- "Việc người ta thấy đường cấm mà vẫn lao lên không phải vì họ không sợ chết mà vì họ đang mang trong mình cái thói tùy tiện. Nó là đặc trưng của nền sản xuất tiểu nông, mang cung cách của ông lý trưởng thời xưa, loẹt quẹt đôi guốc mộc trên nền đá hoa cương là xã hội hiện đại", GS.TS xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên ví von.
Chết vì tính tiểu nông
Ngày 21/10, Bộ GTVT đã chính thức thông xe tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gần 9km, đoạn Mai Dịch - bắc hồ Linh Đàm. Mặc dù tuyến đường này chỉ dành cho ô tô song nhiều người điều khiển xe máy, xe ba bánh vẫn đi lên, bất chấp biển cấm. Việc người dân bất chấp biển cấm là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT, khiến số người chết trong 9 tháng đầu năm tương đương "một sư đoàn" (ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội so sánh) với gần 7.000 người trong tổng số gần 24.000 vụ TNGT (theo Báo cáo của Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông). |
Tuyến đường cao tốc trên cao ở Hà Nội vừa khánh thành, có biển cấm xe máy. Song chỉ sau 10 tiếng thông xe đã có tai nạn chết người do xe máy điều khiển. Có người cho rằng dân mình không sợ chết?
Tôi cho rằng, chỉ trừ những người muốn tự sát, còn thì không có ai là không sợ chết cả. Bạn có thể phóng xe máy ngoài đường với tốc độ 70km/h, nhưng khi bạn gặp vụ tai nạn chết người thì tự dưng bạn sẽ "chùn", sẽ phải giảm tốc độ. Tâm lý ai cũng thế thôi.
Ý ông là vì chưa tận mắt nhìn thấy vụ tai nạn chết người ấy nên người ta vẫn bất chấp biển cấm?
Điều đó chỉ đúng một phần. Còn căn nguyên sâu xa là do phong cách sống của người Việt đã ăn sâu trong huyết quản người ta rồi, khó bỏ lắm.
Ông có thể chỉ rõ hơn biểu hiện của "phong cách" ấy?
Hơn nửa thế kỷ trước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ ra trong tờ báo Tiếng Dân rằng, người Việt có thói tùy tiện, thích làm khó bỏ, thích được nịnh, thích huênh hoang... Cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng chỉ ra những tính cách như ề à, làm việc thì không đến nơi đến chốn... Những tính cách ấy là sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, mà gần đây nhiều người gọi là "tính tiểu nông". Một cách tự nhiên, nó được truyền từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, cho đến khi bước vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì người ta vẫn mang theo.
Tôi chưa thấy có mối liên quan nào đến việc người ta bất chấp biển cấm, "đánh cược" sinh mạng của mình như thế?
Chính vì cung cách tiểu nông nên ra đường phóng nhanh hơn người khác một tí, vượt được người người khác... thì cứ tưởng mình giỏi lắm... Đấy, chết là ở chỗ ấy! Cái tính cách đặc trưng của nền sản xuất tiểu nông đã tạo ra những sản phẩm và cách hành xử như thế.
Chẳng lẽ bây giờ người ta cứ thản nhiên đổ thừa cho tính cách đặc trưng của người Việt để vô tư vi phạm luật à?
Không ai khuyến khích điều ấy cả. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chính tính cách đặc trưng được tạo nên từ nền sản xuất tiểu nông đã tạo nên cách hành xử ấy. Mà tính cách thì thường khó bỏ lắm!
|
GS.TS xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. |
Không phải ai cũng hành xử như thế
Ông có cho rằng, đổ lỗi cho tính cách đặc trưng ấy cũng có nghĩa là đang phủ nhận vai trò của giáo dục?
Tôi không có ý đó. Bởi thực tế, không phải ai cũng hành xử như thế cả đâu. Song cách hành xử cũng phản ánh trình độ văn hóa chung của xã hội. Chúng ta chưa có công nghiệp hóa thì làm sao đã có ngay được những con người mang phong cách công nghiệp hóa?
Những người bất chấp luật lệ, phó mặc mạng sống của mình như thế một phần cũng là do họ nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan. Đó là hệ quả của giáo dục đấy chứ. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cần phải nhìn lại nền giáo dục của mình. Người ta vẫn mang tính tiểu nông vào trong môi trường giáo dục đấy thôi.
"Mang tính tiểu nông vào môi trường giáo dục", ông có thể nói rõ hơn?
