|
Ảnh minh họa. |
Mọi người đều có thể đeo được kính áp tròng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mắt không thể thích hợp với đeo kính áp tròng, nên khám và tư vấn các bác sĩ chuyên khoa mắt để có được lựa chọn thích hợp.
Khi đeo kính áp tròng không nên để móng tay quá dài gây khó khăn cho việc đặt và lấy kính, khó bảo quản kính. Nên làm nhẹ nhàng, từ tốn để tránh làm rách kính hoặc rơi kính khi sử dụng. Nên đặt kính trước khi trang điểm và lấy kính ra sau khi tẩy trang, dùng thuốc nhỏ mắt thường xuyên để tránh khô mắt. Không nên đeo kính quá 8 tiếng mỗi ngày và khi ngủ, trừ một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.
Thay kính khi hết hạn sử dụng, đi khám ngay khi xảy ra phản ứng khó chịu khi đeo kính. Khi tháo kính áp tròng ra, phải ngâm kính trong hộp riêng có dung dịch ngâm rửa kính, và kính phải được ngâm rửa ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Lưu ý đặt đúng thứ tự kính đeo mắt phải rồi mắt trái vào hộp tương ứng để tránh đeo nhầm mắt. Nên rửa kính thường xuyên, rửa sạch tay, rồi đặt kính lên lòng bàn tay, nhỏ vài giọt nước bảo quản kính vào kính và dùng ngón trỏ nhẹ nhàng chà miết lòng kính theo các chiều tới lui, xoay vòng ở cả hai mặt kính.
Khi sử dụng và bảo quản kính áp tròng không đúng cách có thể bị đỏ mắt do dị ứng với dung dịch ngâm và bảo quản kính. Không rửa sạch tay khi đặt và lấy kính có thể sẽ gặp biến chứng như giả sụp mi, viêm bờ mi, viêm kết mạc mạn tính, viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo tân mạch giác mạc...
ThS.BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu (Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM)