“Thầy không tử tế hỏi sao dạy được học trò?“

Google News

"Nói đến trường học là phải nghĩ tới một nơi đẹp đẽ, thiêng liêng. Ông thầy phải sang trọng, đàng hoàng, là thần tượng trong mắt học trò"-GS Phan Trọng Luận.

- "Nói đến trường học là phải nghĩ tới một nơi đẹp đẽ, thiêng liêng. Ông thầy phải sang trọng, đàng hoàng, là thần tượng trong mắt học trò. Thầy không tử tế hỏi sao dạy được học trò? Chỉ tiếc, giờ vì hoàn cảnh nhiều người thầy không giữ được điều đó", GS Phan Trọng Luận nghèn nghẹn chia sẻ về nghề.

Bộ trưởng vi hành đi, giáo viên khổ lắm

Vụ việc học trò hiểu sai “Canh gà Thọ Xương” vừa rồi, cứ cho là cô giáo sai đi thì ứng xử của phụ huynh là rất tệ. Lẽ ra nên góp ý, hỏi lại cô thì lại làm ầm ĩ, tạo nên luồng dư luận đối lập giữa phụ huynh và giáo viên. Phụ huynh như thế, làm sao dạy con biết tôn trọng thầy cô?
Trước có câu"chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Ông chọn nghề giáo có phải do "cùng sào" không?

(cười) Có thể nói thế này: Là do cuộc đời sắp xếp. Tôi đã gọt trọc đầu định đi bộ đội rồi thì có giấy gọi của Bộ Ngoại giao lên Việt Bắc học ngoại giao, nhưng cơ sở đó bị đánh bom. Sau đó Chính phủ có mở một trường sư phạm ở khu Tư, thế là tôi ghi danh đi học sư phạm.

Và chọn luôn môn phương pháp học?

Cái đấy cũng do sắp xếp nốt. Tôi ra trường, đi dạy phổ thông, lên Bộ rồi về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi muốn theo Lý luận, Văn học Việt Nam nhưng thầy Lê Trí Viễn khi đó là trưởng khoa bảo tôi: "Anh giúp tôi vào tổ phương pháp thì tốt". Lúc ấy thành thực là ngại, vì môn phương pháp lúc đó như đất vỡ hoang, chưa có ai nghiên cứu, không hề có giáo trình nào. Vậy mà theo rồi thì lại thành ra yêu, gắn bó với nó tới tận bây giờ.

Là một giáo sư đầu ngành về phương pháp, ông nghĩ như thế nào về việc có quá nhiều phàn nàn về chất lượng của việc dạy học văn hiện nay?

Cách đây độ mấy tháng trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tôi đã nói trước cuộc họp thế này: Đường lối hay đến bao nhiêu, chương trình hay đến bao nhiêu, phương pháp hay đến bao nhiêu, cơ sở vật chất tốt đến bao nhiêu mà người thực hiện không tốt thì cũng vứt hết. Khi giáo viên còn phải lo cơm áo gạo tiền thì không thể chuyên tâm dạy cho tốt được.

Bộ trưởng trả lời ông thế nào?

Chỉ cười thôi.

Vấn đề cải cách tiền lương cho giáo viên đã được nhắc đến nhiều. Theo ông vì sao vẫn không được cải thiện?

Do nhận thức của xã hội về sức lao động của giáo viên chưa đúng. Bộ Lao động từng so sánh một giờ lên lớp của giáo viên lượng calo bỏ ra thấp hơn một giờ lao động của công nhân. Hiểu như vậy thì làm sao lương giáo viên cao được. Có lần tôi nói với bộ trưởng: "Bộ trưởng vi hành đi, vi hành thì mới biết được giáo viên khổ lắm. Dạy cả ngày, tối xong công việc nhà rồi bắt đầu ngồi chấm 4 - 500 tập bài, soạn giáo án, chưa kể công tác chủ nhiệm đầy rẫy vấn đề...".

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất thương giáo viên. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của ông: "Tôi thương giáo viên lắm. Giáo viên không chỉ được nghỉ 3 tháng đâu mà phải nghỉ 4 tháng. Nghề đó mệt dữ lắm. Các đồng chí không đi dạy không biết nỗi vất vả của giáo viên".

GS.NGND Phan Trọng Luận.
GS.NGND Phan Trọng Luận.

Tôi thấy đau lòng

Thông cảm với giáo viên như vậy, hẳn ông không phản đối việc giáo viên tổ chức dạy thêm, kiếm thêm thu nhập chứ?

Bản thân tôi chưa bao giờ dạy thêm nhưng tôi không phản đối việc đó. Ngoại trừ sự trục lợi cần phê phán còn tôi thấy nếu là sự tự nguyện, ước muốn tha thiết của người học thì chẳng có vấn đề gì cả. Vì sao các ngành khác làm thêm được mà giáo viên thì không? Thời đi học tôi cũng đi học thêm. Việc tìm tới thầy giỏi để trau dồi kiến thức là một nhu cầu chính đáng.