Thì đấy, chuyện đi muộn về sớm ở trường nào chẳng có, lớp vào học lúc 7h nhưng đôi lúc cả thầy cô cũng còn vào muộn. Đến cơ quan thì lề mề, dây dưa tới vài phút là chuyện thường vì còn bận ngồi cà phê, ăn sáng... Cái đấy không là tính tiểu nông thì là gì? Nhưng nói thế thôi, chẳng riêng gì giao thông với giáo dục đâu, ngành nào, nghề nào chả thế.
Nộp vài đồng rồi lại đi, có sao đâu!
Một xã hội mà tính tiểu nông vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc như thế thì sẽ thế nào, thưa ông?
Nó dẫn đến một xã hội luộm thuộm, không kỷ cương. Thật nực cười là xã hội bây giờ người ta vẫn mang cái phong cách của một ông lý trưởng từ thời thực dân phong kiến, lúc nào cũng loẹt quẹt đôi guốc mộc, đến chỗ ngồi thì tháo guốc ra vỗ vỗ đôi guốc ấy vào nhau rồi khoanh chân lên chiếu. Nó kệch cỡm lắm, nhưng mãi vẫn chưa bỏ được. Xã hội công nghiệp không cho phép như vậy, ở đó người ta sống, làm việc tuân thủ các quy trình công nghiệp hóa và pháp luật chặt chẽ.
Với những người thiếu hiểu biết mà vẫn lao lên đường cấm, phạm luật thì cũng dễ hiểu phần nào. Nhưng lại có những người biết luật mà vẫn vi phạm thì cắt nghĩa thế nào, theo ông?
Nguyên nhân là vì họ biết luật của mình không nghiêm. Nộp vài đồng rồi lại đi, có sao đâu.
Văn hóa quản lý còn thấp quá!
Nghĩa là, tính tiểu nông vẫn còn tồn tại một phần do luật chưa chặt chẽ?
Cái đó cũng đúng.
Phải chăng, bây giờ để xây dựng một xã hội văn minh thì trước hết phải làm từ luật?
Đứng. Luật không phải là cách thức trừng phạt, hành hạ con người mà trước hết là để giáo dục con người, đưa con người vào những quy định vì lợi chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, luật cũng không phải là tất cả. Sâu xa nhất vẫn là phải thay đổi nhận thức, phong cách sống. Ở mình tiếc là trình độ văn hóa còn thấp quá. Chẳng riêng gì với người dân mà ngay cả những người làm công tác lãnh đạo, quản lý thì văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý cũng còn thấp.
Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định ấy?
Các nhà quản lý cứ đưa ra quy định cấm người dân thực hiện điều này điều nọ, nhưng lại không có hướng dẫn để người ta làm cho đúng. Ngay như trong câu chuyện giao thông như trao đổi lúc đầu, nếu như nhà quản lý - bên cạnh việc trưng tấm biển báo cấm xe máy bằng hình chiếc xe có gạch ngang thì sao không viết thẳng ra dòng chữ "đường này cấm xe máy"? Thế có phải dễ hiểu hơn không?
Văn hóa quản lý thấp, theo ông thì vì sao?
Vì năng lực, trình độ hạn chế cũng có, vì không sát dân mà ngồi bàn giấy rồi vẽ ra quy định cũng có. Những cái này người ta cũng chỉ ra nhiều rồi.
Ông nói làm tôi hoang mang quá, vì chúng ta cứ mãi cái vòng luẩn quẩn giữa văn hóa quản lý thấp với đặc trưng tính cách tiểu nông.
Vấn đề là ở chỗ ấy. Bước vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa rồi mà những cái đó vẫn còn tồn tại sẽ khiến chúng ta bị tụt hậu.
Thế nên, cốt lõi phải thay đổi nhận thức, phong cách sống. Khi nào chúng ta xây dựng được nền sản xuất công nghiệp hóa thì những tính cách ấy tự bị đào thải.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Trên thực tế, nhiều khi, chính phong cách sống luộm thuộm của người Việt lại được nâng lên thành những giá trị sống đấy. Ví như thấy có ông thủ trưởng nọ đang giờ làm lại kéo cả hội đi uống bia, nhiều người còn cho rằng tính ông thoáng và là mẫu thủ trưởng được ưa thích. Khi nào trình độ văn hóa cao lên, người ta cùng tỏ thái độ không đồng tình với những hành vi chệch chuẩn này thì khi đó sẽ góp phần khắc phục được những cái tùy tiện, luộm thuộm, bất chấp luật pháp như hiện tại".
GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh |
Vũ Thủy (Thực hiện)
Bài đọc nhiều: