Dễ làm đẹp, dễ mua...
Chị Đỗ Thị Nương ngụ tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM than thở: "Thấy cô con gái mới học lớp 8 kêu đau, nhức mắt nên gia đình rất lo lắng. Tìm hiểu kỹ mới hay con mình dùng kính áp tròng đổi màu khiến mắt bị tổn thương, phải nghỉ học điều trị một thời gian khá lâu mới khỏi. Dò hỏi thêm thì được biết loại kính áp tròng thẩm mỹ này được các cháu mua qua mạng, giá khoảng 200.00đ/cặp với nhiều màu sắc khác nhau. Các cháu trong nhóm thay đổi nhau đeo mỗi ngày".
Em Phương Anh, học sinh lớp 7 ở quận Gò Vấp cho biết: "Bọn em thường xuyên dùng contact lens, mua trên mạng. Đeo thấy mắt to, long lanh, ấn tượng hơn. Khi đeo vào rồi thì lấy ra không được khiến đau mắt, cộm và đỏ mắt, tuy nhiên chỉ cần dùng nước tra rửa mắt là không sao hết! Có trong tay một cặp lens mới, em lần lượt cho một số bạn trong nhóm mượn đeo mỗi người một lúc...".
Theo ghi nhận của phóng viên, contact lens trên thị trường được rao bán tràn ngập ngoài các cửa hàng kính, trên các trang mạng. Liên lạc với chủ bán lens trên mạng tên Trúc Linh (đang học cấp 2) thì được chào hàng: "Em bán lens chạy lắm, khách mua đa số là các bạn trẻ cùng trang lứa và các anh chị 19 - 20 tuổi, mục đích là làm đẹp, cũng có người mua đeo do bị cận thị. Lens có nhiều loại, hàng, giá khoảng 120.000đ/đôi, hàng xịn giá hơn 200.000đ/đôi, hàng hiệu có giá tới 2 triệu đồng/đôi, nhập khẩu Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan. Khách mua lens thường làm đẹp vài lần là bỏ".
|
Đeo và tháo áp tròng khiến mắt sưng, đau cộm. |
Những nguy cơ gây bệnh cho mắt
PGS.TS Lê Đỗ Thuỳ Lan, Trưởng Bộ môn Mắt, trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết, kính áp tròng là loại thấu kính mỏng làm từ chất dẻo như silicon, được đặt trực tiếp lên bề mặt con ngươi để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt và làm đẹp. Bộ Y tế khi cấp phép cho những đơn vị được nhập kính áp tròng đều có khuyến cáo những nguy hại có thể xảy ra với mắt. Đặc biệt, yêu cầu những đơn vị bán phải có người biết chuyên môn về mắt, về contact lens để họ cung cấp thông tin tới người sử dụng. Tuy nhiên, việc kính kém chất lượng, hàng nhái hàng giả, giá rẻ vẫn khó kiểm soát nên trẻ em dưới 15 tuổi khi đeo cần phải có sự giám sát của người lớn.
Người không bị bệnh về mắt nếu dùng contact lens để làm đẹp mà không hiểu rõ cách sử dụng cũng như những tác hại trong quá trình đeo thì như "điếc không sợ súng". Bởi ngay động tác thực hiện đặt kính áp tròng vào mắt đã có thể gây vi chấn thương cho mắt mà không biết. Mặt khác, do nước mắt đã có tác dụng sát trùng và tự làm lành vết thương trong vòng 24 giờ nên khi thấy mắt hết cộm, đỏ, người dùng lại lập tức đeo áp tròng vào mắt luôn mà không cho vết xước cũ đủ thời gian lành hẳn, vô tình làm loét thêm vết xước cũ, nhiều lần như vậy dễ gây nhiễm trùng mắt. Một trong những bệnh nguy hiểm nhất cho mắt khi dùng contact lens là bị nhiễm trùng, nếu không kịp thời điều trị có nguy cơ hỏng mắt.
|
Miếng kính áp tròng khó có thể vô trùng trước khi đưa vào mắt thế này! |
Theo BSCK II Vũ Tuấn Sơn, giảng viên Trung tâm Đào tạo sau Đại học, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, kính áp tròng gồm 2 loại là có độ và không độ, loại chất liệu cứng và mềm. Tùy từng loại kính có thể dùng 5 - 7 ngày hay 1 tháng phải thay mắt khác và cần sử dụng đúng thời gian quy định trong ngày. Hiện mặt hàng này được bán giống như mỹ phẩm với nhiều loại, đủ giá, người sử dụng cũng coi thường những tác hại có thể gây cho mắt như viêm giác mạc, ảnh hưởng biểu mô giác mạc, khi ra đường dính bụi phải tháo ra, hạn chế đeo khi chơi thể thao, tắm biển... Do đó, người tiêu dùng cần quan tâm tới chất liệu, loại nước ngâm rửa sát trùng hay những tiêu chuẩn mà quy định nhập kính áp tròng để phân phối trên thị trường phải có.
Các chuyên gia nhãn khoa cảnh báo, những người có bệnh khô mắt khi đeo kính áp tròng nhiều ngày thì càng gây thiếu nước mắt, về lâu dài sẽ tạo những chấm trên giác mạc.
Đối với một cặp mắt không bệnh thì tránh dùng kính áp tròng để làm đẹp. Chỉ cần tay không sạch, do cọ xát làm trầy xước mắt sẽ gây đau mắt, nhiễm nấm, nhiễm trùng. Việc điều trị không kịp thời sẽ khiến nhiễm trùng nặng, khó phục hồi mắt.
ThS.BS Huỳnh Thị Thu Ba (Khoa mắt Quốc tế, Bệnh viện An Sinh TPHCM)
Hương Nguyên