(Kienthuc.net.vn) - Viện Tư vấn phát triển CODE (Viện CODE), một tổ chức phi Chính phủ, vừa có báo cáo về thực trạng quản lý sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh (LTQD) với người dân địa phương. Báo cáo này chỉ ra rằng xung đột giữa người dân địa phương với các tổ chức nhà nước về đất rừng đang gia tăng, gay gắt.
Theo ông Phạm Quang Tú, phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển CODE: “Mức độ xung đột về đất rừng giữa người dân địa phương và LTQD đang ngày càng tăng. Nhiều người nhìn vào thì thấy có vẻ yên ả, nhưng đó là vì người dân hiện nay vẫn tạm thời được canh tác trên đất của lâm trường. Theo văn bản số 1019/TTg-ĐMDN ngày 24/6/2011 và một số văn bản khác, nhà nước sẽ tiến hành giao sổ đỏ cho các LTQD trước khi xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới và giải quyết các mâu thuẫn sẽ khiến nhiều người dân không được canh tác nữa. Đây là một quy trình ngược sẽ khiến mâu thuẫn trầm trọng hơn”.
Báo cáo của Viện CODE chỉ ra rằng: Nhiều khu vực đất sản xuất, đất rừng của lâm trường vẫn bị tranh chấp, xâm lấn kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và ngày càng có nguy cơ gia tăng dẫn đến xung đột, mâu thuẫn xã hội giữa lâm trường, các đối tượng sử dụng đất rừng và các hộ, cộng đồng có ít hoặc không có đất rừng.
Tại Hữu Lũng (Lạng Sơn) năm 2008 có 111 vụ vi phạm tranh chấp lấn chiếm đấy đai, đến năm 2010 có 142 vụ và 6 tháng đầu năm 2011 có 72 vụ. Kết quả điều tra phỏng vấn các hộ ở Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) cho thấy khoảng 43% số hộ cho rằng mâu thuẫn giữa người dân và LTQD sau rà soát tăng lên so với trước khi rà soát và 35% cho rằng không có gì thay đổi.
Phân tích sâu về nguyên nhân của các xung đột này, Viện CODE cho rằng trong khi người dân đang thiếu đất canh tác thì lại giao quá nhiều cho các LTQD mà không đem lại hiệu quả. Các LTQD được giao một tài sản lớn nhưng quản lý yếu kém nên đất không được sử dụng hợp lý để tạo ra của cải vật chất còn rừng thì ngày càng mất đi.
Hệ quả là nhiều người dân do thiếu đất đã xâm lấn, canh tác trái phép trên đất lâm trường trong một thời gian dài. Đến khi thực hiện rà soát thu hồi trả lại cho địa phương thì lại nảy sinh nguy cơ “nếu thu hồi giao lại cho những người này sẽ gây ra làn sóng tiếp tục xâm lấn đất rừng của lâm trường của các hộ dân chưa có đất (vốn là những người chấp hành nghiêm pháp luật)”.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều diện tích rừng do LTQD trả lại cho địa phương giao đất, giao rừng nhưng người dân không nhận vì quá xa, quá xấu…
Vũ Chương