Vừa rồi có vụ việc bắt giáo viên dạy học thêm "như bắt giặc" gây xôn xao dư luận, ông có biết không? Cảm xúc của ông thế nào?

Tôi có biết và thấy đau lòng. Đó là một sự xúc phạm, sỉ nhục với thầy cô giáo. Nói đến mái trường là phải nghĩ tới cái gì đó đẹp đẽ, thiêng liêng. Thầy cô giáo phải được kính trọng, tôn vinh thì giờ đảo lộn hết cả.

Theo như ông nói thì mấu chốt đều do vấn đề kinh tế. Đồng nghĩa với việc lương giáo viên tăng sẽ giải quyết được nhiều vấn nạn giáo dục nhức nhối hiện thời?

Tôi nhớ GS Dương Trọng Bái, anh hùng lao động đã từng phát biểu thế này: "Không thể cải cách được đâu nếu em gái tôi dạy cấp 2 vẫn còn đi bán thuốc lá ngoài đường". Bản thân tôi cho rằng, đừng bao giờ nghĩ tới chấn hưng giáo dục khi hình ảnh ông thầy còn nhem nhuốc, tất bật với mưu sinh. Đề án hay nhưng phải có người thực hiện chứ. Muốn thành công trước tiên phải chăm lo tới yếu tố con người.

Tôi luôn xác định đây là nghề thanh sạch
 
Cũng như đánh giặc, cần có đội quân tinh nhuệ. Không thể chiến thắng trên mặt trận giáo dục nếu chỉ với một đội quân uể oải. Thử nghĩ, cả nước có hơn một triệu giáo viên, hằng ngày chi phối tới mấy chục triệu học sinh, gần bằng từng ấy gia đình, vấn đề lớn lắm chứ. Cần phải thổi lửa cho họ.
Nhưng có người cho rằng, bố mẹ nghèo thì các con khó. Đất nước chưa giàu thì không nên đòi hỏi.

Tôi thì nghĩ không phải là không có tiền mà là đầu tư như thế nào, có dành cho phát triển giáo dục hay không. Những vụ tham nhũng nghìn tỉ, tiền đó dành cho giáo dục chắc chắn giáo dục sẽ khác. Hay mấy vụ trốn thuế vừa rồi phải xây được mấy ngàn trường học.

"Đá bóng" sang cho hoàn cảnh như vậy, lẽ nào thầy cô giáo hoàn toàn không có lỗi gì trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng như uy tín của người thầy?

Tôi tâm niệm, đã chọn nghề giáo thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện làm giàu. Phải luôn xác định đây là nghề thanh sạch. Người thầy cần giữ hình ảnh đẹp, sang trọng, đàng hoàng trong mắt học trò. Bởi thầy không tử tế làm sao dạy được trò. Nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ". Nghề cao quý thì cũng cần phải sống. Và xã hội cần tạo điều kiện để họ giữ được sự cao quý của mình.

Nhưng ông có nghĩ nhu cầu thì vô biên lắm? Và thực tế thì ngày càng nhiều những tấm gương xấu các thầy cô được đăng tải trên mạng khiến lòng tôn kính đối với thầy cô bị hao hụt dần.

Tôi cho rằng đó chỉ là những hiện tượng con sâu bỏ rầu nồi canh, ở góc độ cá nhân, không nên quy chụp. Thực tế, đa số thầy cô hết lòng vì học trò, ngay trong trường tôi rất nhiều. Đặc biệt là những giáo viên miền núi. Họ hy sinh vô cùng. Cả tuổi thanh xuân họ cống hiến cho học trò, lương ba cọc ba đồng. Có cô giáo quá lứa lỡ thì vì dạy học, có cô phải lấy chồng luôn trên bản... mà họ vẫn say sưa với nghề (nghẹn ngào cảm động).

Còn ông, ông đã bao giờ chán nghề dạy của mình chưa?

Tôi đi dạy đến nay là 60 năm rồi, có nhiều cống hiến và hiện vẫn đi dạy. Nếu không phải vì lòng yêu nghề thì sao có thể làm được như vậy.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin kính chúc ông sức khoẻ để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người của mình.

GS.NGND Phan Trọng Luận sinh năm 1936 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông là giáo sư đầu ngành của khoa Phương pháp giảng dạy văn học, từng giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp giảng dạy văn học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là tổng chủ biên bộ sách giáo khoa ngữ văn THPT. Với những cống hiến của mình, ông được trao tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2000 đợt I.
Mai Loan (Thực hiện)
 
[links()]