Nhạc sỹ An Thuyên: Tôi thích Tết

Google News

Không chỉ thích mà đó còn là một trong những tình yêu của tôi", nhạc sỹ An Thuyên cười lấp lánh trước cái nhìn ngỡ ngàng của tôi.

- “Không chỉ thích mà đó còn là một trong những tình yêu của tôi”, nhạc sỹ An Thuyên cười lấp lánh trước cái nhìn ngỡ ngàng của tôi. Rồi say sưa ông nói về Tết, về yêu như trẻ thơ, như thuở xuân thì, như người từng trải… và lạ lùng, cung bậc nào cũng ngập tràn da diết cái thanh âm nỗi nhớ gốc gác, cội nguồn của một tâm hồn “neo đậu bến quê”, của một nghệ sỹ nhà quê ở phố.

Tết là tình yêu

Hẹn gặp ông, “thế hệ cũ” nói chuyện về Tết, tôi chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc nghe những hoài cảm, tiếc nuối về bao cái đẹp đã phôi phai, những giá trị truyền thống đã bị mai một dần khiến lứa tuổi như ông thường không còn mong Tết, không thấy Tết là ngày vui, thậm chí thấy buồn. Nhưng thật bất ngờ, ngay mở đầu câu chuyện, lời đầu tiên ông đã sảng khoái: “Sao lại không thích Tết?”.

Thấy sự ngạc nhiên của tôi, ông vui vẻ: “Bởi Tết chính là tình yêu, là cuộc sống, là sự phát triển. Nó thắt chặt tình cảm. Làm ta thấy hạnh phúc khi được đón thêm tuổi mới, được sống cùng với ngày tháng mới”.

“Nhưng thêm tuổi là thêm già đi, ông không sợ điều đó sao?”. Một nụ cười rất nhẹ thoáng trên môi người nghệ sĩ: “Cái mới đem lại cho tôi đam mê, điều đó lấn át tất cả”.

Rồi ông hào hứng: “Tôi thích Tết, yêu Tết là bởi Tết là dịp hội tụ những giá trị truyền thống mà ngày thường không có được. Một nén nhang trầm tỏa hương, mâm cúng giao thừa tổ tiên với gà luộc, đĩa xôi, nồi bánh chưng sôi lục bục bên bếp lửa… những thứ tưởng như đơn giản, bình thường nhưng lại là nét đẹp văn hóa ngàn năm hội tụ, giúp gia đình gắn kết, khiến con cháu giao tiếp, gặp gỡ được với ông bà tổ tiên qua những phong tục ông bà để lại”. 

Nhạc sỹ An Thuyên: Tôi yêu hoa màu vàng. Tết ngoài hoa đào màu đỏ, bao giờ tôi cũng có chậu mai, rồi quất, đặc biệt là hoa cúc, tôi thích hoa cúc lắm.


Chính vì suy nghĩ đó mà ông kể, khi còn là Hiệu trưởng Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, dù trường mấy trăm cán bộ, giáo viên, đông lắm, nhưng năm nào ông cũng tổ chức nấu bánh tét, đặt mua hàng nghìn búp hương Trầm từ khu 4 làm quà cho mỗi người một cặp, như một cách nhắc mọi người nhớ đến cội nguồn.

Tính ông chỉ thích lo cho người khác. Mỗi năm ở cương vị lãnh đạo, ông cóp nhặt từng đồng để thêm vào món quà cho anh em ăn Tết. Nhiều năm còn đi lang thang, lần mò mua bằng được con giống theo con giáp của năm để mừng tuổi mọi người. Với ông, đó là niềm vui, là cái tình của Tết cổ truyền.

Món ăn theo suốt cuộc đời

Tôi hỏi, giờ cuộc sống bận rộn, người thành phố khi đón Tết vẫn có bánh chưng nhưng chủ yếu đặt ở ngoài hàng, gia đình ông có gói bánh chưng không, ông cười tự hào: “Xa quê đã lâu, nhưng năm nào nhà tôi cũng gói bánh tét, thứ bánh đặc trưng xứ Nghệ. Ngồi trông nồi bánh, vây quanh bếp lửa hồng, vợ chồng, con cái hàn huyên ôn lại những chuyện đã qua. Giao thừa ngả mâm cỗ xuống, cùng nhau ăn miếng xôi, miếng gà… rồi mới đi đâu thì đi. Những giây phút sum họp bên thềm năm mới đó quý giá vô cùng, dù bận bịu mấy thì tôi vẫn coi đó như quy ước của gia đình, không ai được vắng mặt”.

Nói đến đây, bất giác giọng ông chùng xuống: “Nhắc tới các món ăn của Tết, tôi lại nghĩ đến món bánh, có lẽ sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời, món bánh dày bằng sắn. Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm. Tên làng Đáy của tôi có người giải thích có nghĩa là tận cùng, nghèo khổ.

Ngày Tết thương các con thèm ăn bánh dày nhưng không có gạo nếp, bà cụ nhà tôi bèn mua sắn về luộc, xong thì rút xơ ra rồi cho vào cối giã gạo, quyết thành bánh dày. Nếu sang thì có thêm chút hành mỡ, thơm lựng lên, ngon vô cùng.

Sau này Tết dù được ăn nhiều loại bánh hảo hạng nhưng tôi không thấy gì ngon bằng món bánh dày của mẹ tôi xưa. Vợ tôi hiểu tâm tư của chồng, Tết nào cũng vẫn làm món bánh thuở hàn vi ấy cho tôi thưởng thức”.

Mong quay về với su hào, bắp cải

Tôi bùi ngùi: “Có phải ông đã mang luôn vào sáng tác của mình những hoài niệm quê như thế?”. Như chạm đúng mạch, ông trở lại với vẻ nhiệt huyết, say sưa ban đầu: “Ai gọi tôi là nhà quê tôi thích vô cùng, hãnh diện nữa vì đã nói đúng được về con người tôi. Có người hỏi ước mơ trong sáng tác của tôi là gì, tôi bảo tôi chỉ mong âm nhạc tôi quay về với su hào, bắp cải, tôm cua ốc ếch.

Bản chất tâm hồn tôi là thế. Xã hội hiện đại đừng vội khinh những thứ đó, vì thực tế chứng minh, bên cạnh những cao lương mỹ vị, vẫn không thế thiếu những món dân dã, thôn quê, thậm chí lại trở thành đặc sản. Chứng tỏ truyền thống vẫn có chỗ đứng, không bao giờ mất đi giá trị”.

“Thế ông có muốn rời bỏ thị thành, quay về nơi đã cho ông nhiều cảm hứng đến thế không?”. Trả lời cho câu hỏi của tôi là sự trầm ngâm: “Tôi ở phố để biết yêu quê hơn. Đôi khi tôi nghĩ, chắc gì tôi sống ở quê đã yêu quê được như tôi bây giờ. Ra đi có tri thức lại càng biết yêu quê, tri ân với quê. Sau những rong ruổi cuộc đời, giờ với tôi, quê không chỉ là nơi mình sinh ra, mà là sự cộng hưởng văn hóa của nhiều miền quê khác, là giá trị của gốc gác, cội nguồn”.

“Là nơi có những bóng hình “chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên” nữa chứ?”. Ông cười sảng khoái: “Đúng thế. Nó cũng là một phần của tình yêu quê. Không chỉ là tình yêu trong sáng tác đâu mà tất cả đều là tình yêu có thật ngoài đời. Có điều tôi luôn biết điểm dừng. Tôi nghĩ, có lẽ nhiều người đàn ông có cảm xúc như tôi, nhưng vì tôi là nhạc sỹ viết ra thành nhạc nên mọi người biết thôi”.

Một cành đào xôn xao sắc đỏ ai đó chở ngang qua cửa nơi tôi và ông ngồi. Ông bảo, Tết đã đến thật rồi. Ngày mai như mọi năm ông sẽ lên tàu về quê thăm hỏi, mừng tuổi họ hàng, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người đã khuất. Bằng chất giọng xứ Nghệ nhỏ nhẹ, trầm ấm, ông ngân nga “Du xuân du xuân í a í a…nón ba tầm xoay tròn tháng Giêng”.

Tôi bỗng thấy ông thật trẻ, như tuổi 20, như thuở xuân thì. Và chợt hiểu vì sao, những “Em chon lối này, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Hà Tĩnh mình thương, mẹ Việt Nam anh hùng…” lại làm say lòng người đến thế.

Bởi nó được chắt ra từ những rung cảm sâu sa, mãnh liệt của một tấm lòng quê, trái tim quê thực sự, từ nỗi nhớ thương ắp đầy, đau đáu của một tâm hồn quê giữa phố. Nó chạm vào, khơi dậy cái gốc gác nông dân có trong sâu thẳm mỗi người.

Giữa phố phường tấp nập, bất chợt tôi bỗng thấy nhớ quá quê tôi.

Mai Loan

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Phạm Hữu Khánh -

Phạm Hữu Khánh
Bài viết hay, làm tui nhớ quê tui - Quảng Bình thủa gian khó, các cụ làm bánh dày bằng sắn thay vì nếp. Ngon lắm! Nghe mùi hành phi mỡ mà chảy nước dãi!. Nhưng bánh dày thì phải "quết" chứ không phải "quyết".<br/>Phạm Hữu Khánh<br/>98A Trần Phú, Nha Trang

Hiển thị thêm bình luận