất khó khăn, phải trông chờ vào nguồn hiến tạng từ người cho chết não, vốn đã rất ít ở nước ta.
Ngoài ra, chi phí cho 1 ca ghép gan cũng không hề nhỏ, khoảng 1,5 tỷ đồng phải huy động hàng trăm y bác sỹ, điều dưỡng tham gia trong thời gian từ 5 – 12 giờ.
Cũng liên quan đến tình trạng ngộ độc nấm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn đề nghị Bệnh viện Bạch Mai lập dự trù, kế hoạch sử dụng và liên hệ với các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác điều trị ngộ độc nấm nói riêng và cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt nói chung; đồng thời đề nghị các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ với các đối tác nước ngoài tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc điều trị ngộ độc nấm, trong đó có sản phẩm bột pha tiêm Silibirin, biệt dược Legalon SIL của Rottapharm S.p.A - Italy và các thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các cơ sở điều trị có nhu cầu.
Lê Phương