Trẻ em miễn phí
Khi chúng tôi đến võ đường của chưởng môn Thiếu Lâm Nững Xị Bắc phái thuộc Liên đoàn Võ cổ truyền TPHCM (1199 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM), võ sư Long Phi Báu bận rộn với nhiều bệnh nhân đang chờ đến lượt. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là có sự xuất hiện của cả bệnh nhân nhí bị ngã khi chơi đùa. Một người mẹ trẻ lo lắng ôm đứa trẻ hơn 1 tuổi vào nhờ thầy cứu giúp, chúng tôi phân vân không biết võ sư sẽ làm gì? Ông nhẹ nhàng, từ từ nắn tay đau bệnh nhân nhí, bỗng đứa trẻ khóc ré lên rồi nín ngay. Sau đó ông dùng tay lắc qua lắc lại không sao như một phép màu! Người mẹ rối rít cảm ơn, hỏi mất bao nhiêu tiền thì ông giục đưa trẻ về nhà nghỉ ngơi, vì không lấy tiền trẻ con từ 10 tuổi trở xuống.
Võ sư Long Phi Báu (tên thật là Nguyễn Văn Báu), được mệnh danh là người đàn ông có ống quyển (cẳng chân) như đồng. Bởi thời trai trẻ, nói đến Long Phi Báu đá cong cọc sắt bằng ống quyển ở Chợ Lớn - Bà Chiểu ai cũng biết. Nhiều người trong giới võ học lúc bấy giờ đều biết ông là một trong những học trò có tiếng của cố võ sư Lâm Hữu Hội. Hiện ngoài việc dạy võ ông còn chữa bệnh cơ xương khớp theo phương pháp gia truyền của môn phái như chữa chấn thương, tê bại, đau nhức gân, xương khớp, dây chằng, gối, lưng...
|
Võ sư Long Phi Báu đang sử dụng công phu để bấm huyệt trị bệnh. |
Nghiệp võ sư gắn với thầy thuốc
Võ sư Long Phi Báu cho biết, việc bị ngã, chấn thương khi luyện tập và thi đấu trong võ thuật là không tránh khỏi. Do đó, trong các môn phái võ thuật, đặc biệt là võ cổ truyền thì thường hay có những bài thuốc hay để chữa bệnh cơ, xương, khớp cho môn sinh. Thiếu Lâm Nững Xị Bắc phái ban đầu chỉ là chữa cho môn sinh nhưng sau đó là gia đình, bạn bè, thân hữu và giờ thì chữa cho nhiều người khi họ biết tìm đến.
Võ sư Long Phi Báu cho biết, ngoài những người bị trật đả (gãy xương) điều trị một lần còn lại những bệnh xương khớp khác thì thời gian điều trị kéo dài hơn, lâu hơn, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ, mới bị hay bị lâu. Bệnh xương khớp ngoài những trường hợp bị tai nạn trong sinh hoạt, chơi thể thao, ngã (cấp tính - ngoại nhân trị một lần) còn lại là ủ bệnh một vài năm (nội nhân) mới phát bệnh. Bệnh nhân đến võ đường điều trị nhiều là bệnh thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng. Bệnh nhân thường đi xe máy nhiều, ngồi lâu nhưng khi mới phát bệnh không biết nên để lâu rồi mới đi chữa.
Võ sư Long Phi Báu cho biết, bằng kinh nghiệm ông sẽ chẩn đoán và cho bệnh nhân biết thời gian chữa trị. Bệnh nhân đến hầu hết là do người quen giới thiệu vì đã từng được chữa trị có kết quả tốt. Phác đồ điều trị chủ yếu là bấm huyệt và dùng thuốc... Theo võ sư Long Phi Báu, việc bấm huyệt đòi hỏi công lực nhất định của người thầy thuốc do cả thời gian dài công phu luyện tập. Sau khi bấm huyệt, bệnh nhân được xịt thuốc nước cho ngấm vào chỗ bị chấn thương. Ngoài ra, không phải dùng bất cứ loại thuốc uống gì khác. Mỗi lần điều trị cho bệnh thoái hóa khớp cổ, lưng hay các loại bệnh khác chi phí chỉ 40.000đ.
Chữa bệnh xương khớp theo kinh nghiệm gia truyền nhiều khi rất hiệu quả nhưng khó biết được các bài thuốc họ sử dụng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì bấm huyệt sẽ đau hơn so với châm cứu. Bấm huyệt thường rất hiệu quả với những bệnh thông thường như trật đả, thoái hóa khớp nhẹ, còn thoái hóa khớp nặng thì bắt buộc phải có sự trợ giúp của Tây y.
BS Huỳnh Thị Thanh Thúy (Phó trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM)
Bùi Hương